Thứ sáu 27/12/2024 04:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Người Việt 'yếu' ngoại ngữ và tư duy 'tạm đủ'

07:21 | 07/07/2014

Tư duy 'tạm đủ' thể hiện ở nhiều lĩnh vực, mà học và sử dụng ngoại ngữ là một ví dụ.

Người VN không yếu ngoại ngữ...

Có thể không cần bàn thêm về tầm quan trọng của ngoại ngữ[1] trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện nay. Khi mà nguồn tài nguyên nước ngoài sẵn sàng gõ cửa, ngoại ngữ là chìa khóa để chúng ta có thể tiếp thu được những tri thức và đón nhận những cơ hội mới.


Trong thời đại toàn cầu hóa, ngoại ngữ rất quan trọng. Ảnh minh họa

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể khẳng định rằng, xét về mặt bằng chung, người Việt Nam không hề yếu ngoại ngữ, nhất là đối với thế hệ trẻ. Phần lớn các bạn có trình độ tiếng Anh đủ để giao tiếp với người nước ngoài. Chuyện ra đường gặp các bạn trẻ nhiệt tình làm "hướng dẫn viên" cho du khách nước ngoài không còn là hiếm. Rất nhiều bảng hiệu trên đường, thực đơn trong nhà hàng hay các sản phẩm trong siêu thị nước ta... có nội dung được thể hiện song ngữ tiếng Việt/ Anh, thậm chí chỉ có... tiếng Anh!

Điều này rất khác với các nước khác. Khi đến Hàn Quốc, người nước ngoài sẽ gặp khó khăn hơn nhiều khi giao tiếp, vì ở đây tiếng Anh không phổ biến đến thế. Đi taxi, muốn miêu tả địa điểm cũng không dễ, còn vào siêu thị thì cố gắng "nhìn nhãn đoán công dụng". Đến Pháp, Ý tình trạng cũng tương tự đối với các bảng hiệu hoặc sản phẩm bày bán, dù người dân ở đây có thể sử dụng tiếng Anh thông thạo.

Như vậy, rõ ràng  xét về mặt bằng chung, chúng ta thậm chí còn sử dụng ngoại ngữ nhiều hơn nhiều nước khác. Nhưng vì sao chúng ta vẫn bị xem là yếu ngoại ngữ?

...chỉ là chưa đủ "giỏi đến cùng"

Bởi, theo tôi, chúng ta chỉ "biết" ngoại ngữ, chứ chưa thực sự sử dụng được nó như một ngôn ngữ để phục vụ cho công việc. Một ngôn ngữ khi chưa được sử dụng để đạt mục đích cuối cùng của người truyền đạt thì chưa được xem là thông thạo.

Thông thạo một ngôn ngữ nhất định nghĩa là có thể sử dụng nó truyền tải nội dung chúng ta muốn, phục vụ tốt cho công việc của chúng ta, tùy theo từng cấp độ yêu cầu của công việc đó. Chẳng hạn, đối với người lái taxi, đó là biết được chính xác khách hàng muốn đến địa điểm nào, những chỉ dẫn kèm theo và giao tiếp được với họ. Đối với hướng dẫn viên du lịch là khả năng giới thiệu cho du khách về những địa điểm và khả năng điều hành chuyến đi.

Yêu cầu thông thạo ngoại ngữ đối với tầng lớp lao động "cao cấp" còn cao hơn thế rất nhiều. Đối với bác sĩ, yêu cầu đó là có thể nghiên cứu các tài liệu bằng ngoại ngữ, tư vấn cho bệnh nhân nước ngoài, và cao hơn, có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. Đối với luật sư là khả năng nghiên cứu pháp luật nước ngoài, tư vấn, tham gia tranh tụng bằng ngoại ngữ. Đối với các giảng viên là có thể viết những bài nghiên cứu, giảng dạy bằng ngoại ngữ, v.v...

Tiếc rằng, điều này chúng ta lại rất thiếu. Nói cách khác, chúng ta đang thiếu hụt một nguồn nhân sự có thể sử dụng "tiếng Anh cao cấp", những người đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu một "Việt Nam mới" ra thế giới!

