Thứ hai 23/12/2024 01:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật phần QCVN 07-4 Công trình giao thông

11:05 | 08/08/2022

(Xây dựng) – Vừa qua, Bộ Xây dựng đã họp nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật” phần QCVN 07 – 4 Công trình giao thông do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam chủ trì thực hiện. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì cuộc họp.

nghiem thu nhiem vu khoa hoc quy chuan ky thuat quoc gia ve cac cong trinh ha tang ky thuat phan qcvn 07 4 cong trinh giao thong
Toàn cảnh buổi nghiệm thu nhiệm vụ khoa học

Trong 5 năm áp dụng QCVN 07-4:2016/BXD, đã đạt được những kết quả rõ ràng và nhận được đánh giá cao của những người làm giao thông. Tuy nhiên, việc sử dụng Quy chuẩn này cũng đã nảy sinh một số vấn đề cần phải được soát xét sửa đổi và bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình giao thông hiện tại.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông có thuộc tính là hiện hữu, sử dụng trong một thời gian dài không dễ dàng điều chỉnh cũng như thay đổi. Công trình hạ tầng kỹ thuật giao thông ảnh hưởng trực tiếp tới các hạ tầng kỹ thuật khác. Nếu công trình thiết kế và thi công xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ ảnh hưởng nhiều mặt đến mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khác.

Theo Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông là những yêu cầu kỹ thuật phải tuân thủ khi đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông đô thị; đường nối vào cao tốc; đường vành đai trên cao. Quy chuẩn này không bao gồm các công trình giao thông như: Tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, cảng đường thủy và sân bay.

Những quy định trong quy chuẩn này được chỉnh sửa, bổ sung cho QCVN 07-4:2016/BXD chỉnh sửa, làm rõ, cập nhật các nội dung; bổ sung các nội dung cần thiết khác nhằm đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, thiết kế, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng công trình giao thông, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Công trình giao thông đô thị phải đảm bảo an toàn giao thông, bình đẳng cho mọi người trong tham gia giao thông, tạo sự đa dạng trong lựa chọn phương thức di chuyển của mọi người. Xây dựng các công trình giao thông đô thị phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các quy định về quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Kết cấu công trình giao thông đô thị phải đảm bảo ổn định, bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Công trình giao thông đô thị phải đảm bảo cho xe chữa cháy tiếp cận tới các công trình xây dựng, tiếp cận tới các họng nước chữa cháy; phải đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo quy định tại QCVN 10:2014/BXD; hướng tới mỹ học là không gian đô thị chung cho mọi người.

Đối với bình đồ đường đô thị phải đảm bảo các tiêu chí về tầm nhìn tối thiểu; bán kính đường cong; đối với các đường cụt, bán kính quay xe dạng vòng xuyến được quy định tối thiểu là 10m; diện tích bãi quay xe dạng không phải vòng xuyến được quy định tối thiểu là 12m x 12m; đối với đường có tốc độ thiết kế V ≥ 60km/h, giữa đoạn thẳng và đoạn cong tròn được nối tiếp bằng đường cong chuyển tiếp.

Đối với đường cao tốc, đường trục chính đô thị, đường chính đô thị và các đường khác có 4 làn xe trở lên, có bố trí dải phân cách giữa thì tại các đoạn có bố trí siêu cao cần phải thiết kế hệ thống các giếng thu nước mưa bổ sung dọc theo mép dải phân cách, giếng thăm và ống cống thoát nước tại các nơi tập trung nước.

Các đoạn đường cong, các đoạn kế tiếp với các nhánh nối ra, vào đường cao tốc đô thị, đường trục chính đô thị, đường chính đô thị và các đường liên khu vực phải thiết kế chi tiết quy hoạch mặt đứng bề mặt phần xe chạy, lề đường, hè phố và quy hoạch hệ thống công trình thoát nước (giếng thu, giếng thăm, cống thoát nước).

Đối với mặt cắt dọc đường đô thị, có thể xác định theo tim phần xe chạy hoặc mép phần xe chạy; trường hợp ở giữa đường có đường xe điện thì mặt cắt dọc được thiết kế xác định theo tim đường xe điện nếu đường xe điện có cùng mức với đường bộ. Cao độ thiết kế phải phù hợp với quy hoạch cao độ nền và thoát nước, mặt đường và kiến trúc chung khu vực xây dựng hai bên đường đô thị.

