Tác phẩm "Mặt trời trong Lăng tỏa sáng"
của Trần Lam.
Ra đời như một hoạt động kinh doanh dịch vụ nhưng đồng thời còn có một ý nghĩa khác là chuyển tải thông điệp mang giá trị tinh thần. Nhiếp ảnh đến với người dân thời bấy giờ trong một bộ dạng mới mẻ của giá trị hàng hóa phục vụ dân sinh. Trong bài phát biểu tại hội thảo, ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cho rằng, việc chọn cái tên "Cảm Hiếu Ðường" của ông chủ Ðặng Huy Trứ nhằm khai thác một giá trị tinh thần và đạo lý của truyền thống Việt Nam là chữ "Hiếu" trong tâm thức dân tộc...
Ðến thời điểm này, sau 140 năm du nhập vào Việt Nam, nghệ thuật ảnh đã hòa nhập cuộc sống một cách tự nhiên, phù hợp thời đại. Cuối năm 2008, bức ảnh "Mặt trời trong Lăng tỏa sáng" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lam được mua với giá một triệu USD đã làm nhiều người bất ngờ.
Theo ông Vũ Ðức Tân, Trưởng ban lý luận phê bình HNSNAVN, nếu xét ở góc độ thẩm mỹ, điều này thật khó hiểu nhưng nhìn rộng hơn sẽ thấy rằng, tác phẩm "Mặt trời trong Lăng tỏa sáng" được mua trong thời kinh tế thị trường. Hơn nữa, đó là giá trị nhân đạo từ số tiền này mang lại, đã giúp gần 500 trẻ em bị mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn ở đồng bằng sông Cửu Long được mổ và chữa trị kịp thời.
Nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay được biết đến qua các liên hoan, triển lãm ảnh khu vực và trên thế giới với các giải thưởng lớn, huy chương vàng, bạc. Hoạt động giao lưu, triển lãm ảnh quốc tế bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ của giới văn nghệ, củng cố nền nhiếp ảnh cách mạng có bề dày truyền thống đồng thời còn là để các dịp nghệ sĩ học hỏi kinh nghiệm, cũng là cơ hội để phát huy vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam. Nhiếp ảnh đã có những bước tiến quan trọng và đóng góp nhiều cho đời sống xã hội. Những năm qua hoạt động nhiếp ảnh luôn được Ðảng, Nhà nước và các ban, ngành đặc biệt quan tâm. Nhiều ban, ngành, tổ chức xã hội coi nhiếp ảnh như một phương thức tuyên truyền chính của mình. Rất nhiều cuộc thi, triển lãm chuyên ngành được mở ra như: hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; trẻ em và sự quan tâm của chúng ta; ảnh về an toàn giao thông; môi trường...
Cơ chế thị trường đã tác động mạnh mẽ vào hoạt động nghệ thuật nói chung và nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng. Tuy không thay đổi bản chất sáng tác nhưng lại đòi hỏi người chụp phải thay đổi quan niệm, phong cách làm việc. Xu thế toàn cầu hóa đặt ra cho hoạt động nhiếp ảnh nhiều cơ hội và không ít thách thức. Khi hoạt động nghệ thuật vươn ra tầm thế giới, các nghệ sĩ cần nhận thức và đánh giá đúng vấn đề bản quyền. Tác phẩm nhiếp ảnh trong cơ chế thị trường là sản phẩm hàng hóa nhưng là hàng hóa đặc biệt.
Cũng liên quan chuyện bản quyền, ông Vũ Ðức Tân cho rằng: "Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng vấn đề bản quyền, bản quyền thường được quên đi, thể hiện bằng cách coi đây là công việc chung. Ðiều này không hẳn là đúng. Nguy cơ những tác phẩm không được đánh giá đúng với giá trị của nó là rất lớn...". Công tác đào tạo hiện nay cũng là một vấn đề quan trọng khi nhiếp ảnh bước vào thời kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Ðào tạo chuyên ngành nhiếp ảnh báo chí hiện nay chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn.
Góp ý kiến tại hội thảo về công tác đào tạo, ông Nguyễn Tiến Mão, giảng viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, nhiều tòa soạn quan niệm ảnh chỉ là để minh họa, là phần phụ trong mỗi trang báo, hơn nữa thời đại kỹ thuật số, chỉ cần có chiếc máy ảnh nhỏ hầu như ai cũng có thể chụp được. Chính vì vậy chất lượng ảnh đăng tải trên một số tờ báo tùy tiện, hạn chế từ nội dung đến hình thức, thiếu tính phát hiện và thông tin sự kiện.
Như vậy, cơ chế thị trường đang mở ra những cánh cửa xã hội hóa cho loại hình nghệ thuật này, cơ hội để nhiếp ảnh Việt Nam giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới ngày càng mở rộng. Nhiếp ảnh Việt Nam đã tạo dựng được uy tín với thế giới, minh chứng là chúng ta giành được khá nhiều giải thưởng nhiếp ảnh uy tín, được chọn đăng cai đại hội của các nhà nhiếp ảnh, các tổ chức nhiếp ảnh hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bích Hiệp (ND)
Theo baoxaydung.com.vn