Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững gắn với môi trường và con người, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế là mục tiêu được đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Báo Lao Động có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để hiểu rõ hơn những việc cần làm trong xây dựng nền kinh tế bền vững.
Phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu được đặt ra. Ảnh minh họa: Quang Hiếu |
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu: Đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội đó đặt ra những yêu cầu và thách thức với môi trường, ông đánh giá gì về những thách thức này?
- 30 năm qua, trong quá trình đổi mới, chúng ta nhấn mạnh phát triển kinh tế trong giai đoạn đầu tiên. Trong giai đoạn tiếp theo, các vấn đề về xã hội như xóa đói giảm nghèo, vấn đề an sinh xã hội được tập trung để giải quyết.
Còn giai đoạn hiện nay, môi trường nổi lên là vấn đề quan trọng hàng đầu được tất cả các nước trên thế giới quan tâm. Kể từ năm 2015, các nước trên thế giới hướng tới mục tiêu là xây dựng cái nền kinh tế tuần hoàn và hướng tới mục tiêu năm 2050 nền kinh tế thế giới sẽ là nền kinh tế không rác thải và trung tính carbon.
Việt Nam là nước có dân số cao và nền kinh tế phát triển nhanh, sức ép dân số lớn và diện tích rừng, diện tích đất đai nhỏ, vì thế vấn đề về môi trường ngày càng trở nên bức thiết. Việt Nam là một trong 10 nước có rác thải nhựa đại dương lớn nhất thế giới, đó cũng là một trong 10 nước chịu thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu mang lại trong thời gian vừa qua.
Chính vì vậy là để đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, lâu dài và bền vững thì chúng ta không thể hy sinh mục tiêu môi trường để đổi lấy mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Làm thế nào để bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai đã trở thành vấn đề khẩn cấp và cấp bách phải xử lý ở Việt Nam.
Trong tình hình hiện tại, phát triển kinh tế phải gắn với con người, môi trường, không phát triển bằng mọi giá – đây là quan điểm được nhắc tới rất nhiều, theo ông, chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn gì trong quá trình thực hiện điều đó?
- Kể từ đầu năm 1990, thế giới đã nhận thức rằng được rằng là bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cho tương lai và đảm bảo thế hệ ngày hôm nay không vì lợi ích của thế hệ của ngày hôm nay mà hy sinh lợi ích của thế hệ trong tương lai.
Khó khăn, thách thức thì tất cả các nước trên thế giới đều gặp phải, không riêng Việt Nam vì thực tế quá trình phát triển kinh tế xã hội của chúng ta thì từ quá trình thiết kế, sản xuất, tiêu dùng đến phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải là một quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Môi trường cũng như là biến đổi khí hậu nó là loại hàng hóa công cộng mà nếu chỉ một người thực hiện thì sẽ không đem lại lợi ích toàn cầu mà tất cả thế giới cần phải chung tay thực hiện điều đó. Những thách thức lớn nhất của chúng ta trong thời gian tới là sức ép về dân số, sức ép về đô thị hóa, sức ép về phát triển kinh tế xã hội, sẽ gây ra ô nhiễm và xả thải ra môi trường.
Nếu vấn đề về ô nhiễm và xả thải ra môi trường trường không được xử lý thì sẽ trở thành vấn đề lớn trong tương lai. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta là 7% một năm thì tốc độ xả thải là khoảng tầm 10% một năm, và lũy tiến số rác thải nếu như không được xử lý sẽ tăng lên rất nhanh trong các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu vực tập trung dân cư cao, buộc Đảng, Nhà nước và Chính phủ cần phải có những biện pháp để xử lý vấn đề này.
Nhận thức được yêu cầu tất yếu của chuyển dịch kinh tế theo hướng tuần hoàn, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chế hóa một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, ông đánh giá như thế nào về những cơ chế này được cụ thể hóa trong Luật?
- Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định liên quan đến khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp và khuyến khích sự phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường đã đặt ra nguyên tắc là người phát thải phải là người trả phí.
Trong quá trình tổ chức sản xuất, Luật Bảo vệ môi trường đã giải quyết tất cả những vấn đề này từ giai đoạn thiết kế đến chế tạo, đã có quy định về kinh tế tuần hoàn để đảm bảo hình thành các dòng chất thải trong tương lai quay trở lại, tìm cách để lưu giữ vật chất, nguyên vật liệu và tài nguyên lâu nhất trong nền kinh tế. Đồng thời làm giảm phát thải, trong đó đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng tới tầng ozone và tăng nhiệt độ trái đất trong tương lai.
Luật Bảo vệ môi trường cũng đã thể chế hóa các quy định, ví dụ như việc dán nhãn thân thiện môi trường đối với những hàng hóa thân thiện với môi trường.
Mỗi người dân đóng vai trò như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế bền vững này, thưa ông?
- Mỗi một người dân sẽ đóng vai trò trung tâm. Trong quá trình này, người dân chính là người mà thực hiện việc giám sát cộng đồng đối với doanh nghiệp và đổi với Nhà nước trong vấn đề về bảo vệ môi trường và cũng là người hưởng lợi trực tiếp từ việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Nếu như chúng ta không đưa được ý thức người dân lên cao thì sẽ xảy ra việc "cha chung không ai khóc", vì vậy Nhà nước phải đóng vai trò lãnh đạo, dẫn dắt doanh nghiệp, phải tuân thủ thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Còn người dân chính là người giám sát, tổ chức thực hiện và hưởng lợi từ quá trình thực hiện của doanh nghiệp đối với các quy định của Nhà nước và sự dẫn dắt, chỉ đạo của Nhà nước.
Rất cảm ơn những chia sẻ của ông!
Theo NGUYỄN HÀ - VĂN THẮNG/Laodong.vn