Mặt cắt ngang đường đô thị phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để bố trí các phương thức vận tải khác nhau theo yêu cầu khai thác thực tế hoặc tương lai, bao gồm: Phần đường xe cơ giới, phần đường cho giao thông công cộng, phần đường cho thô sơ, các làn xe phụ, chỗ đỗ xe dọc đường phố, quỹ đất dự trữ cho cải tạo mở rộng (nếu có) và phần để bố trí các công trình, trang thiết bị đảm bảo tổ chức khai thác và điều khiển giao thông.

Chiều rộng của hè phố phụ thuộc vào loại đường, cấp đường thiết kế. Phần hè phố dành cho người đi bộ cần được phủ mặt bằng vật liệu cứng để đi lại thuận lợi, thoát nước tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, phù hợp kiến trúc cảnh quan. Trên hè phố không được bố trí mương thoát nước mưa dạng hở. Chiều rộng 1 làn người đi bộ trên hè phố tối thiểu là 0,75m. Đối vối các loại hè phố bị xén một phần để mở rộng mặt đường ở các điểm dừng xe buýt, bề rộng còn lại không được nhỏ hơn 2m và phải tính toán đủ chiều rộng để để đáp ứng nhu cầu bộ hành.

Đỉnh bó vỉa ở hè phố và đảo giao thông phải cao hơn mép phần xe chạy tối thiểu 12,5cm và tối đa không quá 30cm, ở các giải phân cách là 30cm; Đối với đường phố cấp đô thị không được phép sử dụng bó vỉa mép; Tại các lối rẽ vào khu nhà ở chiều cao bó vỉa là 5 ÷ 8cm và dùng bó vỉa dạng vát; Trên những đoạn bằng, rãnh phải làm theo kiểu răng cưa để thoát nước thì cao độ đỉnh bó vỉa cao hơn đáy rãnh 15 ÷ 30cm; đối với đường nội bộ, đường cải tạo, nâng cấp cho phép giảm chiều cao bó vỉa hè phố khi xét đến cao trình nền khu vực khu dân cư hiện hữu. Hè phố phải đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng theo quy định tại QCVN 10:2014/BXD.

Đường đi bộ phải cách ly với giao thông cơ giới bằng giải phân cách cứng, rào chắn hoặc dải cây xanh. Độ dốc ngang mặt đường tối thiểu là 1% và tối đa là 4%. Độ dốc dọc của đường đi bộ và vỉa hè trong trường hợp vượt quá 40% và chiều dài đường lớn hơn 200m thì phải làm đường dạng bậc lên xuống.

Trong trường hợp không thể tổ chức an toàn cho người đi bộ qua đường trên mặt đất bằng các hình thức điều khiển bằng tín hiệu đèn thì phải bố trí cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ tại nút giao, vị trí vượt qua đường có lưu lượng xe lớn hơn 2.000 xcqđ/h và lưu lượng bộ hành lớn hơn 100 người/h (vào giờ cao điểm) và tại các nút giao khác mức, nút giao giữa đường đô thị với đường sắt, các ga tàu điện ngầm, gần sân vận động.

Đường đi bộ phải đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng và đảm bảo các yêu cầu về mỹ quan, phải được thiết kế để tăng tính kết nối người đi bộ với các điểm dừng hoặc ga giao thông công cộng. Đối với tổ chức nút giao thông, cần căn cứ vào các nguyên tắc tổ chức nút giao đường đô thị; loại hình nút giao căn cứ vào nguyên tắc tổ chức giao thông, đồng thời có xét tới điều kiện sử dụng đất, khả năng đầu tư và cải tạo đất sau này.

Các nút giao cùng mức phải đảm bảo các yêu cầu về: Tầm nhìn; góc giao; nút giao; tốc độ thiết kế nút giao cùng mức; bán kính bó vỉa; đảo giao thông; làn chuyển tốc.

Nút giao khác mức được lựa chọn qua phân tích kinh tế kỹ thuật; có thể có hoặc không có các nhánh nối liên thông tùy theo cách tổ chức giao thông. Tiêu chuẩn kỹ thuật các nhánh rẽ trong nút giao khác mức phụ thuộc vào tốc độ thiết kế các nhánh nối; bán kính tối thiểu; độ dốc siêu cao; chiều dài đoạn chuyển tiếp; kích thước mặt cắt ngang.

