(Xây dựng) - Quốc hội kỳ họp vừa qua bàn sửa đổi Luật Công chức, viên chức với rất nhiều tiếng nói đa chiều. Những tranh luận rất nóng về chọn người tài và sử dụng người tài thế nào để những tài năng ấy được khai thác hướng về phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, vẫn còn đó bao trăn trở!
Mới thấy bàn về nguồn lực, về tài năng luôn là vấn đề nóng, là “chuyện dài nhiều tập”, mỗi người mỗi cách nhìn, mỗi một quan điểm, nhiều khi còn ngược nhau, còn vênh nhau…
1. Bàn về người tài thì phải hiểu thế nào là người tài? Không phải ai sinh ra trên đời cũng bẩm sinh sự uyên bác. Nhưng tố chất của sự thông minh thì mỗi người một cung bậc khác nhau. Người nổi trội mặt này, người sáng láng mặt kia. Không ai hoàn hảo, toàn bích hết. Nói thế để thấy bàn chuyện người tài cũng là cả “biển” tiếng nói khác nhau.
Nhưng nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm qua, thì đất nước thời nào cũng sáng lên những hào kiệt. Nếu không có những anh hào, những hào kiệt như thế, thì sao đất nước có được như hôm nay?
Đất nước có giặc, thì đàn bà cũng ra trận, cũng sáng ngời lên những nữ nhi, những đạo quân tóc dài đâu phải dân tộc nào cũng có được. Đất nước đi vào xây dựng làm kinh tế cũng chả thiếu những tài năng sáng tạo. Ngay cả trong các lĩnh vực khoa học đặc thù, nhiều người Việt Nam cũng ngời lên tên tuổi.
Quan điểm nói chọn về dùng người tài như 70 năm trước không còn hợp nữa, liệu có trúng không? Rõ ràng đã xuất hiện cách nhìn lệch lạc trong nhìn nhận về chọn tài, dùng tài. Nên nhớ, từ thời xa xưa, thời Bác Hồ cho đến hôm nay, việc chọn người tài, nhìn nhận người tài, và dùng người tài vẫn kế tiếp nhau trong một tư duy nhất quán: Người tài dù thời nào cũng được đánh giá đúng, được trân trọng, yêu quý!
Đất nước đang rất cần người tài trong thời kinh tế thị trường hội nhập. Đã qua cái thời nói người tài thì ném vào đâu, đặt vào đâu cũng tài. Hãy nhìn xem tài năng âm nhạc như Đặng Thái Sơn mà “tung” vào làm kinh tế sao có được? Một nữ danh ca hát như mê hoặc đắm đuối lòng người mà cho đi cấy, đi làm nông cũng chả nên. Một nhà nghiên cứu khoa học cho đi bốc vác, nhìn sao tròn con mắt? Ấy là chưa kể đến việc chả học giao thông, sang lãnh đạo giao thông, chả học văn học, lịch sử gì cũng ngồi ghế lãnh đạo ngành văn hóa. Nói thế để thấy trao việc “tréo giò” kiểu “con dao pha” làm gì cũng được không còn hợp lý nữa. Làm gì cũng phải chuyên sâu, ở lĩnh vực nào cũng phải am tường lĩnh vực đó.
Hãy nhìn xem cuộc thi toán, vật lý, hóa học quốc tế nào, học sinh Việt Nam cũng “ôm về” giải vàng, giải bạc. Nhưng số này đang ở đâu làm gì, liệu Bộ GD&ĐT và các cơ quan lo toan việc chọn người tài, dùng người tài có hay? Chính sách thu hút tài năng, bồi dưỡng đào tạo tài năng đã dành “đất” cho những người tài năng “hé lộ” này có “đất” dụng võ chưa?
