Chủ nhật 07/07/2024 13:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành da giày cần chủ động khi áp dụng cơ chế CBAM vào năm 2030

15:07 | 04/07/2024

(Xây dựng) - Được nhiều chuyên gia nhận định là đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại nhưng ngành da giày Việt Nam có thể tận dụng được hay không thì lại là một câu chuyện đáng bàn.

Ngành da giày cần chủ động khi áp dụng cơ chế CBAM vào năm 2030
Ngành giày dép được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon trong quá trình sản xuất. (Ảnh minh họa)

Cần có sự chuẩn bị sớm

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh châu Âu, là chiến lược tăng trưởng mới của EU nhằm xây dựng một xã hội công bằng và thịnh vượng, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển trên cơ sở một nền kinh tế sạch và bền vững.

Cụ thể, CBAM kỳ vọng sẽ giúp EU giảm phát thải carbon ít nhất 55% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Cơ chế này xây dựng dựa trên sự minh bạch về thông tin, sẽ ảnh hưởng lớn không chỉ về phát thải khí nhà kính, biến đổi khí hậu, mà sẽ tác động trực tiếp tới chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp.

Từ ngày 01/10/2023, CBAM thực hiện áp dụng thí điểm cho giai đoạn chuyển tiếp và dự kiến sẽ thực hiện đầy đủ từ năm 2026.

Hiểu một cách đơn giản nhất, việc ban hành CBAM là một chính sách thương mại về môi trường bao gồm các khoản thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.

Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, ngành giày dép được đánh giá là lĩnh vực gây ra nhiều phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp da giày xuất khẩu Việt Nam phải nỗ lực chuẩn bị, tuân thủ để tham gia chuỗi cung ứng bền vững.

Tại Hội thảo “Tập huấn và cập nhật thông tin các chính sách mới của EU đối với các sản phẩm da giày nhập khẩu vào thị trường EU”, bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Iceland, Na Uy, Látvia, Đan Mạch cho biết, dệt may và da giày là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Ngành da giày cần chủ động khi áp dụng cơ chế CBAM vào năm 2030
EU là thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Vì vậy, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường. Đồng thời, các sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu sang Bắc Âu cần lưu ý đến các quy định về “nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu”, được áp dụng cho tất cả các nước Bắc Âu như: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Bắc Âu được coi là khu vực các nước có nền văn minh cao nhất thế giới. Khi mua một sản phẩm, họ không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

“Đối với giày dép, hiện người tiêu dùng Bắc Âu đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sinh thái, có lợi cho môi trường chứ không dùng các sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, còn có rất nhiều quy định của EU đối với mặt hàng giày dép như hóa chất, an toàn sản phẩm… cần phải tuân theo”, bà Thúy lưu ý.

Để ra biển lớn, doanh nghiệp không thể đi một mình

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, các chính sách của thị trường xuất khẩu giày dép Việt Nam đang có sự thay đổi nhanh chóng và tạo ra thách thức đối với các doanh nghiệp da giày Việt Nam.

Để tuân thủ được các yêu cầu trên, doanh nghiệp giày dép phải nâng cấp rất nhiều cho năng lực nội tại của chính doanh nghiệp mình, nâng cấp phải từ công nghệ, quản lý. Các chi phí đầu vào đang ngày càng gia tăng, trong khi đầu ra có mức độ tăng trưởng cực kỳ thấp. Đó là sức ép vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp.

Ngành da giày cần chủ động khi áp dụng cơ chế CBAM vào năm 2030
Doanh nghiệp da giày cần nâng cao, cải thiện mô hình sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Không những vậy, để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp cần nắm bắt kịp thời các thông tin, sau đó có những kế hoạch cụ thể để chuẩn bị nguồn lực cho việc thực thi các yêu cầu mới này, như năng lượng xanh, chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí.

“Để ra biển lớn, các doanh nghiệp không thể đơn lẻ đi một mình mà cùng tham gia vào các hoạt động mạng lưới để rút kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để thành công”, bà Xuân phân tích.

Bên cạnh đó, nâng cao, cải thiện mô hình sản xuất kinh doanh cũng là vấn đề cấp thiết. Bởi giày dép hiện nay không còn là mô hình sản xuất của 10 hay 20 năm trước, mà cần phải thay đổi trong đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ, hiểu biết, tay nghề cho người lao động.

Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, doanh nghiệp phải thay đổi cách thức quản lý, không thể quản lý theo kiểu truyền thống, mệnh lệnh, thủ công mà cần ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống quản lý để dòng chảy dữ liệu trong nhà máy cần được liên tục giúp người lãnh đạo cập nhật được thông tin và ra quyết định kịp thời, khi đó mới nắm bắt và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc vận hành và quan hệ chính phủ khu vực Nam Á của Adidas cho biết, tại Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Adidas tới hơn 50% là phát thải carbon từ hệ thống lưới điện. Trong khi đó, năng lượng sạch của Việt Nam có giới hạn nhất định. Các nhà đầu tư hiện tại đang rất muốn tìm nguồn năng lượng sạch để giảm thiểu phát thải carbon trong quá trình sản xuất. Nếu Nhà nước tạo điều kiện để các nhà đầu tư mua năng lượng sạch sẽ là lợi ích lớn không những bảo vệ môi trường mà còn tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Việt Nam so với các nước trong khu vực.

Lan Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Thái Nguyên thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

    Năm 2024 tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết tổng vốn đầu tư công hơn 5.600 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 5 mới giải ngân đạt gần 26%, 6 tháng đầu năm giải ngân đạt khoảng 40% tổng số vốn Chính phủ giao, chưa đạt yêu cầu đề ra. Trước tình hình đó, thời gian tới, tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này.

  • Quảng Bình: Kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch các dự án thủy điện không đảm bảo hiệu quả kinh tế

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Công văn số 1250/UBND-KT, về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thủy điện và các doanh nghiệp thủy điện. Theo đó, tỉnh tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, kiên quyết kiến nghị loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện không đảm bảo hiệu quả kinh tế.

  • Quảng Trị: Công bố quy hoạch và khởi công cảng hàng không

    (Xây dựng) – Ngày 6/7, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Lễ khởi công Cảng hàng không Quảng Trị.

  • Bắc Ninh thành lập tổ rà soát tại các khu công nghiệp trọng điểm

    (Xây dựng) – Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn, phục vụ việc hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, thành lập khu công nghiệp, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 806/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ rà soát Khu liền kề, Khu phát triển Khu công nghiệp Quế Võ và Cụm công nghiệp Tân Hồng - Hoàn Sơn.

  • Triển khai Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp

    (Xây dựng) – Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngay sau khi Nghị định số 80/2024/NĐ-CP được ban hành, Bộ Công Thương đã trực tiếp chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện. Tuy nhiên, cơ chế mua bán điện trực tiếp còn mới, chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn nhất định.

  • Bắc Ninh nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm, phát triển công nghiệp xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Quyết định số 347/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 23/8/2016 về việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá - Văn Môn, huyện Yên Phong.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load