Thứ tư 06/11/2024 15:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Sai phạm trong xây dựng - Ý kiến người trong cuộc

Kỳ 5: Thành phố Hồ Chí Minh xử lý sai phạm xây dựng đã quyết tâm, nhưng giải pháp còn nhiều bất cập?

10:17 | 01/12/2022

(Xây dựng) – Thành phố Hồ Chí Minh còn hơn 6 ngàn vụ vi phạm xây dựng (Tính từ năm 2017 đến nay). Theo Chỉ thị số 23 /CT-TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy, đến tháng 6/2020 sẽ xử lý xong 6825 vụ vi phạm xây dựng. Việc xử lý nghiêm minh những sai phạm trong xây dựng được xã hội đồng tình. Đến nay việc xử lý đang bị chậm, điển hình là vụ việc vi phạm tại khu dân cư mới Thạnh Xuân, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2017 đến nay (6 năm) mới được phát hiện mà lỗi không hoàn toàn thuộc về người vi phạm.

Kỳ 5: Thành phố Hồ Chí Minh xử lý sai phạm xây dựng đã quyết tâm, nhưng giải pháp còn nhiều bất cập?
Căn nhà được cấp phép tùy tiện làm xấu bộ mặt đô thị không hài hòa tuyến phố trước của chợ Bến Thành – Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Quyết tâm xử lý sai phạm xây dựng với nhà đầu tư là “thẳng tay”…

Vi phạm trong xây dựng là cặp bài tay tư giữa chủ đầu tư và các cơ quan quy hoạch, cấp giấy phép và Thanh tra xây dựng, không thể nói chỉ có chủ đầu tư vi phạm còn các cơ quan Nhà nước thì không?

Theo ý kiến của nhiều chủ đầu tư, vi phạm của các chủ đầu tư là bề nổi và phần ngọn dễ thấy, còn bản chất, căn nguyên vi phạm lại thuộc về quy hoạch, cấp giấy phép và Thanh tra xây dựng, còn nhiều lỗ hổng, nhiều góc khuất chưa được làm rõ

Nhu cầu xây dựng hàng năm gia tăng, vi phạm xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng gia tăng. Cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý sai phạm, nhưng vì sao vẫn còn những chủ đầu tư “nhờn luật”? Chủ đầu tư xây dựng sai phạm thì chính quyền kiên quyết xử lý “thẳng tay” còn lỗi vi phạm do bất cập của chính sách chưa phù hợp, chưa theo kịp chuyển biến của xã hội, lỗi do cán bộ cơ quan Nhà nước thực thi, thì cũng đã xử lý, nhưng chủ yếu là “giơ cao, đánh khẽ”. Thế nên những vụ vi phạm xây dựng theo lỗi này thường rất khó xử lý triệt để?

Còn nhớ Thành phố Hồ Chí Minh đã từng đập 297 căn nhà xây dựng trái phép tại phường 15, quận Tân Bình (cũ); 40 căn nhà tại quận Gò Vấp; 20 căn nhà xây dựng vượt tầng ở đường Phạm Ngũ Lão, Quận 1; gần 1.000 căn nhà xây dựng trái phép được cấp số nhà mọc lên ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn; rồi hàng trăm căn nhà xây trái phép lại mọc lên cách nơi đập trước đây không xa, tại quận mới Bình Tân… đã bị xử lý, nhưng tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn ngày càng gia tăng đồng thuận với nhu cầu xây dựng gia tăng.

Sai phạm của cán bộ liên quan là nhắc nhở, rút kinh nghiệm

Phải tìm cho ra nguyên nhân và biện pháp hữu hiệu, để khắc phục tình trạng khó khăn, tùy tiện, trong cấp phép, là nguyên nhân chính để xảy ra cái gọi là “vi phạm” của nhà đầu tư. Cấp nào xử lý và xử lý thế nào, khi các cơ quan cấp phép không theo kịp các yêu cầu của người dân về xây dựng? Bưng bít quy hoạch, “gật, lắc” tùy hứng, thích cho ai thì cho, thích “nhô ra hay thụt vào” là quyền của cán bộ các cơ quan quy hoạch, cơ quan cấp giấy phép và Thanh tra xây dựng? Nhà đầu tư đã phản ánh nhiều, dân cũng kêu ca lắm, nhưng chưa mấy cán bộ thuộc các cơ quan này bị xử lý “thẳng tay” mà thường “giơ cao, đánh khẽ”. Một chủ đầu tư bức xúc nói: “Chúng tôi, nhiều nhà đầu tư trong ngành xây dựng cũng đành chào thua - không tự đi xin được giấy phép. Phải thực hiện phương án cứ xin 3, 4 tầng rồi vừa xây vừa “mua” Thanh tra xây dựng để xây dựng tiếp 7, 8 tầng theo ý mình, xong rồi hợp thức hóa dần dần. Các thành phố lớn hiện nay nhiều căn nhà xây như thế, đó là “ngón nghề” có chủ tâm của người quản lý xây dựng chỉ đường”.

Một chủ đầu tư khác cho hay: “Chúng tôi đã có giấy phép, nhưng mọi sự hướng dẫn phải theo đường dây. Chúng tôi đã chứng kiến cán bộ trật tự đô thị, không ít cán bộ này trình độ có hạn, nhưng họ lại có quyền, đang “thực thi công vụ” thay vì kiểm tra hướng dẫn nhà đầu tư hiểu rõ quy định của pháp luật trước khi xử phạt thì họ đã không làm và không biết làm”.