Theo số liệu thống kê [2], năm 2012, Việt Nam có 1.731 bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế, so với 5.804 của Thái Lan, 7.828 của Malaysia, 10.125 của Singapore. Ngoại ngữ chưa đủ "giỏi" phải chăng cũng là một nguyên nhân cho con số "khiêm tốn" này?

Ngoại ngữ đương nhiên không phải là thước đo trí tuệ của một cá nhân hay một quốc gia. Nhưng nếu không có ngoại ngữ, hay chính là "ngôn ngữ" trong cộng đồng quốc tế, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong ngoại giao hay cao hơn nữa thể hiện tinh hoa của dân tộc. Điều này lý giải phần nào tại sao mặc dù người Việt về mặt bằng chung có thể "khá" ngoại ngữ, nhưng lại vẫn non yếu trong việc đưa các sản phẩm trí tuệ ra thế giới, cũng như thể hiện vai trò trong cộng đồng thế giới.

Tư duy "tạm đủ"

Như vậy gốc của vấn đề là gì khi người Việt ở một góc độ nhất định vẫn bị xem là "yếu ngoại ngữ"? Không thể biện hộ rằng VN nằm trong khu vực không sử dụng tiếng Anh để biện hộ. Vì nhìn xung quanh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... tuy hệ thống chữ cái toàn toàn khác hệ Latin nhưng họ có rất nhiều đại diện làm việc khắp nơi trên thế giới. Và cũng không thể viện dẫn do "nước đang phát triển" để bào chữa, vì thực ra, thông thạo một ngoại ngữ không phải là một vấn đề quá khó đến mức phải giàu có mới làm được, nhất là đối với lao động trình độ cao.

Theo cá nhân người viết, điều này một phần xuất phát từ "tư duy tạm đủ" đã ăn sâu vào tính cách của người Việt Nam. Tư duy 'tạm đủ' của người Việt không chỉ thể hiện trong vấn đề học ngoại ngữ mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Đó là tư duy tiểu nông, chỉ cần mưa thuận gió hòa, đủ ăn đủ mặc là... đủ. Biết tiếng Anh sơ sơ đủ dùng là đủ, có tấm bằng đủ xin việc là đủ, chỉ cần biết tiếng Anh thôi là đủ, không cần ngôn ngữ khác, học Đại học thôi là đủ, đi làm lương đủ ăn là đủ...

Đương nhiên, mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau về nhu cầu và khả năng của bản thân, tuy nhiên khi cái tư duy "tạm đủ" là đặc tính phổ biến, nó sẽ trở thành tác nhân kéo lùi sự phát triển của dân tộc đó.

Khi VN mở cánh cửa ra thế giới, người Việt được đi ra nước ngoài nhiều hơn, có thể chúng ta sẽ nhận ra như vậy chưa "đủ". Một trình độ tiếng Anh trung bình chưa đủ giúp chúng ta viết được một bài nghiên cứu có giá trị để được đăng tải trên các tạp chí quốc tế, chưa đủ giúp chúng ta có thể tranh luận một cách nghiêm túc cùng các đồng nghiệp nước ngoài.

Một vài bằng cấp chưa đủ để người tuyển dụng "hoảng sợ". Một kiến thức hời hợt về thế giới từ những cuộc du lịch ngắn ngày, chụp ảnh và check-in hơn là tìm hiểu sâu về văn hóa - lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật chưa đủ để bạn ba hoa về những vùng đất đã đi qua trước bạn bè thế giới, khi cơ hội trải nghiệm của họ nhiều hơn nhiều lần.

Nếu còn giữ tư duy học tập và làm việc "vừa đủ", học vì bằng cấp, hình thức, còn quan điểm làm việc để khoe mẽ hơn là vì khát vọng thực sự của bản thân, thì việc người Việt tụt hậu với thế giới sẽ còn là một vấn đề lâu dài, không chỉ trong chuyện học ngoại ngữ.

Theo Vietnamnet

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load