Đứng ở góc độ pháp luật, thiệt hại mà những bị can này gây ra rất nặng nề và phải được khắc phục. Không thể có chuyện để họ thoát một cách dễ dàng như vậy!
Như thông tin đã được báo chí đăng tải rộng rãi, ngày 13/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển hồ sơ vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM, sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Tại bản kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa.
Tuy nhiên, do thời hạn điều tra vụ án đã hết, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa đến khi nào bắt được sẽ tiến hành điều tra và phục hồi xử lý theo quy định.
Vậy bây giờ bà Thoa đang ở đâu?
Quyết định truy nã đối với bị can Hồ Thị Kim Thoa không nêu rõ truy nã trong nước hay quốc tế, nhưng theo một số thông tin ban đầu trên báo chí thì bà Thoa đã ra nước ngoài từ tháng 8/2017 ngay sau khi bị cơ quan chức năng miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương do để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác chuyên môn (báo Thanh niên, 15/7/2020).
Cũng trên tờ báo này, một lãnh đạo có trách nhiệm của Bộ Công an khẳng định, sau khi ra quyết định truy nã, cơ quan công an sẽ truy tìm, nếu xác định bị can trốn ra nước ngoài sẽ yêu cầu tổ chức Hình cảnh quốc tế (Interpol) phối hợp truy nã quốc tế.
Chúng ta biết, trước bà Thoa, từng có những đối tượng khác đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường), Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm)…
Vậy rốt cuộc, liệu rằng bị can Hồ Thị Kim Thoa có sớm bị bắt lại như Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ hay vẫn sẽ “biến mất” như Vũ Đình Duy? Đây là điều mà công chúng đang chờ đợi câu trả lời từ thực tế.
Có tin nói bà Thoa đang ở Pháp sinh sống cùng con cái. Nếu đúng như thông tin này thì người viết vẫn tin rằng, sẽ có hai khả năng:
Một là, bị can với sự tự trọng cuối cùng, sẽ về nước đầu thú. Dù sao cũng không nên loại bỏ tình huống việc bà này ở nước ngoài trong khi bị khởi tố không đồng nghĩa với mục đích “bỏ trốn”, vì thời gian xuất ngoại đã 3 năm.
Ở khả năng thứ hai, nếu có muốn bỏ trốn, bà Thoa khó có khả năng trốn thoát.
Một bài viết đăng tải trên Dân Trí ngày 24/7 đã tổng hợp lại khá đầy đủ những phi vụ bỏ trốn của các cựu quan chức trước khi bị khởi tố. Song ngay như Dương Chí Dũng với kế hoạch trốn chạy bài bản và được sự hỗ trợ đắc lực từ em trai là Dương Tự Trọng, nhưng cũng không thể thoát nổi. Rồi Trịnh Xuân Thanh, sau nhiều tháng trốn chui, trốn lủi ở nước ngoài, đã phải về tự thú…
“Tôi thấy lo sợ về kết luận vi phạm của tôi, và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã trốn tại Đức. Trong thời gian này, cuộc sống trốn tránh, bấp bênh, luôn lo sợ” - đây là một đoạn trong lá đơn của Trịnh Xuân Thanh.
Nói gì thì nói, cuộc sống tha hương, đầy “bấp bênh”, “lo sợ” khi trốn tránh trách nhiệm như thế, cũng khiến con người ta trở nên “hèn” đi. Những bị can trên, dẫu gì cũng từng là lãnh đạo, từng nói những điều đạo lý và “thét ra lửa” với cấp dưới, ít nhiều họ cũng cần phải giữ thể diện, không cho bản thân cũng là vì gia đình, con cái…
Riêng về bà Hồ Thị Kim Thoa - từng là một nữ doanh nhân và một nữ Thứ trưởng quyền lực - chắc chắn trốn tránh sẽ không phải là sự lựa chọn khôn ngoan, nhất là khi những người thân của bà Thoa vẫn đang còn giữ các chức vụ quan trọng tại những doanh nghiệp lớn, tiếng tăm.
Hơn nữa, cổ đông công ty, các nhân viên chắc chắn cũng khó chấp nhận việc cựu lãnh đạo của họ lại là một bị can trốn truy nã!
Đứng ở góc độ pháp luật, thiệt hại mà những bị can này gây ra rất nặng nề và phải được khắc phục. Không thể có chuyện để họ thoát một cách dễ dàng như vậy!
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn