Chủ nhật 03/11/2024 04:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Sai phạm trong xây dựng - Ý kiến người trong cuộc

Kỳ 9: Con đường đi đến tòa án

17:07 | 06/12/2022

(Xây dựng) - Dù biết rằng khởi kiện vụ việc vi phạm xây dựng ra Tòa án là không dễ dàng, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng tinh thần, nhưng cũng là việc bất đắc dĩ phải lựa chọn khi mà sự vô cảm của cán bộ liên quan đã dồn thân chủ đến đường cùng. Vẫn biết rằng, để ra Tòa án, đi theo cuộc hành trình là phải có lý và có tiền (có tiền ở đây được hiểu là để dùng in ấn tài liệu, photo cả thời gian nghĩ việc để đi kiện).

Kỳ 9: Con đường đi đến tòa án
Chung cư góc đường Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu 8 tầng, không có thang máy đã xuống cấp cần được cải tạo nhưng bị vướng vì không được xây cao tầng như nhà bên trái mới xây, nên còn phải chờ?

Để có được hành trình đi đến Tòa án, trước đó là hành trình các loại đơn khiếu nại, kêu cứu, đề nghị, xin cứu xét đến Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND Thành phố, tất cả đơn đều có phúc đáp sẽ trả lời, hoặc im lặng. Trước khi tìm đến Tòa án thì cách nhìn nhận của người xử lý với người vi phạm là chưa được bình thường, cụ thể là thiếu thiện cảm. Bên vi phạm mặc cảm, bên đại diện công quyền, xử lý như thế nào thì phải chấp hành như vậy. Tâm lý mặc cảm từ khi viết đơn cũng tránh viết đơn tố cáo, khiếu nại mà chỉ dám viết kêu cứu, cứu xét, đề nghị, phản ánh, đây là yếu thế của nhà đầu tư và cũng là sự tôn trọng chính quyền.

Nhưng khi ra Tòa mới biết rằng: Chỉ có đơn tố cáo, khiếu nại thì mới được Tòa án giải quyết, còn các loại đơn khác tòa không giải quyết và do vậy các cơ quan có thể không trả lời và không bị phạm luật. Cũng cần nói thêm, phán quyết của Tòa án, khi cơ quan quản lý vi phạm thì chỉ rút kinh nghiệm, còn nhà đầu tư vi phạm thì phải xử lý đập bỏ. Đại diện Chánh Thanh tra ký quyết định xử phạt, tuyên bố, không cần nghe giải trình, Chủ tịch UBND thành phố tước quyền giải trình, được quyền vắng mặt tại Tòa án khi xử án. Nói chung mọi sai phạm chỉ có nhà đầu tư phải chịu hoàn toàn. Các quy định của luật pháp là bình đẳng giữa người xử lý và người vi phạm nhưng Tòa án chỉ phán quyết là người vi phạm sai còn người xử lý thì chỉ cần rút kinh nghiệm. Tòa án sơ thẩm nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phán quyết bất chấp pháp luật thì nhà đầu tư người dân ai dám đi tìm công lý?

Ví dụ: Vụ án xậy sai Giấy phép xây dựng tại nhà số 8 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà 8 tầng Sở Xây dựng không cho lắp thang máy, không có thang bộ. Chủ đầu tư xin bổ sung không được nên phải đưa ra Tòa án để xin được lắp thang máy, nhưng ra Tòa án cũng bác luôn đơn kiện. Đồng nghĩa với việc nhà 8 tầng, Tòa án cũng đồng tình không cho lắp thang máy và không có thang bộ. Dù rằng, đó là sự việc nhỏ, quá nhỏ, nếu cán bộ cấp phép của Sở Xây dựng không vô cảm thì sự việc đã được giải quyết trước đó. Tòa sơ thẩm là nơi hy vọng của nhà đầu tư, mong được xem xét sự việc theo quy định của luật pháp, nhưng cũng là nơi thất vọng nhất.

Vụ việc lẽ ra được giải quyết với thời gian vài cuộc họp tại cơ sở nhưng không được các cơ quan liên quan chấp nhận để rồi cùng đưa nhau ra Tòa với nhiều buổi cung cấp chứng cứ, hòa giải kéo dài. Yêu cầu của người vi phạm là mong được đối chiếu cụ thể với các quy định của pháp luật hiện hành, nếu không đúng quy định thì nhà đầu tư sẵn sàng đập bỏ phần sai phạm, nếu đúng thì mong được tồn tại. Sự việc tưởng dễ dàng và đơn giản nhưng lại không đơn giản vì cách hành xử và thượng tôn pháp luật không được các cán bộ liên quan áp dụng. Người vi phạm mong được đi đến tận cùng của sự việc, chấp nhận gian nan để góp phần thượng tôn pháp luật ủng hộ công cuộc cải cách tư pháp trong tình hình mới. Khi con đường đi đến Tòa án chưa dễ dàng và chông gai thì tiến trình cải cách tư pháp sẽ chưa thực sự được cải thiện đúng nghĩa.

Xuân Lam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load