(Xây dựng) - Liên tiếp những trận động đất ở Nepal cùng các dư chấn gây thiệt hại nặng nề đối với các công trình xây dựng, một lần nữa đặt ra mối lo với các công trình xây dựng ở Việt Nam.
Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong các công trình xây dựng, nhất là công trình nằm trong vùng động đất, là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công trình xây dựng.
Mặc dù Việt Nam đã có Tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất”, nhưng việc tuân thủ ở nhiều nơi còn chưa nghiêm. Các công trình xây dựng tại địa phương trước khi TCXDVN 375:2006 có hiệu lực, đều không được quan tâm tới thiết kế kháng chấn, ngoại trừ tại một số TP như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Với TP.HCM, theo các nhà khoa học, mặc dù không phải nằm trong khu vực nguy hiểm, có thể xảy ra các trận động đất mạnh trên 6 độ richter, nhưng do nền đất yếu, TP hoàn toàn có thể bị tàn phá nặng nề với chỉ một cơn động đất trên 5 độ richter, loại động đất “nhẹ” ở các vùng khác.
Lĩnh vực giao thông, thủy lợi cũng lơ là khâu này. Ngoài một số công trình có quy mô lớn và có tầm quan trọng có thiết kế kháng chấn như: cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cầu Vĩnh Tuy, cầu Gianh, cầu Thủ Thiêm...; thì tại nhiều công trình giao thông, do các tổ chức tư vấn thiết kế giao thông trong nước thiết kế, chưa xem xét tới khả năng kháng chấn. Các công trình thủy lợi nói chung và các công trình hồ chứa của nhà máy thủy điện nói riêng đều có tình trạng tương tự. Chỉ có các công trình thủy điện được thiết kế từ năm 2000 đến nay mới thực hiện thiết kế kháng chấn như: Sơn La, Nậm Chiến, Tuyên Quang…
Tại TP.HCM, do trước đây chưa nghiên cứu kỹ về nền đất yếu tại TP.HCM, với dự báo rằng động đất nếu xảy ra cũng không gây hậu quả nghiêm trọng, nên mạng lưới trạm quan trắc động đất ở nước ta chủ yếu là ở miền Bắc. Trong số 24 trạm chu kỳ ngắn trên cả nước thì chỉ bố trí 2 trạm ở khu vực Nam bộ. Để có thể dự báo động đất, theo dự kiến, TP.HCM sẽ xây dựng 6 trạm quan trắc động đất đặt tại Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước, Vũng Tàu, An Giang, Cà Mau để truyền số liệu về trung tâm thu và xử lý đặt tại Sở TN&MT TP.HCM. Với 6 trạm này, theo tính toán, TP.HCM và Nam bộ có thể đo và dự báo dài hạn về động đất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống động đất ở Việt Nam còn rất sơ khai, thiếu những chế tài cụ thể - điều đó cũng đồng nghĩa với nguy cơ chúng ta sẽ phải trả giá đắt khi tai biến động đất xảy ra.
Cẩm Tú
Theo