(Xây dựng) - Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng có quy định về việc cấp phép xây dựng ở nông thôn, theo đó, phân cấp cho địa phương quy định cụ thể việc cấp phép xây dựng đối với các công trình nhà ở riêng lẻ. Cần quản lý chặt hơn hay làm thế nào để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả? Báo điện tử Xây dựng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ chuyên ngành về vấn đề này.
Nhà thờ mới được xây dựng ở đồng bằng Bắc Bộ (Ảnh: TA). |
Quy định cụ thể để quản lý chặt hơn
Theo thống kê năm 2018, có khoảng 64% tổng dân số nước ta sống tại khu vực nông thôn. Những năm gần đây, từ hiệu quả của các chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo nông thôn mới ngày càng khang trang, đáp ứng được nhu cầu tiện ích về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa nông thôn đang diễn ra rất nhanh, đi kèm với đó là tình trạng bê tông hóa khu vực nông thôn ngày càng mạnh mẽ. Trong khi những quy định cụ thể về quản lý trật tự xây dựng ở những khu vực này còn đang bị bỏ ngỏ, thì nhiều nơi, bộ mặt nông thôn mới dần trở nên nham nhở, xấu xí.
Các chuyên gia cho rằng, nếu không quản lý chặt chẽ, đặc biệt những khu vực nông thôn giáp ranh với đô thị, khu vực nông thôn chuẩn bị nâng cấp lên đô thị... thì sau một thời gian sẽ có hệ lụy rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trưởng, cảnh quan, an ninh, quốc phòng...
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho rằng: “Đối với các địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh, việc quản lý xây dựng các công trình xây dựng ở nông thôn, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn là rất cần thiết, để đảm bảo tính phát triển bền vững khi đô thị lan tỏa các điểm có tính giáp ranh và đảm bảo tốt hơn sau quy hoạch phát triển đô thị đối với khu vực nông thôn đó.
Mặt khác việc quản lý xây dựng các công trình xây dựng ở nông thôn, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn đối với các đơn vị hành chính được công nhận nông thôn mới (xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới) sẽ đảm bảo công tác quản lý đất đai, quản lý hành lang giao thông nông thôn tạo ra một vùng nông thôn mới với các công trình xây dựng tuân thủ, đường thông thoáng.
Việc cấp phép xây dựng ở nông thôn, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn đối với các khu vực phụ cận đô thị, đối với các khu hành chính được công nhận là nông thôn mới là rất cần thiết, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Văn Mão – Trưởng phòng Quy hoạnh và Kiến trúc (Sở Xây dựng Hòa Bình) cũng đưa quan điểm: “Việc cấp giấy phép xây dựng là quyền lợi cho người dân tại khu vực nông thôn, là cơ sở để người dân có quyền được biết về quy hoạch, quyền được công nhận tài sản trên đất, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; đồng thời là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét tính an toàn cho công trình xây dựng. Nếu không được cấp phép xây dựng thì việc xác định và công nhận tài sản trên đất sẽ khó khăn, mà bìa đất bây giờ đều nêu đất và tài sản trên đất. Do đó, việc quy định cấp phép xây dựng ở nông thôn là cần thiết”.
Xem xét việc cấp phép theo khu vực cụ thể
Cho ý kiến về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Quan điểm của tôi, không phải cứ xây nhà ở nông thôn là không cần cấp phép, mà cần nghiên cứu nhà ở nông thôn mà ở các khu vực trung tâm, các trung tâm hành chính xã, trung tâm thôn hoặc các vùng thị tứ, hoặc nông thôn nhưng ở các vị trí gần khu di tích, khu bảo tồn thì vẫn phải xem xét phê duyệt cấp phép để quản lý; để đảm bảo tránh ảnh hưởng cảnh quan chung cũng như quy hoạch xây dựng và tốc độ đô thị hoá của nông thôn...
Nếu vùng sâu vùng xa, đặc biệt vùng dân tộc người ta có phong tục tập quán, điều quan trọng không phải là cấp phép mà ở những vùng đó chúng ta phải xem xét phê duyệt, chứ không phải thủ tục giống như cấp phép ở thành thị, thay vì cấp phép, anh vừa là hướng dẫn, vừa động viên đồng bào, đồng thời có quy định ở đây không được để ngõ nhỏ để đường cho phòng cháy chữa cháy, hoặc đây là khu vực di tích anh không được xây nên có quy định khung lên, để UBND tuyên truyền cho bà con. Thứ hai, trong quá trình xây dựng là cán bộ phải sát với dân chứ không thể để thủ tục cấp phép như khu đô thị. Còn ở cái vùng mà trung tâm, lúc đó khá giả, anh hãy tiến hành cấp phép, chứ vùng sâu vùng xa, trong rừng ai đi cấp phép. Chuyện đó là phi lý”.
Trong buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV), Đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang - Cà Mau cũng nêu ý kiến: “Việc miễn giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng ở khu vực nông thôn theo quy định của luật hiện hành, quy định miễn giấy phép cho công trình xây dựng tại khu vực nông thôn là tốt. Tuy nhiên, đối với trường hợp xây dựng công trình tại nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, nếu không được cấp phép xây dựng thì chúng ta sẽ quản lý như thế nào? Nếu không kịp thời điều chỉnh, có thể gây ra nhiều hệ lụy về sau...
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới diễn ra rất nhanh. Việc xây dựng nông thôn mới chưa thấy có bản sắc riêng. Xuất hiện tình trạng bê tông hóa khu vực nông thôn nhưng chưa có quy định cụ thể về quản lý trật tự xây dựng ở những khu vực này, làm cho bộ mặt nông thôn thiếu quy củ và thiếu tính đồng bộ. Do đó, cần chú trọng từ khâu quy hoạch đến khâu xây dựng phải đồng bộ. Trong đó quy hoạch xây dựng các khu nông thôn mới kết hợp quy hoạch chăn nuôi, trồng trọt một cách hợp lý.
Cần có quy định về kiến trúc, quy hoạch xây dựng ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng tiếp giáp với đô thị, chú trọng xây dựng quy định về quy hoạch, quy chuẩn xây dựng nông thôn cho người dân thực hiện”.
“Do vậy, kiến nghị Ban soạn thảo cần tập trung nghiên cứu, có lộ trình, quy định chặt chẽ để quản lý, đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng công trình nhà ở và các công trình chức năng khác tại khu vực nông thôn để kiểm soát những vấn đề nêu trên, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững”, Đại biểu Thái Trường Giang cho ý kiến.
Nhìn chung, các ý kiến đa số đồng tình với nội dung điều chỉnh quy định về cấp phép xây dựng ở nông thôn của dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Tuy nhiên, để phù hợp, các ý kiến cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, có lộ trình để quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép xây dựng cho từng loại, từng cấp công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn sao cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển của đất nước.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.
Mai Thu
Theo