Các công trình phục vụ giao thông công cộng bằng xe buýt được thiết kế mạng lưới tuyến xe, số lượng tuyến xe và các điểm dừng, điểm đầu cuối được xác định sơ bộ trong đồ án quy hoạch đô thị và dựa vào nhu cầu đi lại trong tương lai tối thiểu 5 năm.

Ưu tiên kết hợp điểm đầu cuối xe buýt với bến xe đô thị hoặc các điểm đầu cuối của các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác như: BRT, tàu điện đô thị để tăng tính kết nối và giảm chi phí

Các loại hình giao thông công cộng khác bao gồm: Giao thông công cộng bằng đường sắt nhẹ (LRT), tàu điện trên cao, tàu điện ngầm… có năng lực vận chuyển khách từ trung bình tới rất cao. Do có suất đầu tư lớn và thi công phức tạp, mạng lưới giao thông công cộng bằng tàu điện trên cao, tàu điện ngầm cần được nghiên cứu kỹ từ giai đoạn quy hoạch

Cần xây dựng mạng lưới giao thông công cộng một cách toàn diện, tích hợp hỗ trợ cơ sở hạ tầng và thiết kế cho phép tiếp cận an toàn thuận tiện với các dịch vụ đa phương thức của mạng lưới, đồng thời dễ dàng tiếp cận giữa các loại hình giao thông công cộng và cá nhân khác.

Các yêu cầu kết nối giao thông như: Điểm dỗ xe kết nối (Park anh Ride) được ưu tiên kết hợp cung bãi đỗ xe công cộng, điểm dừng đầu, cuối xe buýt và BRT, nhà ga đường sắt đô thị. Điểm đón trả khách kết nối (Kiss and Ride) đưuọc ưu tiên thiết kế như một làn đường riêng biệt, đi thẳng hoặc đi vòng và lưu thông một chiều nhằm mục địch tối đa hóa chiều dài và tối thiểu hóa diện tích, bảo đảm luồng giao thông thông suốt, tránh xung đột gây tắcnghẽn.

Cầu trong đô thị phải đảm bảo an toàn giao thông trên và dưới cầu; vị trí kiến trúc phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và thiết kế đô thị đã đưuọc phê duyệt. đảm báo các yếu tố như: mặt đường trên cầu phải có độ nhám, dốc thoát nước, mui luyện, siêu cao… phù hợp với tiêu chuẩn được lựa chọn.

Các công trình giao thông ngầm đô thị phải tuân thủ quy hoạch không gian ngầm đô thị; không gian xây dựng công trình; quy định về thiết kế hình học; yêu cầu về hệ thống công trình phụ trong hầm đường bộ (hệ thống thoát hiểm, điểm dừng xe khẩn cấp trong hầm); hệ thống phòng chống cháy nổ; hệ thống thông gió; hệ thống chiếu sáng; hệ thống thông tin liên lạc, tín hiệu, biển báo; hệ thống cấp thoát nước.

Trạm giám sát giao thông với mục đích thu thập dữ liệu giao thông để phục vụ cho việc nghiên cứu và thiết kế hệ thống giám sát quản lý giao thông hiệu quả, đồng bộ, đồng thời đáp ứng nhu cầu về dữ liệu giao thông ở cấp quốc gia và địa phương. Có hai phương pháp được sử dụng là thủ công và tự động. Ưu tiên sử dụng công nghệ tự động để thu thập dữu liệu giao thông. Về vận hành, bảo dưỡng và bảo trì các công trình giao thông phải thực hiện theo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền công bố áp dụng.

Trên cơ sở các sản phẩm và nội quy của từng nhiệm vụ, Hội đồng tư vấn khoa học công nghệ Bộ Xây dựng đánh giá, Đề tài được thực hiện một cách nghiêm túc, nội dung nghiên cứu phong phú, có tính đổi mới, có giá trị làm căn cứ sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về Quy chuẩn quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật phần QCVN 07-4 Công trình giao thông. Hội đồng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật” phần QCVN 07-4 Công trình giao thông.

Thu Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load