(Xây dựng) - Giai đoạn 2023–2025, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa đạt 8-9%/năm, tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 5%/năm.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) |
Đây là mục tiêu đặt ra tại dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025.
Theo dự thảo, căn cứ, yêu cầu lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025: Thực hiện quy định tại Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm, các Luật về thuế, quản lý thuế, Luật phí, lệ phí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý tài sản công, các văn bản pháp luật có liên quan; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; căn cứ các thỏa thuận, hiệp định vay nợ, viện trợ nguồn vốn ngoài nước đã và sẽ được ký kết, triển khai trong các năm 2023-2025; quy định về thời kỳ ổn định NSNN; căn cứ các trần chi tiêu giai đoạn 2023-2025 do cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư thông báo và dự toán ngân sách năm 2023…
Dự toán chi năm 2023-2025 xây dựng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng. Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền về phương án thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ thông báo, hướng dẫn sau.
Việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023–2025 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2023.
Giai đoạn 2023–2025, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa đạt 8-9%/năm
Đối với lập kế hoạch thu NSNN 03 năm 2023-2025, dự thảo nêu rõ: Kế hoạch thu NSNN 03 năm 2023-2025 được lập căn cứ khả năng phát triển kinh tế cả nước, từng ngành nghề, lĩnh vực và địa phương trong 2022-2024 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và nội dung, nhiệm vụ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; các yếu tố thay đổi về năng lực đầu tư, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, phát triển sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của từng năm; các yếu tố tác động của quá trình hội nhập quốc tế…
Giai đoạn 2023–2025, phấn đấu tốc độ tăng thu nội địa không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân chung cả nước khoảng 8-9%/năm; tốc độ tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 5%/năm. Mức tăng thu cụ thể của từng địa phương có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức bình quân chung, tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương.
Dự toán các khoản thu phí, lệ phí các năm 2023-2025 tích cực, chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định (số thu, số nộp NSNN) và chi tổng hợp vào dự toán thu NSNN phần phí, lệ phí nộp NSNN.
Đối với các khoản thu được để lại, học phí, giá dịch vụ y tế, thu dịch vụ sự nghiệp công không thuộc danh mục phí và lệ phí, các khoản thu chuyển sang cơ chế giá dịch vụ: thực hiện lập kế hoạch thu riêng theo quy định và xây dựng phương án sử dụng để gửi cơ quan có thẩm quyền giám sát và tiếp tục thực hiện cơ chế tạo nguồn từ khoản thu này để cải cách tiền lương theo quy định; gửi cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.
Lập kế hoạch chi NSNN 03 năm 2023-2025
Trong quá trình xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh đồng thời xác định chi tiết chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới của bộ, cơ quan, đơn vị mình năm dự toán 2023 theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính để làm căn cứ xác định chi tiêu cơ sở, chi tiêu mới và tổng hợp nhu cầu chi đầu tư phát triển, nhu cầu chi bảo dưỡng, vận hành trong kế hoạch chi năm 2023-2025.
Đối với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực đồng thời với việc lập kế hoạch thu, chi NSNN từng năm của giai đoạn 2023-2025 (phần bộ trực tiếp thực hiện), cần tính toán xác định tổng nhu cầu kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền ban hành từng năm của giai đoạn 2023-2025 trên phạm vi cả nước, kèm theo thuyết minh cụ thể căn cứ tính toán.
Việc lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023-2025 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn phải chú ý một số nội dung sau:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn địa phương năm 2023-2025, gửi Sở Tài chính để làm căn cứ lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2023-2025.
Trên cơ sở dự kiến nguồn thu trên địa bàn, nguồn thu của địa phương theo chế độ phân cấp được cấp có thẩm quyền quyết định, dự kiến số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương do cơ quan có thẩm quyền thông báo trong 03 năm 2023 - 2025; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương lập kế hoạch chi ngân sách địa phương năm 2023-2025, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ đã được ban hành và cam kết chi (bao gồm cả chính sách đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định); xác định nhu cầu bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương đối với các chế độ, chính sách của Trung ương cho từng năm của giai đoạn 2023-2025; đối với các nhiệm vụ chi mới của địa phương trong từng năm của giai đoạn 2023-2025, bố trí theo thứ tự ưu tiên để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng tâm của địa phương, trong phạm vi khả năng nguồn lực từng năm 2023-2025.
Khánh Diệp
Theo