Việc cấp giấy phép và kiểm tra xây dựng có quá nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân có nhu cầu xây dựng, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Tiếng kêu của người dân chưa thấu đến cấp trên và vì 1001 lý do, việc xử lý cán bộ thi hành công vụ chỉ nặng về hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, “giơ cao đánh khẽ”, rơi vào quên lãng.

Xử lý hơn 6 ngàn vụ vi phạm đang tồn tại và phát triển là công việc chưa dễ dàng?

Theo Thông báo số 23 ngày 27/5/2019 của Thành ủy Hồ Chí Minh, chỉ tính từ năm 2017 đến tháng 6/2019 đã có 6.825 vụ vi phạm xây dựng, riêng 6 tháng đầu năm 2019 là 1.550 vụ, mức độ tăng 28% so với năm 2018. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư, nguyên nhân chủ quan là cấp thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chương trình nhà ở cho người nhập cư. Chính quyền các cấp ở nhiều nơi chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng, chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực, có biểu hiện thanh tra, công chức làm ngơ, lực lượng môi giới, “cò” bán đất, nhà trái pháp luật, các doanh nghiệp, đội quân xây dựng trái pháp luật chưa được xử lý... Sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận huyện trong xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng còn chồng chéo, sơ hở, thiếu hiệu quả…

Những nhận định trên cho thấy, nếu không xử lý nghiêm thì vi phạm xây dựng vẫn còn đất để phát triển và việc xử lý mới chỉ là phần ngọn, chưa triệt được tận gốc. Bất cập còn ở chỗ, việc xử lý vi phạm xây dựng không chỉ sai là đập mà cần phải cần tìm hiểu nguyên nhân. Quyết tâm là phải xử lý, người dân ủng hộ, nhưng khi xử lý cũng sẽ có những trường hợp khách quan và chủ quan xảy ra, kế hoạch không thực hiện được như ý, thì chính quyền thành phố là cơ quan thực hiện và Thành ủy là cơ quan giám sát chỉ đạo thực hiện kế hoạch này, sẽ chịu trách nhiệm thế nào trước Đảng, trước nhân dân? Trong số hơn 6 ngàn vụ vi phạm, ai dám chắc sẽ không có con số hàng chục, hàng trăm chủ đầu tư khiếu nại, thậm chí kiện ra tòa vì vi phạm xây dựng, nếu được xác định “tại anh, tại ả” chủ đầu tư và cơ quan Nhà nước cùng sai. Chỉ thị số 23 của Thành Ủy chuyên về xử lý vi phạm xây dựng có bị rơi vào quên lãng.

Để Chỉ thị số 23 được thực thi, hạn chế những bất cập, các nhà đầu tư xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh đều mong muốn, trong số hơn 6 ngàn vụ vi phạm phải được phân loại. Vi phạm chủ quyền, đất chưa được phép xây dựng; không có giấy phép; (2 loại này) xử lý ngay. Còn vi phạm lỗi do nhà đầu tư và cơ quan quy hoạch cơ quan cấp giấy phép, chưa đồng thuận áp dụng chỉ tiêu kiến trúc xây dựng theo quy chuẩn của quốc gia và quy chuẩn của thành phố, thì phải được phân loại để tìm được tiếng nói chung, đúng pháp luật, được lòng dân.

Đầu tư xây dựng là chìa khóa để phát triển kinh tế - xã hội. Để trả lời câu hỏi của đầu bài viết. Xử lý sai phạm xây dựng đã được Thành ủy Cơ quan cao nhất của Thành phố quan tâm thể hiện trong toàn văn Chỉ thị số 23/CT-CV ngày 25/07/2019. Sau đó UNBD đã ban hành Kế hoạch số 3333/KH-UBND ngày 12/08/2019 triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Trong quá trình thực hiện từ tháng 09/2019 đến nay nhiều nội dung cơ bản của chỉ thị và kế hoạch chưa được triển khai đầy đủ đến người dân. Điển hình của việc xử lý vi phạm xây dựng là đúng quy định của pháp luật, nhưng giấy phép cấp sai quy định của pháp luật thì không được đề cập trong kế hoạch. Do vậy việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng mà sai giấy phép xây dựng thì phải xử lý như thế nào chưa được đề cập trong Chỉ thị và Kế hoạch của UBND Thành phố. Việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng được nêu trước, sau đó mới đến nghiêm túc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính. Như vậy là nguyên nhân vi phạm xây dựng phải được giải quyết trước, cụ thể và minh bạch. Không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hành chính và hình sự, nhưng không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng thì chưa được cơ quan quản lý nhắc đến. Nhà đầu tư phải được bình đẳng trước pháp luật là nội dung cần được bổ sung vào kế hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh.

Để thực hiện có hiệu quả thì việc phân loại sai phạm phải được đặt lên hàng đầu. Kết quả của việc phân loại, chỉ rõ nguyên nhân sai phạm, thì sẽ có đường lối giải quyết phù hợp. Đáng tiếc là công việc phân loại, chỉ ra nguyên nhân sai phạm lại không thuộc về trách nhiệm của người vi phạm. Sai phạm trong xây dựng và quyết tâm xử lý của các cơ quan có thẩm quyền phải được thực thi thấu tình đạt lý nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức của nhà đầu tư, cộng đồng dân cư. Thượng tôn và bình đẳng trước pháp luật là biện pháp hữu hiệu để kéo giảm vi phạm trong xây dựng.

Xuân Lam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load