Thứ năm 04/07/2024 10:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nam Định: Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

08:01 | 02/07/2024

(Xây dựng) - Vừa qua, UBND tỉnh Nam Định ra Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục các đối tượng vi phạm tự giải tỏa; tổ chức phân loại vi phạm, xây dựng kế hoạch giải; có biện pháp cưỡng chế, xử phạt hành chính, nếu có tình trạng chống đối thì xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Nam Định: Tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh Nam Định ra chỉ thị về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các huyện, thành phố, các Sở, ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2013 có hiệu lực từ ngày 1/5/2014. Tổ chức quán triệt, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 447/CT-TTg ngày 25/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều; chú trọng triển khai thực hiện tốt theo Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/6/2014 của UBND tỉnh. Các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đê điều, công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm, không để tái phạm; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, xử lý hành vi vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi

Theo báo cáo của ngành chức năng, từ năm 2014 đến hết năm 2023, toàn tỉnh Nam Định xảy ra 926 vi phạm pháp luật đê điều; trong đó, nhiều nhất là năm 2017 xảy ra 66 vụ, năm 2018 xảy ra 65 vụ, năm 2020 là 57 vụ… Các vụ vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức, song chủ yếu là tập kết cát, đá, vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều, trên bãi và mái kè tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, thành phố Nam Định; xây dựng các công trình, trụ cổng, tường bao, lắp dựng cột bê tông… xảy ra ở địa bàn thành phố Nam Định, huyện Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng.

Năm 2023 đã xảy ra 29 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đã xử lý giải tỏa 22 vụ, còn tồn tại 7 vụ. Cụ thể, huyện Nam Trực phát sinh 11 vụ, giải tỏa 9 vụ, còn 2 vụ; thành phố Nam Định phát sinh 6 vụ, đã giải tỏa xong; huyện Vụ Bản phát sinh 4 vụ, giải tỏa 2 vụ, còn 2 vụ; huyện Nghĩa Hưng phát sinh 2 vụ, còn tồn tại 2 vụ; các huyện Xuân Trường và Hải Hậu mỗi huyện phát sinh 2 vụ, đã giải tỏa xong; huyện Mỹ Lộc phát sinh 1 vụ, còn tồn tại 1 vụ; huyện Ý Yên phát sinh 1 vụ, đã giải tỏa xong.

Ngoài ra, tại nhiều địa phương trong tỉnh còn phát sinh 99 vụ việc vi phạm công trình thủy lợi. Tình trạng vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh mặc dù đang có xu hướng giảm nhưng vẫn phức tạp. Vi phạm thường tập trung ở các công trình đầu mối, trên các tuyến kênh đi qua địa bàn các thị trấn, các khu dân cư… làm ảnh hưởng đến an toàn và năng lực công trình thủy lợi, gây ách tắc và thu hẹp dòng chảy, rất khó khăn cho công tác tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống úng, lụt và gây ô nhiễm môi trường.

Văn Đạt

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load