Bài 1: Chắt lọc những hoài niệm trong “căn nhà xanh” mang chất Bắc bộ
(Xây dựng) - Các kiến trúc sư đã hiện thực hóa được ước mơ của gia chủ với một căn nhà chứa đựng những hoài niệm về tuổi thơ, về một căn nhà lấy cảm hứng truyền thống Bắc bộ nhưng cũng đầy hiện đại, thân thiện với môi trường.
Từ những ngày chớm thu, khoảng sân rộng của căn biệt thự mang tên CHP House - under the eaves (Sơn Tây, Hà Nội) đông vui hơn khi các cháu nhỏ tập trung làm đồ thủ công chuẩn bị cho Tết Trung thu. Gia chủ bộc bạch đó là khoảng sân mình luôn mơ ước và gợi nhớ về tuổi thơ phơi lúa những ngày còn nghèo khó, nay lại là nơi tuyệt vời để trông trăng, đón rằm.
Kiến trúc sư Đường Văn Mạnh (BALEINE Architectes), người được gia chủ gửi gắm mong muốn xây dựng một công trình xanh nhưng đậm chất hoài niệm về một ngôi nhà Bắc bộ, nói rằng điều anh tự hào nhất về thiết kế của mình là tạo ra một không gian hạnh phúc cho gia chủ, nhưng thân thiện, nhân văn với môi trường.
Ước mơ về một căn nhà xanh
Là người theo đuổi phong cách kiến trúc xanh ngay từ khi còn là sinh viên đại học, nhưng kiến trúc sư Đường Văn Mạnh vẫn cảm thấy vừa bất ngờ, vừa hồ hởi với bài toán mà gia chủ đặt ra. Gia chủ mong muốn xây dựng một không gian ở vừa mang tính truyền thống, ấm cúng để dành tặng cho người mẹ của mình. Gia chủ cũng mong muốn căn nhà gợi nhớ lại tuổi thơ, từ những ngày còn khó khăn, với những khung cảnh truyền thống của một làng quê Bắc bộ. Ngoài ra, đây còn phải là một công trình xanh, đáp ứng càng nhiều tiêu chí xanh nhất có thể, vừa mang tính phong cách hiện đại, có lối kiến trúc ấn tượng.
Anh vừa cảm thấy bất ngờ khi đây là một bài toán không hề dễ dàng, nhưng cũng đầy hào hứng và hồ hởi với những thách thức cần giải quyết. Từ lâu đã yêu thích công trình xanh và kiến trúc dân tộc, anh Mạnh cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu khu đất và các giải pháp xanh, từ đó tìm ý tưởng về công trình xanh kết hợp những nét truyền thống lấy cảm hứng từ kiến trúc Bắc bộ xưa. Khu đất được nghiên cứu xây dựng có vị trí khá đẹp rộng khoảng 3.500m2, ngay gần một hồ nước, có nhiều cây cối cổ thụ. Tuy nhiên, đất lại không vuông, không bằng phẳng, địa hình thoải đến mép hồ.
Kiến trúc sư đề xuất một ngôi nhà có 2 khối, gồm nhà chính và nhà ngang gần như nằm song song cạnh nhau, với những bộ mái thoải và rộng theo cảm hứng từ những bộ mái ngói mũi hài trong kiến trúc Việt Nam. Ở giữa là một khoảng sân lớn, bên trong các khối nhà được bố trí các công năng theo 3 tầng, bám theo độ thoải của khu đất dốc xuống mép hồ. Tổng diện tích sử dụng khoảng 600m2.
Ở tầng giữa là không gian trung tâm với mặt bằng trung bình, có một phòng thờ lớn nhìn ra sân rộng phía trước theo đúng lối kiến trúc xưa của Việt Nam. Cũng nhìn ra sân lớn ở khối nhà ngang đó là một đại sảnh, cạnh đó là một khu bếp rộng. Đại sảnh và khu bếp này có thể cùng lúc chứa hàng chục người, phù hợp với các buổi tiệc, giỗ, tụ họp gia đình theo tập quán truyền thống của người Việt.
Nếu coi phòng thờ là chính giữa của ngôi nhà 3 gian thì bên trái và bên phải là 2 khu vực riêng biệt dành cho chủ nhà và mẹ của chủ nhà. Mỗi khu vực đều có phòng khách riêng, phòng ngủ master và khu vực vệ sinh. Thậm chí ở khu vực của gia chủ còn có một khu bếp mini khác, phục vụ cho những bữa ăn gia đình với ít thành viên hơn.
