Ảnh: LÊ HẢI.
Không phải vì trong nhóm, ngoài hai tiến sĩ nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xã hội học, còn có một nhà văn (Nguyễn Ngọc Hường, thạc sĩ truyền thông, thạc sĩ công tác xã hội, viết văn với bút hiệu Phan Việt, đã in khá nhiều sách được các độc giả trẻ yêu thích), khiến một công trình nghiên cứu xã hội học mang dáng dấp một tác phẩm văn học. Rất có thể, đây là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam động đến một vấn đề có tên là tình dục.
"Ðã đến lúc phải học cách nói nghiêm túc về tình dục. Ðể làm được điều đó cần phải có một thái độ chân thành và cởi mở, không giả dối, không lảng tránh. Cuộc sống của mỗi người sẽ tốt lên hơn nữa nếu tình dục trở nên không khó nói".
Các tác giả cuốn sách đặt vấn đề như vậy. Tuy nhiên, đây không phải là là một công trình nghiên cứu tình dục học (sexology) ở Việt Nam. Ðây là một công trình mang tính xã hội, vấn đề đặt ra để nghiên cứu của nó là thái độ, hành vi, nhận thức của người Việt quanh vấn đề tình dục chứ không phải bản thân tình dục. Nó không giống những quan điểm của Freud, coi tình dục là một "động năng" gắn liền với các nhu cầu và bản năng sinh lý. Về mặt nào đó, dù không cụ thể, các tác giả đồng ý với Margaret Mead, coi thái độ và hành vi tình dục của con người có liên quan đến môi trường văn hóa của họ, của riêng họ.
"Mục đích cơ bản của cuộc nghiên cứu này là đóng góp vào những hiểu biết khoa học về con người và xã hội, làm cơ sở cho các chính sách và các chương trình dịch vụ để cải thiện cuộc sống của người dân", tiến sĩ Khuất Thu Hồng, một trong các tác giả cho biết.
Cần phải nói thêm rằng tình dục chưa bao giờ được coi là chủ đề nghiên cứu của khoa học xã hội ở Việt Nam cho đến đầu những năm 1990. Ngay cả khi đã có những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực này, chừng mươi năm trở lại đây, các nhà xã hội học cũng mới chỉ đề cập những vùng được coi là "có vấn đề" liên quan đến tình dục với mục tiêu là "đề phòng", "ngăn chặn", "giảm bớt" những hậu quả tiêu cực do chúng gây ra đối với sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, ví dụ như nạo phá thai, các bệnh lây lan qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS. Một vài nghiên cứu khác lại phản ánh những lo ngại về khía cạnh đạo đức của tình dục; và vì gắn tình dục với đạo đức cho nên các kết quả nghiên cứu thường có tính phán xét chủ quan hoặc đưa ra kết luận nhằm củng cố các quan điểm đạo đức vốn được xây dựng từ các thế kỷ trước. Hầu như không có nghiên cứu nào chú ý tới các khía cạnh xã hội của tình dục, đặc biệt là tình dục hiếm khi được xem xét với quan điểm toàn diện và tích cực.
Vậy là, trong khuôn khổ của Dự án Nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và nâng cao nhận thức về tình dục và sức khỏe tình dục ở Việt Nam với mục tiêu chính của nó là tìm hiểu tình dục đã được kiến tạo như thế nào trong xã hội đương đại Việt Nam, được sự tài trợ của Quỹ Ford, từ năm 2003 đến năm 2008 Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về kiến tạo xã hội của tình dục ở đất nước coi trọng sự ý nhị phương đông là Việt Nam này. Một nghiên cứu định tính được tiến hành ở bốn tỉnh thành: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Tây (cũ), 245 người là đối tượng điều tra ở trong số các nhóm người đại diện, gồm 128 nam và 117 nữ, trưởng thành trong những thời kỳ đặc trưng của đất nước.
Ðã đến lúc tình dục cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Trong khi đó, xã hội đang thay đổi vô cùng nhanh chóng. Ðô thị hóa, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa không chỉ đem lại tăng trưởng kinh tế mà còn đang làm thay đổi quan hệ xã hội và lối sống của người Việt Nam. Sự thiếu hiểu biết một cách đầy đủ và toàn diện về tình dục không chỉ tiếp tục tạo nên và tái củng cố những quan niệm sai lầm và các huyễn tưởng về tình dục mà còn là mối đe dọa đối với thành công của các chính sách và chương trình phát triển nào vì con người luôn luôn là trung tâm của mọi quá trình xã hội.
Tất cả những đặt vấn đề ấy đều quan trọng, quan trọng khi người ta muốn nhìn thẳng. Trong phạm vi có thể, cuốn sách là một cái nhìn trực diện và sắc sảo nghiêm túc về lĩnh vực luôn luôn khó nói, là tình dục.
Theo: ND
Theo baoxaydung.com.vn