(Xây dựng) - Thời gian qua, Luật Xây dựng năm 2014 đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, hạn chế nhiều khó khăn bất cập trong đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số doanh nghiệp và đại diện chính quyền tại tỉnh Bắc Giang, Luật Xây dựng năm 2014 cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định...
Cầu Đồng Sơn (Thành phố Bắc Giang) được xây dựng bằng hình thức BT, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều bất cập trong việc xử lý đối với dự án đối ứng gây thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư. |
Gian nan “xin”chủ trương đầu tư xây dựng
Một trong những khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp là có được giấy phép đầu tư xây dựng. Hiện nay, để hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép xây dựng, doanh nghiệp phải chấp nhận chi phí “tốn kém” về thời gian và công sức. Nhiều trường hợp dù đã cố gắng nhưng do các quy định pháp luật vênh nhau nên nhà đầu tư có thể không thực hiện được.
Ông Bùi Văn Khước - Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Tỉnh Bắc Giang đang kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh vào đầu tư các dự án lớn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư vào khảo sát, xin chủ trương đầu tư tại tỉnh nhưng không thực hiện được dự án. Mặc dù, Bắc Giang đã phải điều chỉnh nhiều vấn đề để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và phục vụ sự phát triển của các vùng trong tỉnh.
Thực tế, có một số dự án khảo sát nhưng chủ trương quá lâu không được đầu tư, hoặc khi điều chỉnh theo nhà đầu tư xong, dự án lại không được thực hiện do nhà đầu tư thôi không tiếp tục thực hiện.
Ông Trịnh Hữu Thắng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang thừa nhận: Đây là hiện trạng thực tế tại địa phương. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Bắc Giang đã chấp thuận cho 5 doanh nghiệp khảo sát lập 10 dự án đầu tư (riêng Tập đoàn FLC được chấp thuận khảo sát, lập quy hoạch 06 dự án). Trong đó có 05 dự án đã quá hạn khảo sát nhưng các nhà đầu tư chưa báo cáo phương án quy hoạch hoặc đề xuất chấp thuận dự án; 01 dự án nhà đầu tư đã trình tỉnh phê duyệt quy hoạch, đang xem xét đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư; 01 dự án nhà đầu tư đã trình quy hoạch, đang xem xét phê duyệt; còn lại 03 dự án còn hạn và các nhà đầu tư đang tiến hành khảo sát lập quy hoạch dự án.
Theo đánh giá của ông Trịnh Hữu Thắng, nguyên nhân các dự án chậm đề xuất thực hiện chủ yếu là do các dự án lớn, đi cùng với đó là các quy hoạch có liên quan của Nhà nước thường không đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chất lượng công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu tầm nhìn dài hạn, nhiều trường hợp đã có quy hoạch nhưng đã lạc hậu.
Do đó, đa số các dự án lớn khi được tỉnh chấp thuận cho phép khảo sát, lập dự án thường phải điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung, đặc biệt là vấn đề quy hoạch để có cơ sở chấp thuận các dự án. Vì vậy, thời gian từ khi được cho phép khảo sát tới khi nhà đầu tư hoàn thiện đầy đủ các thủ tục để triển khai thực hiện dự án thường kéo dài.
Điển hình như dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần - Bắc Giang tại huyện Lục Ngạn của Tập đoàn FLC được UBND tỉnh chấp thuận khảo sát từ tháng 01/2018.
“Nhà đầu tư đã lập Đồ án quy hoạch và xin ý kiến Bộ Xây dựng, tuy nhiên Bộ Xây dựng có ý kiến thiếu cơ sở quy hoạch cấp trên. UBND tỉnh đã làm việc với Bộ Xây dựng và thống nhất chờ bổ sung vào quy hoạch chung thị trấn Chũ làm cơ sở cho việc phê duyệt đồ án quy hoạch. Do đó, việc triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư mất nhiều thời gian.
Một số dự án được tỉnh chấp thuận cho phép khảo sát, lập quy hoạch dự án xây dựng khu nhà ở, nhà đầu tư đã triển khai lập xong quy hoạch nhưng thủ tục lựa chọn nhà đầu tư phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu nên cũng mất nhiều thời gian”, ông Thắng chia sẻ.
Cần đồng bộ các quy định
Ông Vi Thanh Quyền - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho rằng: Việc Luật xây dựng sửa đổi rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, cần rà soát để thống nhất các quy định trong hệ thống pháp luật liên quan đến cấp phép xây dựng.
Bởi hiện nay không chỉ có một Luật Xây dựng điều chỉnh mà các luật khác như Luật Môi trường, Luật Đầu tư, Luật Đất đai… đều có thể được tham chiếu khi triển khai xây dựng.
Lấy ví dụ đơn cử như các khái niệm hiện nay cũng rất khác nhau, như có luật thì quy định là “chủ đầu tư”, có luật thì lại gọi là “nhà đầu tư” có thể gây nên những cách hiểu khác nhau. Rồi vấn đề phòng cháy chữa cháy thì chủ đầu tư phải đi xin trực tiếp trong khi Luật Xây dựng quy định là thực hiện tại bộ phận “một cửa liên thông” nhưng cũng chẳng ai làm.
Vấn đề về môi trường cũng vậy, hiện nay Luật Xây dựng thì không quy định phải có đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép, trong khi Luật Môi trường lại bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép xây dựng.
“Đối với các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các dự án liên quan đến chùa chiền hiện nay chưa có luật nào điều chỉnh, kể cả Luật Xây dựng. Gần đây dư luận cũng đã nóng lên bởi hàng loạt chùa “khủng” được xây dựng lên, nhưng khi soi lại thì mỗi ông làm một kiểu. Các tổ chức tôn giáo muốn xây dựng chùa thì không biết căn cứ vào đâu. Nên chăng, trong Luật Xây dựng sửa đổi cũng cần có thêm các quy định đặc thù về các lĩnh vực này”, ông Quyền đề xuất thêm.
Nguyễn Trường
Theo