(Xây dựng) - Hội nghị sinh hoạt chuyên đề về “Đạo đức công vụ và văn hóa công sở trong thời kỳ chuyển đổi số” do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 6/12, đã đề cập đến các vấn đề như trốn tránh trách nhiệm, gây bè phái, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi... nhằm xây dựng văn hóa công sở hiện đại và nền công vụ trong sạch, vững mạnh.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trung Hiền mong muốn các cán bộ sẽ tiếp tục học tập, trau dồi để hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh trong bối cảnh chuyển đổi số. |
Đạo đức công vụ thời chuyển đổi số
Tại Hội nghị sinh hoạt chuyên đề về “Đạo đức công vụ và văn hóa công sở trong thời kỳ chuyển đổi số”, các Đảng viên, cán bộ, công chức của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh đã được nghe Tiến sỹ Đào Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trao đổi những nội dung quan trọng về đạo đức công vụ, gồm khái niệm và tầm quan trọng của đạo đức công vụ trong thời kỳ chuyển đổi số; các hành vi bị cấm trong đạo đức công vụ như trốn tránh trách nhiệm, gây bè phái, lợi dụng chức vụ, nhận quà tặng trái phép...; nội dung và thực trạng thực hiện các quy định pháp luật về văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
Đề cập đến khái niệm “Công vụ là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước do các chủ thể được Nhà nước ủy quyền thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, phục vụ lợi ích Nhà nước, nhân dân và xã hội”, Tiến sỹ Đào Ngọc Báu cho biết, chủ thể thực thi công vụ rất đa dạng, là cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang, là công dân được điều động thực hiện công vụ cấp bách vì lợi ích chung (trong trường hợp đặc biệt), cũng được coi là người thi hành công vụ. Nền công vụ của mỗi quốc gia phải phù hợp với thể chế chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước của quốc gia đó. Tuy nhiên, bản chất và mục tiêu cuối cùng của hoạt động công vụ ở các quốc gia đều giống nhau, đó là lao động đặc thù của những người làm việc trong bộ máy Nhà nước, nhân danh quyền lực công để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, thi hành pháp luật, phục vụ nhu cầu chung của xã hội và nhân dân, không vì mục đích lợi nhuận.
Tiến sỹ Đào Ngọc Báu: “Văn hóa công sở là tập hợp các giá trị, niềm tin và các chuẩn mực trong hoạt động tại công sở”. |
Với khái niệm: “Đạo đức công vụ là một dạng cụ thể của đạo đức xã hội, bao gồm những tiêu chuẩn, nguyên tắc quy định hành vi, quan hệ của công chức trong thực thi công vụ, phục vụ hoạt động công vụ”, Tiến sỹ Đào Ngọc Báu cho rằng, ngoài những chuẩn mực chung, đạo đức công vụ còn bao gồm cả những quy tắc ứng xử riêng biệt trong từng lĩnh vực, nghề nghiệp cụ thể, nhằm đảm bảo hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động công vụ.