Ở tầng dưới cùng (cao độ thấp nhất của căn nhà) là phòng ngủ của trẻ em, khu vực xông hơi, spa, bể bơi ngoài trời. Ở tầng trên cùng cũng là nơi cao nhất có phòng ngủ master của chủ nhà với tầm nhìn rộng, nơi đây có phòng khách riêng khu vực spa; trong khi đó bên đối xứng và phòng ngủ của khách. Ở khối nhà ngang còn có một chòi hóng gió cao 4 tầng.
Không chỉ có khoảng sân lớn, mỗi không gian nhỏ hay một phòng đều có một khoảng sân riêng, một khoảng vườn riêng. Sân chính ở giữa là không gian kết nối các không gian còn lại được sử dụng đa năng cho các ngày cúng, lễ, hay các hoạt động thường ngày như phơi thuốc hay thóc lúa... Các tuyến hành lang kết nối giữa các không gian trong công trình được thiết kế có chủ đích để mang lại sự dẫn dắt thú vị. Không gian thư giãn có thể ở hàng hiên, ban công, trên mái, chòi canh hay bể bơi, trong nhà hay ngoài vườn… bất cứ đâu cũng đều coi là không gian thư giãn, nhưng luôn nhẹ nhàng và giữ tinh thần mộc mạc như chính bối cảnh mà công trình nằm gọn trong đó.
Mọi chi tiết đều hướng đến sự bình dị
Theo kiến trúc sư Đường Văn Mạnh, căn nhà dù lấy cảm hứng từ truyền thống nhưng đã đáp ứng được nhiều yếu tố xanh. Điều đầu tiên, việc xây dựng đã hoàn toàn tôn trọng địa hình, căn nhà được bố trí theo đúng độ dốc của địa hình. Thông thường một dự án khi xây dựng trên các khu đất dốc, địa hình bị san gạt, san lấp để tạo mặt bằng, làm mất đi địa hình và hệ sinh thái vốn có.
“Chúng tôi nghiên cứu, tạo giải pháp là nâng cốt lên giống như nhà sàn tựa vào địa hình dốc, để tạo không gian sinh hoạt phẳng, tôn trọng địa hình, không phải đào đắp san lấp”, anh Mạnh chia sẻ.
Các kiến trúc sư cũng dùng các vật liệu thân thiện môi trường như những tấm bê tông nhẹ đúc sẵn, các tấm thép dễ thi công, gạch đá ong, tấm lợp siêu nhẹ, tường 2 lớp chân không, gạch không nung, kính cách nhiệt… giúp công trình khoác lên vẻ cổ kính nhưng không nặng nề, tạo nên sự thông thoáng và kết nối với thiên nhiên nhiều hơn. Ngoài ra, kiến trúc sư cũng khéo léo kết hợp những vật liệu truyền thống như gạch xây, gạch sát sàn, ngói mũi hài Bát Tràng với màu lam đặc trưng tạo ra chất riêng cho công trình.
Các cây xanh lớn vốn có của khu đất đều được giữ lại và lồng ghép vào các khoảng hiên, ban công. Đôi khi ngay cạnh ban công lớn, gia chủ có thể ngồi đọc sách và thư giãn ngay bên cạnh là những cành xoài, cành mít nặng trĩu quả... Một số cây lớn được bổ sung để tạo cảnh quan xanh, chủ yếu là các loại cây ăn quả và hoa bản địa.
Lợi thế gần hồ cũng được tận dụng tối đa với tầm nhìn ở các ô cửa kính lớn, hướng nhà đón gió tự nhiên. Diện tích kính lớn có thể điều tiết bằng rèm, sao cho lượng sáng vừa đủ để đôi khi không cần dùng đèn, tiết kiệm được điện nhiều hơn.
“Chúng tôi cố gắng làm các diện kính lớn, đón được ánh sáng và ngắm trọn cảnh quan hồ, có thể đón gió tự nhiên rất mát từ hồ vào để giảm dùng điều hoà”, anh Mạnh nói.
Để giảm nhiệt vào mùa hè, khi điện tích các ô kính quá lớn, kiến trúc sư đã đưa ra giải pháp là các mái ngói lớn. Có những khu vực mái ngói đua ra 2,5-2,8m; khu vực hành lang đua ra 2m. Điều này giúp che được tối đa các ô kính lớn, tránh ánh nắng trực tiếu chiếu vào, đảm bảo nhiệt độ môi trường trong nhà tốt.
“Mọi không gian hay chi tiết trong công trình đều hướng tới sự bình dị, nhưng luôn tạo sự bất ngờ và hào hứng một cách nhẹ nhàng, tinh tế. Đúng như những điều chúng tôi mong muốn trong công trình này - nhà là nơi chứa đựng những hạnh phúc bình dị nhất, mong ngóng khi trở về và hạnh phúc khi rời đi”, kiến trúc sư Đường Văn Mạnh chia sẻ.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Hiếu Công
Theo