"Tiếng là ở cùng nhà, nhưng ba thế hệ nhà tôi hiếm khi gặp nhau. Chúng tôi vẫn chưa nghĩ ra cách để gia đình quây quần thường xuyên hơn". Đôi vợ chồng đang sống trong một nhà ống ba tầng tâm sự, và tôi nói ngay: "Anh chị nên bán căn nhà đắt đỏ này chuyển lên chung cư."
Vì sao tôi lại đưa ra lời khuyên trên?
Một cách tự nhiên, người trong gia đình đã có sự chia cắt. Ông bà, tuổi cao, đã nghỉ hưu nên sống chậm, thích giao du với người khác và chuyện trò với con cháu. Tuy nhiên, hai bố mẹ đang đi làm, quan hệ xã hội rộng nên thời gian dành cho gia đình hạn chế. Thêm vào đó, hai người con đang tuổi đi học, nhưng cách nhau khá xa nên việc sinh hoạt cũng rất khác.
Thời gian người trong gia đình có thể gặp nhau qua những sinh hoạt hàng ngày, nhất là việc ăn uống và thư giãn. Tuy nhiên, cấu trúc nhà ống làm cho tình trạng thiếu tương tác và chia cắt trầm trọng hơn.
Tầng dưới cùng có hai phòng chính, nửa bên ngoài là phòng khách kết hợp với để xe máy, và nửa bên trong là bếp và nhà vệ sinh. Bếp tưởng chừng là chỗ mọi người thường gặp nhau nhiều nhất, nhưng không phải vậy. Do chế độ ăn uống của ba thế hệ khá khác nhau nên việc ăn chung không thường xuyên. Thêm vào đó, mỗi tầng đã có những thứ cần thiết, nên mọi người cũng ít có nhu cầu xuống bếp.
Khu vực dân cư đông đúc với những ngôi nhà được xây dựng san sát, không còn chỗ lưu không tạo cảm giác ngột ngạt tại phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị). |
Phòng khách ô nhiễm với mùi xăng xe và bụi bặm nên không phải là chỗ để nghỉ ngơi. Phòng này chỉ được dùng khi có khách. Tình trạng còn tệ hơn khi tầng này được dùng cho hoạt động kinh doanh của gia đình.
Hai phòng ngủ ở tầng hai dành cho bố mẹ, ông bà, và hai phòng ngủ ở tầng ba dành cho hai người con. Cầu thang ở giữa chia cắt các phòng. Do vậy, lên cầu thang là ai vào phòng nấy chứ hiếm khi tương tác hay đi qua cửa phòng những người còn lại.
Các căn hộ chung cư có thể giúp các gia đình quây quần thường xuyên hơn. Bếp và phòng khách liên thông với không gian rất rộng sẽ là trung tâm giao tiếp của gia đình. Người nấu trong bếp có thể nói chuyện với người ở bàn ăn và người ở phòng khách. Không gian này cần được thiết kế hợp lý và trang bị các thiết bị tiện nghi như một bộ sofa thật thoải mái và những thứ có thể vừa ngồi vừa nằm khác.
Cửa các phòng ngủ thường liên thông hoặc hướng ra không gian dùng chung nên khi mỗi người về phòng khả năng thấy những người khác cũng cao hơn. Thêm vào đó, chỉ cần một chỗ để nước uống, một cái tủ lạnh cho mọi người dùng chung. Kết quả, tần suất tương tác giữa các thành viên trong gia đình ở căn hộ chung cư cao hơn rất nhiều so với nhà ống.
Hơn thế, việc biết được sinh hoạt của con trẻ và có những cách thức uốn nắn cần thiết và kịp thời sẽ dễ dàng hơn. Những gia đình muốn duy trì kỷ luật như thống nhất mọi người để các thiết bị điện tử ngoài phòng khách sau 10h tối có thể giám sát và tuân thủ dễ dàng.