2. Chính phủ đã có quyết sách đặc thù, đặc biệt gì để thu hút người tài về “đầu quân” cho các cơ quan, các bộ ngành của Nhà nước? Liệu những chính sách ấy đã đủ để thu hút nhân tài chưa? Rõ ràng là chưa! Thế nên, chính sách trọng dụng người tài rất cần phải cụ thể hóa ngay trong sửa đổi Luật Công chức, viên chức với những quy định cụ thể có tính pháp quy. Đó chính là việc phải cần làm ngay, nếu đất nước không muốn chảy “chất xám” ra bên ngoài. Nhìn lại cả khi đất nước trong bom rơi đạn nổ khó khăn tứ bề, Đảng và Nhà nước vẫn có kế hoạch dài xa đưa lớp trẻ đi học ở các nước để về phục vụ Tổ quốc. Nhiều người đi học ở Liên Xô và các nước XHCN về rất thành danh trong các vị trí được trao. Hãy nhìn lại một thời đất nước có trường thiếu sinh quân đã đào tạo ra nhiều vị tướng có tài, những cán bộ thế hệ trước đảm trách trên nhiều lĩnh vực rất tâm huyết, tài năng.
Nhìn thực tế bây giờ các trường đại học mở ra, thỏa mãn nhu cầu học của hết thảy mọi người. Mới thấy bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ… tung ra nhiều, nhưng người tài năng thực sự như lại ít đi chăng? Có hay tình trạng “tài giả, giả tài” cũng không hề ít. Có người cầm trong tay vài bằng đại học của các lĩnh vực, bằng nào cũng “khá giỏi” sáng lung linh, nhưng đi vào cụ thể chuyên sâu thì lại rất nhạt nhòa. Nghĩa là cái gì cũng có thể biết, nhưng cũng chỉ “vòng ngoài” như chuồn chuồn chấm nước!
Thực trạng đội ngũ công chức rất thiếu người chuyên sâu, nhưng lại quá thừa những công chức “phán trên giời”, nhưng làm thì dở, cũng hỏng. Ai hay, bây giờ cứ gặp những cán bộ trẻ là hỏi ngay: Con cháu đồng chí nào? Sự thật nhỡn tiền xa xót ấy khi nhìn về đội ngũ cán bộ cục nọ vụ kia của các bộ chính là sự gửi gắm và cài cắm như một “hội chứng” ai cũng biết, nhưng chả ai chịu nói ra. Nói thế không phải con cháu lãnh đạo không có tài năng. Nhiều người có tố chất, “có gen” tài năng chứ. Nhìn thẳng thì số thực tài ít, nhưng những công chức làng nhàng xô bồ thì lại quá nhiều. Thử nhìn xem người tài năng thật sự hàng ngày đến công sở như trong “vòng vây” ánh mắt soi mói của những cán bộ làng nhàng, tâm đức kém, lại quá thừa sự đố kỵ ghen ghét nữa, thì người tài năng có khi cũng oải, cũng đành “dứt áo” ra đi.
Người tài năng có không, và họ đang ở đâu? Câu trả lời thế nào là tài năng xem ra còn đó những mung lung. Cần chỉ thẳng người tài năng, sáng tạo chủ yếu đang ở trong nhân dân. Người tài năng là con cháu lãnh đạo cũng có, nhưng nói thật không phải nhiều. Các nhà làm tổ chức hãy nhìn lại xem công chức trong các bộ ngành hiện nay con cái cô bác dân thường là bao nhiêu? Trong các cơ quan công quyền của các tỉnh, huyện trong cả nước con cháu cô bác dân thường là bao nhiêu. Nói thẳng ra là con cháu các gia đình khó nghèo dù có học hành giỏi giang cũng đâu dễ chen chân. Thế nên, nhiều người tài năng, có tố chất thông minh vẫn cứ ở vòng ngoài. Thực tế ấy đang diễn ra không thể không suy nghĩ. Có hay con cái các gia đình khá giả tính nước đi du học rồi tìm cách ở đại học khá giỏi cũng đủ gập ghềnh trong hành trình đi xin việc!
Bàn về sửa đổi Luật Công chức, viên chức phải làm sao thiết kế được những điều luật chặt chẽ để thu hút người tài. Dù là con lãnh đạo hay con cháu cô bác thường dân, nếu tài năng thực sự phải coi đó là “báu vật” quốc gia cần trân quý. Nhưng cũng phải có thiết chế, thể chế từ pháp quy để loại ngay từ vòng đầu những nhân sự yếu kém nhưng cố tình cài cắm, gửi gắm bằng những hồ sơ đẹp, trên cả đẹp bằng uy quyền, hay cả bằng phong bao tiền bạc o bế.
