(Xây dựng) - Trong những ngày Tết Bính Thân, du khách đi tham quan, vãn cảnh động Tiên Sơn (thuộc Khu di tích - danh thắng Hàm Rồng) hết sức bất bình vì bị “chặt chém”, khi giá vé vào cổng và phí trông giữ xe cao ngất ngưởng. Điều đáng nói là điểm du lịch này hầu như chưa được đầu tư đáng kể, không có điểm vui chơi giải trí gì ngoài “vườn hoa” giả cho khách chụp ảnh.
Vé vào cổng khu du lịch có mệnh giá 30.000 đồng
Động Tiên Sơn nằm trong quần thể khu du lịch sinh thái - văn hóa Hàm Rồng, một điểm du lịch “hiếm hoi” của thành phố Thanh Hóa. Mặc dù chưa được đầu tư xây dựng gì đáng kể, nhưng do có phong cảnh đẹp với núi non, hang động kỳ vĩ nên vẫn thu hút được khá đông du khách tới tham quan, chụp ảnh vào dịp Tết. Đáng tiếc, thay vì phát triển du lịch bền vững, những người có trách nhiệm ở đây lại tìm cách “tận thu” với giá vé vào cổng và trông giữ xe quá cao, gây bất bình cho du khách.
Để xác minh phản ánh của du khách, ngày 5 Tết Bính Thân vừa qua, PV Báo Xây dựng cùng đồng nghiệp đã có mặt tại đây và ghi nhận sự việc đúng như phản ánh của bạn đọc. Ngay tại đầu đường rẽ vào, cách khu vực động Tiên Sơn khoảng 400m là bãi giữ xe (của Hội Cựu chiến binh phường Hàm Rồng) án ngữ ngay lối đi. Tất cả người đi xe máy, nếu vào động đều bắt buộc phải gửi xe tại đây với 10.000 đồng/xe. Ngoài xe máy, ôtô con được phép vào bên trong, nhưng khi quay ra cũng phải mua vé 20.000 đồng/xe. Chưa hết, cùng với phí gửi xe, khách muốn vào động Tiên Sơn còn phải tiếp tục móc hầu bao, chi thêm 30.000 đồng lệ phí vào cửa nữa.
Xe ô tô đỗ tại bãi xe của Hội Cựu chiến binh
Trước mức giá “cắt cổ” trên, nhiều du khách đã bất bình, phản đối nhưng vẫn phải chấp nhận. Đáng phàn nàn hơn nữa là sự “nhập nhèm” của các bác đeo băng đỏ “Cựu chiến binh”, làm việc tại bãi trông giữ xe. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến việc một lái xe con từ bên trong động Tiên Sơn ra, bị “đè cổ” đòi thu 30.000 đồng tiền vé xe. Sau một hồi tranh cãi vì lái xe không chịu mức giá trên, cuối cùng các bác nhân viên mới chịu hạ xuống còn 20.000 đồng (đúng với giá ghi trên vé: 20.000 đồng xe ô tô 5-7 chỗ). Chưa hết, theo quan sát của chúng tôi, gần như tất cả khách gửi xe, cả ôtô và xe máy đều không được nhận vé (nếu không đòi hỏi). Và tất nhiên, số lượng vé bán ra cũng như số tiền thu được mỗi ngày sẽ không hề được thống kê, kiểm soát. Như vậy, không biết số tiền thu được từ dịch vụ trông giữ xe, thay vì vào ngân sách nhà nước hay dùng để tái đầu tư, tôn tạo khu du lịch sẽ “chui” vào túi ai? Hơn nữa, chính thói quen không đòi hỏi vé của du khách đã “tạo điều kiện” cho nhân viên trông giữ xe nhập nhèm giá vé như trường hợp nêu trên.
Lối vào đền và động Tiên Sơn
Sau ngày 5 mùng Tết, chiều ngày 18/2, tức 12 tháng Giêng, chúng tôi quay lại Khu du lịch động Tiên Sơn. Tất cả vẫn không thay đổi, sau khi vào bên trong khu động quay ra, xe chúng tôi bị chặn lại nơi bãi giữ xe và phải nộp đủ 20.000 đồng mới được cho ra. Trả lời thắc mắc về giá vé cao, các vị nhân viên ở đây nói: “Đây là bãi xe của cựu chiến binh phường Hàm Rồng, chúng tôi làm theo quy định của Nhà nước, thắc mắc gì mời anh lên hỏi cấp trên”.
Trao đổi về vụ việc này, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng cho biết: Hiện tại xung quanh Khu du lịch động Tiên Sơn đang có sự tranh chấp giữa Cty Du lịch Kim Quy và một Cty khác. Do đó, để đảm bảo an ninh trật tự, UBND phường đã đứng ra giao cho Hội Cựu chiến binh lập bãi giữ xe. Theo ông Thanh, mức giá 10.000 đồng/xe máy là hợp lý và đã được UBND phường “thống nhất” với Hội Cựu chiến binh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do tình trạng tranh chấp giữa hai đơn vị, hiện tại đền và động Tiên Sơn do Cty Du lịch Kim Quy quản lý, khai thác (có sự liên kết với UBND phường). Riêng khu vực từ gần cổng động trở ra là do UBND phường quản lý.
Khách buộc phải gửi xe máy trước khi vào trong khu du lịch.
Như vậy, với tình trạng “một cổ hai tròng” như trên, du khách đến thăm động Tiên Sơn phải hai lần móc hầu bao với mức phí “cắt cổ 30.000 đồng/người/lần vào động và 10.000 đồng/xe máy; 20.000 - 30.000 đồng/ô tô. Đáng nói hơn, khi tham gia lễ hội hay tham quan tại các khu di tích, danh thắng nổi tiếng khác trong tỉnh như suối cá thần Cẩm Lương, đền Bà Triệu; đền Nưa - am Tiên; phủ Na... những danh thắng - di tích nổi tiếng, có quy mô, bề dày, cảnh đẹp hơn nhiều lần so với khu danh thắng động Tiên Sơn, nhưng ngoài khoản phí xe máy, ôtô với giá phù hợp, du khách không phải trả tiền mua vé vào cửa, hoặc nếu có thì cũng rất tượng trưng (khoảng 2.000 - 3.000 đồng/người).
Để phát triển du lịch một cách bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đã đề ra, đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa cần nhanh chóng cho kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng thu phí vào cửa và trông giữ xe quá cao đang diễn ra tại Khu di tích - danh thắng động Tiên Sơn.
Đào Nguyên
Theo