Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3138/QĐ-BCT triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ".
Kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực
Bộ Công Thương được giao hai nhiệm vụ chính.
Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương đối với các cá nhân và các bên liên quan trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm về cung cấp và sử dụng dịch vụ trong kinh tế chia sẻ.
Xây dựng và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ đối với các lĩnh vực thuộc ngành công thương
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ xây cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ, bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ và cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.
Chính sách hỗ trợ người cung cấp dịch vụ tham gia vào thị trường như đơn giản hóa các thủ tục cấp phép, cung cấp các hỗ trợ tài chính cho cá nhân có ý tưởng từ các hoạt động kinh tế chia sẻ; Tạo lập thị trường cho mọi công dân tham gia vào các hoạt động kinh tế chia sẻ.
Cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin và dữ liệu trong công tác điều hành quản lý nhà nước; xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và giữ liệu giữa các đơn vị thuộc Bộ và với các Bộ, ngành với chính quyền các cấp, doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề.
Hai là, xây dựng và phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ đối với các lĩnh vực thuộc ngành công thương.
Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn 2021-2025 theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động thương mại điện tử ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ; Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật và chính sách hiện hành thúc đẩy phát triển kinh tế chia sẻ; đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ và thương mại điện tử.
Đồng thời, Cục này cũng cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử để bao quát được những mô hình hoạt động mới phát sinh, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế chia sẻ.
Nghiên cứu các nội dung về dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới và đề xuất hướng quản lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn cũng như các cam kết hội nhập; Nghiên cứu, đề xuất chính sách tạo chủ động phát triển kinh tế chia sẻ; phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh tế chia sẻ; Tăng cường giải pháp về đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của công dân, đảm bảo chủ quyền không gian mạng thuộc lĩnh vực phụ trách.
Theo Bạch Huệ/VnEconomy.vn