Đơn cử, ngoài chuẩn mực chung “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, những người làm việc trong ngành Tòa án còn phải thực hiện yêu cầu “phụng công, thủ pháp”; đối với các nhân viên ngành Hải quan phải “nhiệt tình, tận tụy, khách quan” trong giải quyết công việc; đối với người giáo viên phải tuân thủ chuẩn mực “đạo đức nhà giáo”… Chính vì vậy, bên cạnh quy định chung về đạo đức công vụ trong các văn bản quy phạm pháp luật, các ngành thường ban hành Quy tắc ứng xử của công chức trong ngành, đưa ra các quy định cụ thể cho các công chức của ngành ứng xử khi thực hiện công vụ.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng nêu rõ các hành vi bị cấm trong hoạt động công vụ mà công chức phải tuân thủ như: cấm trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; cấm gây bè phái, mất đoàn kết; cấm tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công. Cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; cấm sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi. Cấm sử dụng tài sản của Nhà nước và của Nhân dân trái pháp luật…
Xây dựng văn hóa công sở hiện đại
Ngoài những vấn đề trên, hội nghị còn đề cập đến văn hóa công sở; các hành vi bị cấm ở công sở; trang phục công sở; giao tiếp nơi công sở; sử dụng thời gian làm việc. Theo Tiến sỹ Đào Ngọc Báu: “Văn hóa công sở là tập hợp các giá trị, niềm tin và các chuẩn mực trong hoạt động tại công sở”. Các hành vi như hút thuốc lá, sử dụng đồ uống có cồn, lập bàn thờ, thắp hương, đun nấu trong phòng làm việc... sẽ bị cấm ở công sở. Đối với trang phục ở công sở cần đảm bảo gọn gàng, lịch sự, hoặc theo trang phục riêng của ngành. Hay trong giao tiếp cần thể hiện sự lịch sự, tôn trọng, chân thành, lắng nghe tích cực. Đồng thời, cần khoa học và hiệu quả, không sử dụng thời gian làm việc vào việc riêng.
Đánh giá về thực trạng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, Tiến sỹ Đào Ngọc Báu nhìn nhận, tuy đa số cán bộ, công chức, viên chức đã không ngừng tìm tòi, áp dụng phương pháp làm việc mới để sử dụng thời gian hiệu quả, nhưng vẫn còn những trường hợp chưa biết cách phân loại công việc. Dẫn đến việc dành thời gian cho những việc không quan trọng, không hữu ích, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung. Không tiếp thu các công cụ hỗ trợ hiện đại, dẫn đến tốn thời gian và hiệu quả công việc thấp. Để nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian cho cán bộ, công chức, viên chức Tiến sỹ Đào Ngọc Báu khuyến nghị áp dụng nguyên lý “Pareto”, giúp tăng năng suất lao động, hoàn thành công việc hiệu quả và tạo động lực làm việc tích cực hơn (liệt kê những việc phải làm, xác định 20% công việc quan trọng, dành 80% thời gian để xử lý; 80% công việc còn lại ít quan trọng hơn thì chỉ cần dành 20% thời gian).
Là một phần không thể thiếu của đạo đức công chức, đạo đức công vụ tập trung vào các quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân và lợi ích chung. |
Để đảm bảo việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định pháp luật về đạo đức công vụ và văn hóa công sở, Tiến sỹ Đào Ngọc Báu đưa ra một số giải pháp như tăng cường tuyên truyền, phổ biến. Giúp cán bộ, công chức, viên chức nắm vững các quy định, đồng thời thực hiện nghiêm chế độ khen thưởng và kỷ luật. Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công sở và văn hóa công sở, bao gồm kỹ năng giao tiếp, ứng xử, sử dụng thời gian hiệu quả... theo tinh thần “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tất cả những kỹ năng này được hình thành qua hai con đường được học và tự học; đưa nội dung đạo đức công vụ vào chương trình đào tạo; nghiên cứu, tập hợp các quy định hiện hành và ban hành Luật Văn hóa công sở để nâng cao hiệu lực pháp lý và tính thống nhất trong việc thực hiện…
Phát biểu kết thúc Hội nghị sinh hoạt chuyên đề, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trung Hiền gửi lời tri ân và cảm ơn đến Tiến sỹ Đào Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nhiệt tình và tâm huyết khi chia sẻ những kiến thức bổ ích về văn hóa công sở và đạo đức công vụ trong thời kỳ chuyển đổi số với các cán bộ, Đảng viên của Sở. Ghi nhận tinh thần nghiêm túc, cầu thị của các cán bộ, Đảng viên tham gia buổi sinh hoạt, ông Nguyễn Trung Hiền nhấn mạnh, những nội dung được chia sẻ hôm nay là rất thiết thực và bổ ích, mong muốn mỗi cán bộ, Đảng viên sẽ tiếp tục học tập, trau dồi để hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Nguyên Khánh
Theo