(Xây dựng) - Mặt trận nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức!
Nhiều nông sản của cô bác làm ra còn loay hoay với thị trường. Gạo xuất khẩu đi không còn thênh thang như trước, đang bị sức ép lớn trong cạnh tranh với gạo Thái, gạo Campuchia. Cá tra, con tôm cũng đang đứng trước những khó khăn về “hàng rào” của các nước giăng ra, họ kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng từng lô hàng xuất khẩu đi. Trái cây đủ loại cứ nói đã có mặt ở thị trường Nhật, châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng nhìn thẳng, số lượng cũng còn rất nhỏ nhoi. Đã nhìn rõ thị trường nông sản xuất sang Hoa Kỳ càng không dễ dàng, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “lắc đầu” với hiệp định PPT và chủ trương “đóng khung” việc tự cân đối xuất nhập khẩu.
Vingroup là một trong những DN tiên phong đầu tư sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao của Israel tại trang trại rau sạch VinEco, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhìn lại thực trạng quốc gia mới hay: Đất nước ta ruộng đồng mênh mông, ao hồ cho nuôi tôm, nuôi cá tra không thiếu, nhưng thiên tai biến động khó lường càng như đè nặng vai cô bác nhà nông hơn!
Phải tạo thế cho nông nghiệp bứt phá đi lên! Đó là trăn trở của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của các Bộ ngành, của chính quyền các cấp. Nhưng mở lối ra thế nào, tháo gỡ những “rào cản” ra sao, lại không hề đơn giản.
Bao nhiêu chính sách cho “tam nông” xem ra vẫn chưa đủ để nâng bước cho sản xuất nông nghiệp. Bao nhiêu kế sách, giải pháp vẫn chưa tháo gỡ cho “đầu ra” của nông sản của cô bác thoát được cái tâm thế loay hoay, “may nhờ rủi chịu”!
Rất mừng, một cú “đột phá” mới khi Chính phủ quyết định dành ra gói tín dụng lớn 100 nghìn tỷ đồng đề đầu tư vào cho nông nghiệp công nghệ cao hướng đến đích làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch. Đâu khác chính là Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chỉ đạo các ngân hàng thực thi gói tín dụng lớn này.
Rõ ràng nông nghiệp đang cần vốn rất lớn. Rõ ràng nông nghiệp đang rất manh mún, dàn trải mạnh ai nấy làm. Nhìn xem mỗi tỉnh, huyện đều một cách làm riêng, tư duy “cát cứ” riêng, nên cạnh tranh cả đầu vào, đầu ra từ cung ứng phân bón, thuốc sâu cho đến thị trường tiêu thụ rất thiếu bài bản, còn “đá chân nhau”. Vụ thu hoạch lúa nào cũng thấp thỏm về thị trường khó khăn, các DN chưa ký được hợp đồng, lại lo giá gạo giảm sút. Nhiều nông sản trông vào thị trường lớn của Trung Quốc, khi thị trường này chững lại là nông sản ngập ứ ùn tắc nơi cửa khẩu, nhiều DN kinh doanh xuất khẩu như đứng trên đống lửa. Ai hay tất cả những “sức nóng” ấy lại đổ dồn lên đầu người nông dân ”một nắng hai sương”!
Rõ ràng nông nghiệp không thể sản xuất trong kết cấu và tổ chức vùng miền thiếu liên kết như hiện nay. Sự manh mún dàn trải không sớm tháo gỡ, cô bác cứ “ngửa cổ” trông chờ vào “may rủi”. Chuyện nhà nông “loay hoay” lo “đầu ra” sẽ mãi là “chuyện dài nhiều tập”.
Thử nghĩ xem gói tín dụng 100 nghìn tỷ sẽ giải ngân cách gì, nếu các DN còn thờ ơ sợ đầu tư vào nông nghiệp dễ dính rủi ro và lợi nhuận quá nhỏ? Thử nhìn xem: Nếu đất đai chưa tích tụ để tạo ra những vùng chuyên canh lớn đưa công nghệ cao vào, nếu vốn tín dụng các ngân hàng có “rót xuống” cũng tránh sao nỗi lo sự bấp bênh tín dụng lại sa vào nợ xấu mới. Bài học chưa xa khi Agribank đầu tư cho các làng biển miền Trung đóng tàu ra khơi mấy chục năm trước đâu dễ quên, khi phải tính đến bài “xóa nợ”. Thế nên dù là “mệnh lệnh” của Chính phủ, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ này cũng không thể không lo cho sợi dây “an toàn” của đồng vốn.
Kêu gọi các DN đầu tư mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao, không thể theo kiểu phong trào để rồi nguy cơ “chia năm xẻ bảy” gói tín dụng của các ngân hàng, không cần hay biết kết quả ra sao?
Cho dù các vùng quê đang rất khát, rất cần những DN đi vào “trận địa” còn rất thoáng này, nhưng cũng cần phải chọn lọc những nhà đầu tư bài bản, những DN am tường, hiểu nhà nông, tâm huyết với nông dân, nông thôn.
