Thứ hai 09/09/2024 15:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh thêm 1,2 m, dân lo nhà biến thành hầm

08:29 | 05/10/2019

Ngoài nguy cơ nhà biến thành hầm khi đường Nguyễn Hữu Cảnh nâng cao 0,5 tới 1,2 m, người dân còn phải đối mặt với tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Cơn mưa chiều 3/10 trút xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) kéo dài 20 phút, nước đã tràn lên vỉa hè lênh láng.

Vội vã lau sàn nhà cho khô, bà Trần Thị Tư (ngụ đoạn gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh) âu lo nhìn về hướng dòng nước chảy xiết ngang miệng cống. Người phụ nữ 81 tuổi này cho biết từ khi sinh ra, đứa cháu 12 tuổi của bà năm nào cũng chứng kiến cảnh nước ngập, xe chết máy la liệt.

Đường nâng cao, nhà biến thành hầm ?

Hồi đầu tháng 9, cán bộ phường cùng vài nhân viên khảo sát đến kiểm tra hiện trạng căn nhà để làm cơ sở bồi thường nếu xảy ra lún, nứt trong quá trình thi công.

“Họ nói đoạn trước nhà tôi nâng cao khoảng 70 cm để chống ngập. Nâng chừng đó thì vỉa hè chỉ cao đến bậc tam cấp, tôi không phải nâng nền nhà như hàng xóm”, bà Tư nói.

Sát bên cạnh, ngôi nhà của bà Huỳnh Thị Ngọc Châu cao hơn mặt đường. Mới đây, gia đình bà nâng nền nhà gần 1 m nhưng đến nay chỉ còn 30 cm.

Những trận mưa lớn khiến nước tràn vào nhà, các thành viên trong gia đình lại vất vả di dời, kê dọn tài sản lên cao tránh bị hỏng. “Tôi hy vọng đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ hết ngập chứ đừng như mấy lần trước, đường nâng xong nhà vẫn ngập”, bà Châu lắc đầu ngao ngán.

Dù biết ngày 5/10 dự án sẽ khởi công nhưng người phụ nữ này chưa biết được nhà mình thời gian tới sẽ thấp hơn mặt đường bao nhiêu.

Đoạn trước tòa nhà The Manor được nâng cao 1,2 m để chống ngập. Ảnh: Sỹ Đông.

Theo chủ đầu tư, hệ thống thoát nước cũ bị hư hỏng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh được thay thế giúp nước mưa thoát ra sông, kênh rạch nhanh hơn. Mặt đường nâng cao từ 0,5 m đến 1,2 m để chống ngập, kết hợp chỉnh trang đô thị. Đoạn trước tòa nhà The Manor là rốn ngập của tuyến đường này được nâng cao nhất (1,2 m) sẽ giúp xe cộ không bị chết máy nhưng có thể sẽ khiến nước tràn vào nhà dân.

Bà Cao Kim Tào (ngụ hẻm 113 Võ Duy Ninh, cạnh tòa nhà The Manor) cho rằng nâng đường thêm 1,2 m là quá cao, việc này sẽ khiến nước mưa từ ngoài đường tràn vào trong hẻm. Người dân trong hẻm đã chứng kiến cảnh nước ngập lênh láng suốt một ngày mới rút nên khi nghe tới việc nâng đường, họ lại thấy bất an.

“Nâng khoảng 70-80 cm là vừa, vì khi đó nền đường với trong hẻm ngang nhau chứ nâng cao cả mét, nước tràn vào nhà thì dân sống chung với ngập”, bà Tào kiến nghị.

Khu vực dự kiến nâng thêm 0,5 m đến 1,2 m. Ảnh: Google Maps.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TP.HCM, nhận định chủ đầu tư nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh lên cao độ 2 m đã tính đến phương án hạn chế thấp nhất mức ảnh hưởng tới các hộ dân.

Theo quy chuẩn, đường phải cao hơn mép triều cường 50 cm, nếu áp vào đỉnh triều gần đây đã vượt 1,7 m thì cao độ mặt đường phải từ 2,2 m trở lên. Do đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún nên một số vị trí phải nâng cao 1,2 m để đảm bảo chống ngập.

Trong quá trình thi công, ông Trường cho rằng chủ đầu tư và tư vấn giám sát cần khảo sát mức độ chênh lệch giữa mặt đường và nhà dân trong 2 tuyến hẻm đường Võ Duy Ninh để điều chỉnh cho phù hợp.

"Nâng đường là cần thiết nhưng phải đảm bảo hài hòa giữa cao độ mặt đường với nhà dân trong hẻm chứ không thể làm bất chấp như dự án nâng đường Kinh Dương Vương", ông Trường khuyến nghị.

Đại diện chủ đầu tư thì cho biết sẽ xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để khắc phục tình trạng đường cao hơn nhà, giúp người dân đi lại dễ dàng.

Kẹt xe ngày càng nghiêm trọng

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang tiếp nhận hàng chục nghìn phương tiện lưu thông mỗi ngày, đoạn giao với đường Tôn Đức Thắng và Lê Thánh Tôn là "điểm đen" về ùn tắc. Vào giờ cao điểm, cảnh xe cộ xếp dài hàng trăm mét thường xuyên diễn ra.

Đơn vị thi công dựng hàng rào khiến mặt đường bị thu hẹp, giao thông ùn tắc vốn là mối lo thường trực với người dân nay lại càng đáng ngại khi thời gian thi công dự án sẽ diễn ra kéo dài tới 14 tháng.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh chật ních xe cộ sau sự cố sập mái che trước hầm Thủ Thiêm ngày 15/10/2018. Ảnh: Lê Quân.

Theo phương án phân luồng và điều tiết giao thông, đoạn từ cầu Văn Thánh 2 đến nút giao cầu Thủ Thiêm bị chiếm dụng 24/24 giờ. Hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức lưu thông 2 chiều cho các loại xe.

Ngán ngẩm với cảnh kẹt xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Nguyễn Thanh Nam (ngụ quận Thủ Đức), cho rằng khu vực gần hầm chui và đoạn trước tòa nhà The Manor sẽ bị ùn tắc khi hàng nghìn phương tiện đổ dồn về. Tài xế này dự báo trong những tháng tới, người dân phải vượt qua hai điểm ùn tắc của 2 dự án gồm xây cầu Thủ Thiêm 2 và nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), cho biết đơn vị thi công làm cuốn chiếu từng đoạn, chừa lối đi cho các phương tiện lưu thông. Trước khi thi công, chủ đầu tư theo dõi phương án phân luồng và điều tiết giao thông trong 10 ngày, nếu chưa phù hợp thì sẽ điều chỉnh.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, mong người thông cảm bởi việc rào chắn thu hẹp mặt đường chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông. Ông Ninh cho biết đơn vị sẽ phối hợp với lực lượng CSGT và thanh niên xung phong điều tiết giao thông. Phương án đưa ra được tính toán cẩn thận để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài ở khu vực thi công.

Theo Sỹ Đông/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load