(Xây dựng) - Năm 2022, Kim Bảng triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong điều kiện không ít khó khăn. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong huyện đã giúp tình hình KT-XH cơ bản giữ được ổn định, dần tăng trưởng và phát triển.
Huyện Kim Bảng là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Nam. |
Đẩy mạnh sản xuất, xây dựng nông thôn mới
Năm 2022, toàn huyện tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU của Huyện ủy về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp gắn với sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025 và tích tụ, tập trung ruộng đất đạt được nhiều kết quả tích cực, điển hình như: Với 18 mô hình cánh đồng mẫu tại 14 xã với diện tích 585ha, hay mô hình sản xuất nông sản sạch đã tích tụ, tập trung ruộng đất đạt 534ha (sản xuất lúa 471ha, sản xuất rau củ quả 63ha). Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại 05 xã Nguyễn Úy, Tượng Lĩnh, Lê Hồ, Tân Sơn, Thuỵ Lôi được 68,13/87,59ha = 77,8% kế hoạch (lũy kế tới ngày 30/11).
Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm qua giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,0% so với năm 2021. Giá trị sản xuất/ha trồng trọt đạt 148/triệu/ha/năm; giá trị sản xuất/ha chuyển dịch và thủy sản đạt 370 triệu/ha/năm.
Hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ Xuân, vụ Mùa đúng khung thời vụ, cơ cấu, diện tích, năng suất lúa cả năm ước đạt 126,6 tạ/ha. Thực hiện kế hoạch trồng cây vụ Đông 2022-2023 với diện tích 2.002ha, đạt 100,1% kế hoạch.
Ngoài ra, chăn nuôi được duy trì ổn định, thực hiện tốt các mô hình chăn nuôi, tăng quy mô trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân cư, nuôi trồng thủy sản phát triển tốt; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 1,8%; thủy sản tăng 2,4% so với năm 2021.
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện, công tác chỉ đạo rà soát, đánh giá, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 được tiến hành toàn diện tại các xã. Trong đó, có 06 xã Tượng Lĩnh, Lê Hồ, Ngọc Sơn, Hoàng Tây, Thụy Lôi, Liên Sơn được tập trung để thực hiện các chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao năm 2022. Qua kiểm tra tiêu chí NTM nâng cao thấy được một số điển hình nổi bật tại các xã, như: Ngọc Sơn đạt 17/19 tiêu chí = 71/75 chỉ tiêu; Hoàng Tây đạt 17/19 tiêu chí = 70/75 chỉ tiêu...
Tập trung phát triển đầu tư công
Cũng trong năm 2022, UBND huyện đã chủ động đề xuất và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý điều tiết ngân sách cho huyện nguồn lực từ tiền sử dụng đất để phục vụ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng khung đô thị, cụ thể: Hạ tầng đấu giá 03 vị trí; 02 dự án đô thị, nhà ở để dành 100% tiền sử dụng đất cho huyện.
Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chỉnh trang đô thị, các tiêu chí nâng loại đô thị (đường giao thông, chỉnh trang vỉa hè, điện chiếu sáng…), hạ tầng các khu tái định cư, khu đấu giá đất.
Đặc biệt, thời gian qua huyện triển khai đầu tư xây dựng 66 công trình, trong đó 16 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang xây dựng 50 công trình đúng theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và năm 2022.
Việc triển khai đầu tư mới, kết hợp với quản lý sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng công trình cũng được lãnh đạo huyện rất chú trọng.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Thăng chia sẻ: “Công tác phát triển đô thị năm vừa qua cũng đã được tập trung thực hiện theo Nghị quyết số 07-NQ/HU của Huyện ủy về xây dựng huyện Kim Bảng trở thành thị xã trước năm 2025. Đến nay, hoàn thiện việc lập, trình HĐND huyện thông qua, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Kim Bảng đến năm 2030”.
Huyện cũng đã lập, báo cáo UBND, HĐND tỉnh phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Kim Bảng, Đề án công nhận đô thị Kim Bảng đạt tiêu chí đô thị loại IV.
Số liệu rà soát, thống kê đến ngày 30/11/2022 cho thấy việc thu hút các dự án phát triển đô thị trên địa bàn huyện cũng rất khả quan. Toàn huyện có 32 dự án phát triển đô thị, nhà ở, trong đó có 04 dự án cơ bản thi công xong, 09 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, 19 dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.
Đại diện lãnh đạo huyện cũng nhấn mạnh công tác quản lý trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông cũng được đẩy mạnh góp phần chỉnh trang hạ tầng nông thôn mới, đô thị (giải tỏa được 2.185 vi phạm).
Năm 2022 cũng là năm lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB (đã phê duyệt 27 phương án thuộc 17 dự án, số hộ ảnh hưởng khoảng 913 hộ với diện tích là 48,580ha). Bên cạnh đó, tập trung một số dự án trọng điểm của tỉnh và thực hiện giải ngân đảm bảo đúng quy định, có thể kể đến như: Tuyến đường Ba Sao - Bái Đính, tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21, hạ tầng du lịch chùa Bà Đanh giai đoạn 2, các dự án đô thị tại Nhật Tựu, Nhật Tân, Đại Cương...
Trên địa bàn huyện hiện có 20 vị trí tái định cư, trong đó đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 17/20; phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 là 6/20 và đang trong quá trình thực hiện quy trình dự án là 02/20. Như vậy, đến thời điểm cuối tháng 11/2022, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn huyện ước đạt 7.738 tỷ đồng, bằng 102,4% kế hoạch, tăng 11,3% so với 2021.
Hướng đến năm 2023 vượt kế hoạch
Nhìn lại năm 2022, tình hình KT-XH của huyện Kim Bảng cơ bản ổn định và phát triển. Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, sản xuất công nghiệp, du lịch, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tiếp tục tăng trưởng; thu hút đầu tư đạt kết quả khá. Công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm được lãnh đạo huyện chỉ đạo quyết liệt.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Thăng nhận định: Năm 2023 tới đây có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm 2021-2025.
UBND huyện sẽ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung huy động nguồn lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là kết cấu hạ tầng các dự án trọng điểm. Tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các tiêu chí huyện đô thị loại IV, tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cụm công nghiệp và khu công nghiệp tại huyện Kim Bảng được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ. |
Lãnh đạo huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sâu sát việc cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành, thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Công tác thông tin, tuyên truyền, dân vận cũng được thực hiện mạnh mẽ tạo sự đồng thuận cao tại địa phương. Phấn đấu trong năm 2023, huyện Kim Bảng được công nhận đạt đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã Kim Bảng trước năm 2025.
Tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh về cơ chế chính sách đặc thù cho huyện, chủ trương thực hiện các đề án, dự án lớn... để phát triển KT-XH năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
Với những tiềm năng, lợi thế của một vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Hà Nam, huyện Kim Bảng tương lai sẽ phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đời sống nhân dân ngày một ấm no.
Kết quả phát triển KT-XH năm 2022 của huyện Kim Bảng qua một số chỉ tiêu nổi bật: Cơ cấu kinh tế đến cuối năm ước đạt: Nông – lâm - thủy sản 6,70%; Công nghiệp - xây dựng 66,0%; Dịch vụ 27,3%.
Thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện quản lý ước đạt 1.006 tỷ đồng, bằng 101,7% kế hoạch huyện phấn đấu, bằng 113,7% kế hoạch tỉnh giao.
Tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh ước đạt 99,1%, đạt kế hoạch; trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 90,9%, tăng 0,4% so với năm 2021, đạt kế hoạch.
Minh Khánh
Theo