Làm rau và hoa sạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải đầu tư nhà kính, nhà lưới với những quy trình kỹ thuật sản xuất vô cùng nghiêm ngặt. Nhưng đầu tư cho nhà kính nhà lưới đâu ít bạc tiền. Mỗi héc-ta nhà kính cần 3,5 - 4 tỷ đồng. Thế nên các ngân hàng vào cuộc càng không thể ngồi một chỗ để “soi” cái nọ, “ke” cái kia trong phương án kinh doanh của các DN, mà phải xuống thẳng các trang trại rau, những khu vườn trồng hoa để đánh giá, thẩm định trước khi “tung vốn” xuống.
Cái cần hơn là trong quy hoạch từ hạt gạo, con cá, con tôm, trại heo, trại gà, cho đến các miệt vườn trái cây, các trang trại cà phê, hồ tiêu… phải tính kỹ quy hoạch gắn với thị trường tiêu thụ dự báo thị trường thế nào, để cô bác làm ra sản phẩm không khốn khổ về cái sự ứ thừa.
Quy hoạch các vùng chuyên canh từng loại cây, con phải đi trước một bước để hoạch định tổng thể nền nông nghiệp quốc gia. Việc này cô bác nhà nông lo sao được. Đó là việc của các Bộ: NN&PTNT, KH&ĐT, Công Thương, TN&MT… Trách nhiệm của các Bộ này là phải ngồi với nhau mổ xẻ để bàn cho “tới bến”. Từng Bộ phải rõ từng việc cụ thể, gắn trách nhiệm đến cùng với cô bác, chứ không chỉ chung chung góp mặt kiểu “phối hợp” bàn thảo cho phải phép, rồi như việc của ai?
Tích tụ đất đai là chiến lựợc và tư duy rất trúng, nhưng chính sách thế nào để người nông dân có niềm tin góp đất đai cho các DN. Cơ cấu tổ chức thế nào để cô bác nhà nông cùng lo cùng làm với các DN cũng là việc không hề dễ dàng. Cần hơn thế là phải xây dựng tiêu chí thế nào để gọi là DN nông nghiệp công nghệ cao. Làm cá tra, nuôi tôm công nghệ cao ra sao? Làm hoa, rau quả công nghệ cao là nhà lưới, nhà kính, với kỹ thuật thâm canh, giống hoa, rau quả thế nào, kỹ thuật ra sao để sản phẩm sản xuất ra ký được hợp đồng tiêu thụ lớn. Không thể chung chung, nói cho vui, cho hay, mà phải đi vào từng cam kết cụ thể giữa DN và cô bác nhà nông. Đầu tư vào nông nghiệp dễ gặp rủi ro, lợi nhuận không lớn thì sức hút kiểu gì, chính sách ưu đãi ra sao để nhiều đại gia, DN lớn đầu tư vào lĩnh vực “tam nông”. Còn cứ để cô bác tự bơi, may nhờ rủi chịu, sao có được nền nông nghiệp hiện đại đúng nghĩa. Bài học về công nghiệp ôtô, công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ “hô to, nói lớn”, nhưng hiệu quả chả đâu vào đâu còn phơi cả ra kia không thể không suy nghĩ. Đừng để chiến lược nông nghiệp công nghệ cao lại đi vào vết chân cũ mòn yếu kém rồi chả ai trách nhiệm gì?
Thực tế nhiều ngân hàng lớn rất hăng hái đầu tư vào nông nghiệp. Như LienViet PostBank đã cung cấp gói tín dụng ưu đãi trị giá 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà nông trồng mắc-ca ở tỉnh Lâm Đồng, như Vietcombank đăng ký gói tín dụng 10 nghìn tỷ cho nông nghiệp cao, với 600 tỷ cho vay 15 năm cho dự án trứng gà sạch công nghệ cao. Trước đó Agribank cũng rất mạnh tay cho chiến lược tái canh cà phê rất quyết liệt, nhưng xem ra vẫn còn nhiều rào cản, nên diện tích cà phê tái canh từ vốn ngân hàng cũng chưa được là bao!
Nhìn thẳng tín dụng cho “tam nông” nói chung và nông nghiệp công nghệ cao đang rất cần những chính sách thông thoáng, cụ thể hơn từ Ngân hàng Nhà nước. Phải làm sao cô bác tiếp cận vốn tín dụng nhanh chóng hơn. Đội ngũ người làm ngân hàng cũng cần thay đổi tư duy nâng tầm trong thẩm định các dự án, cách tiếp cận cô bác, để thấu hiểu nhà nông hơn.
Mới thấy, vướng mắc lớn nhất hiện nay lại là phải hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp như nhà lưới, nhà kính, thiết bị máy móc để nhà nông có cơ sở giao dịch với các ngân hàng!
Gói tín dụng 100 nghìn tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương rất trúng thực tiễn, rất nhân văn. Nhưng đi vào thực thi để có thể giải ngân gói tín dụng này cho hiệu quả, lại cần những chính sách thông thoáng đi kèm.
Ý tưởng lớn, hay, nhưng chính sách, thông tư cứ “chạy” theo sau, “đuổi” theo sau để nhà nông và các DN mỏi mắt chờ liệu có nên? Chủ trương trúng, chiến lược hay, nhưng chỉ các ngân hàng và nhà nông cũng không thể một mình lo, một mình làm mà được.
Còn đó những rào cản, những sợi dây ràng buộc của bộ nọ ngành kia. Còn đó những tư duy ai đó chưa mặn mà với nông nghiệp công nghệ cao của chính những người đứng đầu các tỉnh, thành rất cần phải nhìn lại!
Đỗ Quang Đán
Theo