Cần phải nhìn rõ cái lỗ hổng nhiều người không thực tài cũng lọt vào diện tài năng để trao cho chức này quyền kia. Đã có một thời một số trường đại học tuyển chọn sinh viên giỏi đầu vào điểm cao để học các lớp chất lượng cao. Nhưng ý tưởng thì hay, cách làm chưa đủ độ, đủ tầm, nên tìm ra những người tài năng để đào tạo chuyên sâu trong những lớp chất lượng cao này cũng chả mấy hiệu quả. Người tài thường có cá tính riêng. Không phải ưu ái lương bổng cao với đãi ngộ này đãi ngộ kia mà giữ chân được họ. Vấn đề là tạo “đất” cho người tài dụng võ. Nhưng nói thế, người tài cũng phải lo cho họ đủ sống để họ cống hiến làm việc. Người tài mà trả lương hẻo không đủ sống, để họ còn loay hoay với “cơm áo gạo tiền”, sao có thể yên tâm sáng tạo? Nhiều người tài năng họ không chịu luồn cúi, họ bỏ Nhà nước ra mở DN bên ngoài rất thành công. Nhưng cũng chả thiếu những “nhân vật” cũng được ai đó “tung hê” là tài năng, nhưng là “của giả, đồ giả” tự huýnh nên nói như “rồng bay phượng múa”, nhăm nhắm “ỷ thế cậy ô” vừa ra mở DN bên ngoài đã vi phạm luật pháp ngã “sóng soài” giữa thương trưởng bỏng rát. Không ít những doanh nhân con cháu ông nọ bà kia giỏi “chém gió” mở DN nhăm nhắm ăn vào mối quan hệ, ôm hết dự án này dự án kia nhờ uy oai, nhờ phong bì phong bao, giỏi luồn cửa trước tài chạy cửa sau, nhưng rồi cũng lộ ra “chân dung” của kẻ bất tài cơ hội.
3.Người tài năng thật sự giờ họ đang ở đâu, các nhà tổ chức đã nhìn ra họ chưa? Liệu các cơ quan tổ chức làm “khoa học” về con người có hay những người tài hiện đang nghĩ gì, cần gì ở Đảng và Nhà nước? Đó dứt khoát không phải là những người cầm phong bì cả triệu “đô” như 2 cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Càng không phải là những Vũ “nhôm”, những tướng Quân đội, Công an, những Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang của TP.HCM và Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến của Đà Nẵng thừa uy nhưng thiếu tín “ăn” vào đất đai, “ngoạm” vào công sản, ngó nghiêng vào cái túi tiền ngân sách chưa dư dả. Đừng nghĩ người tài coi bạc tiền lương bổng hậu đãi là tất cả. Cái người tài cần lại từ cách nhìn nhận đánh giá tài năng của họ có chuẩn chỉ không. Đã có chuyện “con ông nọ cháu bà” kia thi đại học không đỗ, nhờ ô dù cha chú quay ra học tại chức nhì nhằng, nhưng ghế cao quyền lớn đã có người sắp đặt sẵn rồi. Ai hay quân quyền bên dưới lại là thủ khoa đại học tài năng thật sự sao có thể chấp nhận “dưới trướng” những lãnh đạo non tầm non trí này? Thế là xảy ra xung đột. Thế là người tài thật sự phải “dứt áo” ra đi. Các cơ quan Nhà nước cồng kềnh quá đông công chức làng nhàng chen chân, nhưng quá thiếu người giỏi, người tài năng cũng là vì thế!
Muốn quốc gia bứt phá trong hội nhập, muốn đất nước chuyển động nhanh phải có kế sách và quyết sách để trọng dụng người tài năng tâm huyết thật sự, và loại nhanh những kẻ bất tài cơ hội ra khỏi đội ngũ.
Phải thật sự biết trân quý tài năng, thì tài năng mới có thể tỏa sáng! Người tài năng càng không thể cứ “tung” họ hết lĩnh vực này sang lĩnh vực kia, rồi bảo đó là thử thách!
Đã đến lúc cần có kế sách trong chọn người tài và dùng người tài. Phải coi đó là cánh cửa mở ra trong một tư duy tầm nhìn và chiến lược mới!
Đỗ Quang Đán
Theo