Nhà chung cư không chỉ mang lại nhiều những lợi ích mà còn tiết kiệm được chi phí. Nhiều nhất là năng lượng. Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, mức tiêu dùng năng lượng bình quân của các hộ gia đình ở nhà chung cư chỉ bằng khoảng 40% nhà ở riêng lẻ.
Ở Việt Nam, sự lãng phí năng lượng của nhà ống có thể còn lớn hơn do đa phần đều có cửa trước rất lớn và được mở nhiều lần trong ngày. Sử dụng điều hòa sẽ rất lãng phí.
Gánh nặng dọn dẹp và vệ sinh căn hộ chung cư cũng thấp hơn đáng kể so với nhà ống. Với những gia đình chiều con (cho ăn và sinh hoạt chủ yếu tại phòng) và không có người giúp việc thì gánh nặng với bố mẹ cho việc phục vụ con của nhà ống là rất lớn. Chung cư thì không cần vì từ phòng khách ra phòng ăn chỉ vài bước chân.
Nhìn ra xã hội, ở chung cư sẽ được tiếp xúc và tương tác với những người khác nhiều hơn. Khi thiết kế hợp lý với nhiều không gian xanh và hạ tầng dùng chung thì cư dân sẽ có thể tập thể dục nâng cao sức khỏe và chất lượng sống cho bản thân. Hơn nữa nếu chúng ta muốn phát triển đô thị nén, muốn "trong thành phố có rừng" thì chuyển lên chung cư là xu hướng tất yếu. Ở nhà chung cư dễ tạo ra thói quen hành xử văn minh gắn với các giá trị cộng đồng hơn.
Trong suy nghĩ của nhiều người, nhà ống an toàn cháy nổ tốt hơn chung cư. Tuy nhiên, thực tế là ngược lại. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn 2017-2022, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người. Thức tế cho thấy, sau vụ cháy chung cư Carina năm 2018, đến nay chưa có thêm vụ cháy chung cư nào gây thiệt hại về người. Trái lại, hàng trăm người đã thiệt mạng vì các vụ hỏa hoạn ở nhà ống.
Nghiên cứu sâu về nhà ở, nhất là bối cảnh cụ thể của Việt Nam, tôi rất hiểu cám dỗ của nhà gắn với đất. Sau một thời gian giá tăng lên rất cao, nhất là với việc xây nhà tự phát. Rất nhiều gia đình đang ở trong những căn nhà ống có giá trị cao gấp rất nhiều lần thu nhập của mình. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống rất khó cải thiện và phải mất đi rất nhiều thứ như phân tích ở trên. Thêm vào đó, đứng từ góc nhìn của cả xã hội thì gánh nặng của mô hình nhà ống đang rất lớn. Cám dỗ về giá trị, nhưng số đông chúng ta đang phải chịu đựng một cuộc sống chất lượng thấp hơn nhiều so với mức mà chúng ta đáng được hưởng.
Tóm lại, với nhà ống, cuộc sống của nhiều hộ gia đình đang bị chia cắt với nhiều trục trặc. Trong khi đó, với chung cư cao tầng, các thành viên trong một gia đình có thể gắn kết và quây quần bên nhau hơn. Hơn thế, chung cư giúp chúng ta cùng nâng cao ý thức cộng đồng để tạo dựng cuộc sống chất lượng và văn minh hơn.
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Kiến trúc hướng đến một xã hội nhân văn và văn minh bằng cách giúp con người tương tác với nhau nhiều hơn. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng nhìn chung các gia đình muốn tốt hơn cho mình và để cả xã hội tốt hơn thì nên lựa chọn chung cư cao tầng. Đây là một cuộc cách mạng mà cả xã hội cùng chung tay chứ không riêng của Nhà nước, các doanh nghiệp hay một ai đó.
Theo Huỳnh Thế Du/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-diem/lua-chon-nha-ong-hay-chung-cu-20230704181656275.htm