(Xây dựng) - Kỳ vọng giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và giá trị backlog (đơn đặt hàng tồn đọng) lớn sẽ giúp các công ty xây dựng hạ tầng bứt phá mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận thuần trong giai đoạn 2023 – 2025.
Giá trị backlog lớn của các công ty xây dựng hạ tầng tại cuối quý I/2023 (Ảnh: VNDIRECT). |
Kỳ vọng tăng trưởng doanh thu nhờ giá trị backlog lớn
Theo báo cáo mới đây được đưa ra vào ngày 25/5 của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, hầu hết các công ty xây dựng hạ tầng lớn đều đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2023 nhờ giá trị backlog lớn sau khi được chỉ định thầu hàng loạt tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2. Cùng với việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng và ghi nhận doanh thu tại các dự án hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, theo VNDIRECT kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đã có sự phân hóa giữa các công ty trong ngành. Đáng chú ý, C4G đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2023 tăng trưởng mạnh 114% so với cùng kỳ trong khi VCG, LCG lại giảm lần lượt 8% và 23% so với cùng kỳ, chủ yếu do thiếu hụt các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần như trong năm trước, cụ thể VCG ghi nhận lãi 663 tỷ đồng từ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Upcom, VCR), tương đương 67% lợi nhuận trước thuế (LNTT) của công ty trong năm 2022; LCG ghi nhận lãi 268 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi 2 dự án điện mặt trời, tương đương 109% LN trước thuế của công ty trong năm 2022. Nếu loại bỏ các khoản lợi nhuận ghi nhận một lần này, kế hoạch LNST năm 2023 của VCG, LCG vẫn tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
VNDIRECT đánh giá, kết quả kinh doanh quý I/2023 của các công ty xây dựng hạ tầng đã một phần phản ánh kế hoạch kinh doanh cả năm. Tất cả các công ty đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ, tuy nhiên mới chỉ hoàn thành 8-12% kế hoạch doanh thu cả năm (trừ HHV do mảng thu phí BOT chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu). Lý do chủ yếu của xu hướng này là do đặc thù ngành, thường ghi nhận doanh thu lớn vào những quý cuối năm.
Báo cáo ngành Xây dựng hạ tầng 2023 của VNDIRECT cho biết hầu hết các công ty xây dựng hạ tầng lớn đều đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh doanh thu năm 2023 nhờ giá trị backlog lớn sau khi được chỉ định thầu hàng loạt tại dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 và Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm nay sẽ giúp đẩy mạnh tiến độ xây dựng và ghi nhận doanh thu tại các dự án hạ tầng giao thông.
Kế hoạch kinh doanh nắm 2023 và kết quả kinh doanh Q1/2023 của một số công ty xây dựng hạ tầng niêm yết (Ảnh: VNDIRECT). |
Đảm bảo tăng trường từ giá trị backlog lớn
Giá trị backlog lớn sẽ đảm bảo tăng trưởng doanh thu mảng xây lắp của các công ty xây dựng hạ tầng trong giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, Sau khi liên tiếp được chỉ định thầu tại các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (đầu năm 2023), các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu đã ghi nhận giá trị backlog tăng đáng kể.
Đáng chú ý, giá trị backlog của HHV (Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả) cuối quý I/2023 là 3.135 tỷ đồng, gấp 6 lần so với trung bình doanh thu mảng xây lắp của công ty trong giai đoạn 2021-2022.
Giá trị backlog của các công ty xây dựng hạ tầng hàng đầu tại thời điểm cuối quý I/2023. (Ảnh: VNDIRECT). |
Theo VNDIRECT, việc các dự án hạ tầng giao thông thường có được thi công trong 2-2,5 năm, trong giai đoạn 2023-2025, các công ty xây dựng hàng đầu đang đứng trước cơ hội tăng gấp đôi quy mô doanh thu so với giai đoạn 2021-2022.
Bên cạnh đó, VNDIRECT lưu ý rằng các công ty này vẫn đang có cơ hội tiếp tục giành thêm những gói thầu mới và trực tiếp hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Vì vậy, VNDIRECT cho rằng quy mô doanh thu của các công ty xây dựng hàng đầu sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong những năm tới.
Ngoài ra, VNDIRECT cũng cho biết siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) cũng hấp dẫn nhiều nhà thầu với tổng giá trị xây lắp lên tới 56.000 tỷ đồng (giai đoạn 1). Tuy nhiên, quá trình lựa chọn nhà thầu tại gói 5.10 – gói thầu lớn nhất – xây dựng nhà ga hành khách tại LTIA vẫn đang liên tục bị trì hoãn do giá thầu thiếu hấp dẫn và thời gian thi công gấp gáp.
Qua đó, VNDIRECT kỳ vọng sau khi được phê duyệt điều chỉnh 2 nút thắt lớn nhất kể trên, LTIA cũng sẽ là động lực tăng trưởng cho các nhà thầu nội trong thời gian tới. Ban lãnh đạo của các công ty xây dựng cũng chia sẻ rằng vốn đối ứng ban đầu của chủ đầu tư cho nhà thầu tại các dự án sân bay thường là 30-50% giá trị gói thầu, cao hơn đáng kể so với các dự án thi công đường bộ từ 10%-20%.
Lê Trang
Theo