Thứ sáu 26/04/2024 14:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

"Lỗ hổng" từ những chiếc nắp cống bị mất cắp

08:52 | 21/05/2022

Nếu từng đến nước Nhật, nhiều người có thể sẽ bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật đường phố, chính là những chiếc nắp cống được trang trí tinh xảo với những hình vẽ, màu sắc bắt mắt tựa những bức tranh. Mỗi nắp cống là một bức tranh, khắc họa một chủ đề hoặc điểm tham quan du lịch của từng địa phương, như núi Phú Sĩ, cầu vịnh Yokohama… tạo sự thích thú cho du khách.

Được cho là xuất hiện từ những năm 1980, Nhật Bản hiện có 12.000 nắp cống nghệ thuật và thậm chí, ở nước này còn có cả một Hiệp hội nắp cống nghệ thuật.

Trông người lại ngẫm đến ta. Cũng là nắp cống, nhưng câu chuyện lại có phần trái ngược, ở nhiều địa phương nước ta lâu nay đang diễn ra tình trạng trộm cắp nắp cống. Mới đây, gần chục nắp cống nằm trên vỉa hè đường Tố Hữu (khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) đã "không cánh mà bay", chẳng những mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường. Những miệng cống mở to với hố sâu hun hút tựa bẫy giăng chực chờ "nuốt chửng" người dân bất cứ lúc nào. Nếu chẳng may xảy ra tai nạn, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

lo hong tu nhung chiec nap cong bi mat cap
Những miệng cống thoát nước bị "bỏ quên" nắp chực chờ "gài bẫy" người đi đường (Ảnh minh họa: Thế Kha).

Nhìn lại những năm qua, rất nhiều vụ tai nạn thương tâm vì không may sa chân xuống miếng cống đã xảy ra. Tối 10/6/2020, trên địa bàn thị xã Tân Uyên (Bình Dương), một bé trai 4 tuổi tử vong vì bị nước cuốn vào miệng cống không có rào chắn. Tại Hà Nội, nhiều người vẫn chưa quên vụ tai nạn hồi tháng 7/2014, một võ sư nổi tiếng cũng tử vong vì rơi xuống hố ga thuộc hệ thống cống thoát nước đường trên cao của tuyến vành đai 3…

Vậy mà các vụ trộm cắp nắp cống vẫn diễn ra thường xuyên. Hồi tháng 4 vừa qua, một băng trộm cắp ở Tây Ninh đã bị tóm gọn, theo lời khai của những đối tượng này, có đến 30 nắp cống đã bị cạy lên bằng xà beng để mang đi bán phế liệu. Than ôi, mỗi nắp cống loại nhỏ bán 800.000 đồng, nắp cống loại lớn bán một triệu đồng. Vậy mà kẻ gian không ngần ngại đánh cắp, mặc cho người khác có thể vì một lỗ cống không được che chắn mà đối mặt với tử thần.

Không chỉ nắp cống bị trộm đem bán sắt vụn mà dường như bất cứ thứ gì có thể quy đổi ra tiền, từ những gốc hoa trồng trên giải phân cách, những chậu hoa trang trí ngày Tết, rồi dây cáp điện, lưới chắn rác, trụ cứu hỏa...

Để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài và xử nghiêm hơn nữa hành vi trộm cắp nắp cống cũng như các hành vi tương tự. Trong trường hợp xảy ra tai nạn thì những ai thực hiện các hành vi này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì cố ý gây thương tích.

Cùng với đó, lực lượng chức năng cần điều tra và xử lý nghiêm những đường dây tiêu thụ đồ trộm cắp nói chung, trong đó có nắp cống nói riêng.

Một vấn đề cần bàn đến nữa là cơ quan quản lý cần nghiên cứu cách thức đề phòng ngừa tình trạng trộm cắp nêu trên, ví dụ như giải pháp rào chắn, lắp đặt kiên cố, tổ chức lực lượng bảo vệ tuần tra hoặc lắp đặt camera theo dõi. Khi phát hiện nắp cống, dây cáp điện… bị mất, bị cắt thì cần khắc phục ngay hoặc có cảnh báo kịp thời cho người dân, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Chiếc nắp cống bị mất cắp, trách nhiệm trước hết thuộc về kẻ gian, nhưng đơn vị quản lý liên quan không thể nói rằng "không biết" và không chịu trách nhiệm.

Chiếc nắp cống bị trộm cắp, không chỉ làm lộ ra "lỗ hổng" về ý thức xã hội mà nhiều khi là cả "lỗ hổng" trong trách nhiệm của đơn vị quản lý đô thị. Nhật Bản đã dẹp thành công nạn trộm nắp cống, rào chắn cao tốc… từ 40 năm trước. Đã đến lúc chúng ta mạnh tay bịt "lỗ hổng" và chấm dứt vấn nạn này.

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load