(Xây dựng) - Dù chịu tác động không nhỏ bởi khó khăn, thách thức về tình hình kinh tế trong và ngoài nước, đại dịch Covid - 19, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục giữ vững phong độ với tốc độ tăng trưởng nhanh, đóng góp khoảng 4,8% vào GDP cả nước; đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên.
Liên minh HTX Việt Nam ký kết hợp tác, phát triển trên nhiều lĩnh vực. |
Giữ vững phong độ
Trong những năm qua, dưới sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 hợp tác xã, tăng 2.002 hợp tác xã so với cùng kỳ năm 2019. Tổng vốn điều lệ đạt trên 36,6 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,434 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt trên 181,74 nghìn tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt 1,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 185 triệu đ/ hợp tác xã, thu nhập thành viên, người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đ/người/tháng.
Đóng góp trực tiếp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào GDP của cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, tác động gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, đóng góp trên 30% GDP cả nước.
Số lượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác tăng hằng năm, có sự đa dạng về loại hình và lĩnh vực hoạt động, phát triển ở các địa phương. Đến cuối năm 2020, các đơn vị này đã thu hút nhiều hộ cá thể, cá nhân và DN tham gia với hơn 1,8 triệu thành viên.
Hầu hết hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo mô hình kiểu mới, phù hợp với Luật Hợp tác xã 2012. Số lượng hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất vào khoảng 1.292 hợp tác xã, 3.220 hợp tác xã liên kết sản xuất với nhau, với tổ hợp tác và DN, giảm bớt khâu trung gian, hạ giá thành và tăng giá bán.
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô vừa và lớn ngày càng nhiều. Đến cuối năm 2020, cả nước có hơn 500 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy mô hơn 300 thành viên. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn lực từ thành viên và thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, chiếm thị phần khá lớn trong sản xuất nông sản, bán lẻ và vận tải hành khách.
Điều này một lần nữa khẳng định, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao… trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai đồng bộ, hiệu quả, cơ bản hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội và Điều lệ Liên minh.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và phát triển thành viên được đổi mới, đẩy mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu.
Liên minh cũng đã chủ trì vận động, tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã kiểu cũ thành lập mới, tổ chức lại, chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012, tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Đồng thời, hệ thống Liên minh đã thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chủ động phối hợp với cán bộ ban, ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và triển khai chủ trương, chính sách, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hoạt động cung ứng dịch vụ dịch vụ công cho kinh tế tập thể, hợp tác xã được mở rộng; hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, khai thác nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế; tích cực tổ chức phong trào thi đua…
Tiếp tục phát huy sức mạnh tập thể
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, vào giai đoạn 5 năm tới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã đề ra mục tiêu và chương trình trọng tâm để thực hiện.
Hệ thống Liên minh tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút hộ cá thể tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển cả số lượng, quy mô, chất lượng và hiệu quả. Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cần gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.
Mặt khác, hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ củng cố, đổi mới tổ chức và hoạt động, làm rõ chức năng, nhiệm vụ; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Liên minh cũng sẽ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên; tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, cung ứng dịch vụ công và một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, bộ, ngành, địa phương giao, ủy thác theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ trong hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam.
Theo đó, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng cao cho thành viên; thu hút hộ cá thể ở địa bàn nông thôn, kể cả hộ cá thể ở địa bàn thành thị và thành phần kinh tế khác tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Tiếp tục xây dựng hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam vững mạnh, thống nhất chặt chẽ tổ chức và hoạt động từ Trung ương đến địa phương, được Nhà nước áp dụng chính sách cán bộ phù hợp và có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 này, hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ phát huy vai trò nòng cốt của mình trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, từng bước khẳng định vị trí nền tảng trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hà Hiền
Theo