Khi tiếng nhạc chúc mừng năm mới vang lên, chúng ta chính thức khép lại năm 2021 với bộn bề âu lo, vất vả nhưng cũng không ít những thành công.
Thật khó để gói gọn lại những gì mà nhân loại đã trải qua trong năm cũ khi mà đại dịch Covid19 ập xuống. Riêng tại Việt Nam, hàng nghìn trẻ em bị mất đi tổ ấm, trở thành trẻ mồ côi. Nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, nhiều người lớn bị tinh giản, mất việc làm, nhiều doanh nhân phá sản…
119.800 doanh nghiệp đã phải rút lui khỏi thị trường trong năm 2021, tăng 17,8% so với một năm trước đó. Trong khi số liệu doanh nghiệp thành lập mới hay trở lại hoạt động đều sụt giảm mạnh.
Một doanh nhân trong ngành xây dựng chia sẻ với người viết, dù rất nỗ lực nhưng doanh nghiệp của anh cũng chỉ dám hoạt động cầm chừng, nhiều hạng mục phải đóng băng, còn việc mở rộng quy mô gần như là điều "không dám nghĩ đến". "Bây giờ sống sót được, đảm bảo được thu nhập cho anh em là đã cố gắng lắm rồi".
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế chung chưa hẳn là màu xám. Nhìn về năm cũ, chúng ta có quyền lạc quan khi GDP quý IV đã tăng 5,22% sau khi âm tới 6,02% trong quý III, cả năm vẫn tăng trưởng dương 2,58%.
Tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại, không như kỳ vọng, nhưng nhìn theo hướng tích cực để động viên nhau thì tính theo con số tuyệt đối, GDP năm sau vẫn hơn năm trước, đó là điều đáng mừng, nhất là khi cả nước phải gồng mình thực hiện "mục tiêu kép": vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Tốc độ tăng GDP quý IV/2021 cao hơn so với tốc độ tăng GDP trong quý IV/2020.
Đại dịch gây cho chúng ta nhiều phiền phức, nhưng cũng cho chúng ta nhiều bài học lớn, mà lớn nhất có lẽ là thích nghi để tồn tại. Nếu nhiều năm trước, số hóa là một lựa chọn thứ yếu, có thì tốt mà chưa có cũng chả sao, thì khi Covid xuất hiện, số hóa là phao cứu sinh cho doanh nghiệp và là con đường mà nhiều ngành nghề buộc phải đi.
Đại dịch cũng khiến con người phải xoay xở, kiếm tìm lợi nhuận từ những kênh đầu tư mới. Bất động sản, vàng, chứng khoán, tiền ảo… đều "nóng sốt". Người ta kinh doanh nhiều hơn dựa vào kỳ vọng.
Tuy nhiên, cũng bởi kỳ vọng lớn, nên những áp lực sang năm mới 2022 càng trở nên nặng nề. Người dân loay hoay tìm công việc, doanh nghiệp loay hoay kiếm đầu ra, các nhà điều hành lo kiềm chế lạm phát. Chẳng nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn vào giá xăng dầu hay tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản trên biên giới phía Bắc cũng đã thấy phần nào một góc rất chân thực bức tranh năm 2021 và thách thức với kinh tế năm 2022.
Những chính sách lớn đang được bàn thảo, những gói kích cầu với quy mô hiếm có, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ hồi phục còn bức tranh kinh tế theo đó cũng trở nên tươi sáng hơn.
Thật xúc động khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu trong một sự kiện gần đây rằng: "Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang gặp phải và đối mặt", khẳng định việc chủ động đề ra và tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng đánh giá, môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Đúng như Thủ tướng đã nhận xét, "thể chế nào, doanh nghiệp đó", muốn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp mạnh thì thể chế kinh tế phải minh bạch, chứ không thể vận hành bởi cơ chế "xin - cho" hay sân sau, sân trước... Chỉ khi doanh nghiệp phát triển lành mạnh thì nền kinh tế mới khỏe lại, phục hồi, phát triển bền vững.
Phải nhìn thẳng rằng, "đa mục tiêu" là điều không chỉ Chính phủ mà cả doanh nghiệp, người dân đều trông đợi, nhưng để đạt được "đa mục tiêu" là nhiệm vụ cực kỳ khó. Chính vì khó nên càng phải nỗ lực và đoàn kết, trên dưới một lòng mới hi vọng đạt được thành công!
Mong rằng trong năm mới, với quyết tâm của Chính phủ: "nâng cấp môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực", cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện để vươn lên mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành tựu mới.
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn