Thứ sáu 04/10/2024 22:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Lương Sơn (Hòa Bình): Nhiều “bất thường” tại Dự án Khu đô thị cao cấp Lâm Sơn

14:00 | 05/11/2018

(Xây dựng) - Hàng loạt loại cây lâu năm như thông, keo… trên các quả đồi của lâm trường Lương Sơn bị chặt hạ, thay vào đó là gần 100 căn biệt thự được xây dựng ồ ạt. Dự án được nhanh chóng, gấp rút xây dựng khiến người dân địa phương vô cùng ngạc nhiên trước việc đô thị hóa này. Ai đã biến đất ở xóm Kẽm, lâm trường Lương Sơn thành đất 50 năm xây biệt thự để bán cho những người ưa hưởng thụ? Ai chỉ đạo miễn thuế đất trong 7 năm cho Cty này, sai phạm của dự án đến đâu, cần sớm được các cơ quan chức năng làm rõ?


Toàn cảnh đại công trường Dự án của Khu biệt thư cao cấp Lâm Sơn đang xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Xuân Hùng, nhà ở gần sân golf Phượng Hoàng cho biết: Mấy tháng qua, đoàn xe cứ kìn kìn chờ đất đồi đi, rồi họ lại chở lên nào xi, nào cát, để xây dựng các công trình này. Lúc trước, khu đất này là của lâm trường Lương Sơn (thuộc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình), ở đây trồng toàn rừng thông rất đẹp.

Chẳng hiểu vì lý do gì, mà toàn bộ số thông đó đã bị chặt hạ và biệt thự mọc lên. Nghe quảng cáo, mỗi căn biệt thự đó được rao bán 4 – 5 tỷ đồng/căn, tùy vị trí.

Còn bà Bùi Thị Hoa, một người dân khác ở xã Lâm Sơn cho hay: Thời gian qua, tình trạng khai thác và đào xúc đất ở đây mang đi, cũng như xúc đất đồi để làm mặt bằng “kiếm ăn” là khác phổ biến.

Ngay chỗ gần cây xăng rừng bương đó, nhà hàng của bà H phía dưới còn ngang nhiên xúc vẹt cả góc đồi đi để lấy đất. Lấy xong đất, giờ lại có mảnh đất rộng để làm hàng quán bán cơm cho xe khách tuyến Sơn La, Điện Biên. Trước đó, họ cũng vạt đất đi làm quán, làm cây xăng…

“Nhiều hành vi ngang ngược vậy, nhưng chẳng ai xử lý. Chính vì điều này khiến chúng tôi vô cùng bức xúc, báo cáo lên UBND xã thì báo xong họ lại để đấy. Họ bảo về viết đơn mới giải quyết. Giờ là người cùng xã, mà viết đơn tố cáo thì không hay, mà không ý kiến thì lại không công bằng với những gia đình bị ngăn cấm, nên đành kệ”, chị Hoa chia sẻ.

Rộng đường dư luận, phóng viên đã đến UBND huyện Lương Sơn để đề nghị cung cấp thông tin theo quy định. Trả lời phóng viên, ông Long - Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: Các anh muốn làm việc với phòng nào thì cứ xuống trực tiếp phòng đó làm việc. Nói rồi ông lấy lý do dự án này là do UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép nên huyện không nắm được, rồi lấy cớ thoái thác.

Phóng viên lại đến Phòng Tài nguyên và Môi trường, thì lãnh đạo phòng này lại chỉ sang Phòng Hạ tầng. Đến phòng hạ tầng thì ông Phó phòng lại chỉ lên UBND tỉnh. Tóm lại, sau mấy ngày liên hệ công tác, cả 3 phòng chức năng của UBND huyện Lương Sơn đều tìm cách thoái thác trách nhiệm.

Không đơn vị nào chịu trả lời các phóng viên về sự “bất thường” về Dự án Resort tại Xóm Kẽm, xã Lâm Sơn, mặc dù họ chính là những cơ quan quản lý ở địa phương. Tất cả chỉ là sự im lặng đến khó hiểu. 

Mục sở thị tại hiện trường của dự án lâm trường Lương Sơn, phóng viên thấy những tố cáo của người dân là có cơ sở. Hàng loạt đồi cao được hạ, san gạt bừa bãi để xây biệt thự. Khu biệt thự cao cấp Lâm Sơn này đang vào giai đoạn khánh thành và sắp đi vào sử dụng.

Qua điều tra, phóng viên được biết: Có 84 căn biệt thự đã được xây dựng ở đây. Toàn bộ khu đất này lúc trước là của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Hòa Bình quản lý; mục đích là trồng rừng.

Tuy nhiên, đến ngày 28/01/2011, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-UBND thu hồi 660.000m2 đất đai các loại để cho Cty CP Archi Reeco Hòa Bình thuê đất xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn với diện tích 659.702,2m2. Còn 297m2 là đất hành lang giao thông QL6.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình đã tiến hành giao đất. Và mảnh đất này đã được cấp giấy có thời hạn đến năm 2059. Sau khi có giấy tờ này, Cty này đã bắt đầu tiến hành cho xây dựng ồ ạt…

Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: Mặc dù được UBND tỉnh Hòa Bình tạo điều kiện cho làm dự án, nhưng đến khi tính thuế, Cty Archi Reenco Hòa Bình lại tiếp tục được ngành Thuế tạo điều kiện.

Cụ thể, ngày 7/4/2016, Cục thuế Hòa Bình có Quyết định số 1304/QĐ-CT về việc miễn thuế đất cho Cty Archi trong thời hạn 7 năm, kể từ tháng 3/2014. Như vậy, tổng số tiền mà Cty Archi Reenco Hòa Bình phải bỏ ra chỉ gần 17 tỷ đồng…

Trao đổi với phóng viên, luật sư Hà Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Nếu đem so với giá trị tiền đóng góp cho ngân sách mà so với tiền bán biệt thự thì đúng là chênh nhau quá lớn. Nhà đầu tư đã được lợi rất nhiều từ việc này, liệu có điều gì “khó hiểu” ở đây ko?

Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: Thời gian qua, phía Cty Archi Reenco Hòa Bình đã nhiều lần bị xử phạt về những vi phạm trong xây dựng. Nhưng tất cả chỉ như “muối bỏ bể”, bất chấp các quy định về pháp luật của Nhà nước. Hiện tại, dự án này đang bị thanh tra…

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục đăng tải, phản ánh những bất cập tại dự án này.

Đức Hải

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load