Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp là xương sống pháp lý của một nền kinh tế dựa nhiều vào đầu tư như Việt Nam. Nếu những bất cập không sớm được giải quyết, chắc chắn Việt Nam sẽ chậm bước trong cuộc đua với các quốc gia lân cận.
Xử lý những hồ sơ nộp trước ngày 1/7/2015
Một vấn đề nữa là đã 7 tháng kể từ khi Luật Doanh nghiệp (LDN) và Luật Đầu tư (LĐT) được Quốc hội thông qua nhưng Chính phủ vẫn chưa đưa ra một Nghị định hướng dẫn cụ thể cũng như một hướng dẫn chuyển tiếp liên quan đến các hồ sơ nộp trước 01/07 theo luật cũ nhưng chưa được ra giấy khi LDN có hiệu lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải ra ít nhất 04 công văn để hướng dẫn tạm thời cho trường hợp chuyển tiếp này, và có những công văn ra đời chưa lâu đã bị thay thế bằng công văn khác.
Chẳng hạn, có một trường hợp NĐT (Nhà đầu tư) Anh Quốc nộp hồ sơ thành lập DN từ tháng 01/2015. Trải qua nhiều giải trình, ngày 03/06/2015, DN nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận đầu tư theo yêu cầu bổ sung của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo đúng quy định, Sở đưa ra giấy hẹn 45 ngày để lấy kết quả, cho dù hồ sơ đã được giải quyết từ tháng 01 đến nay và những yêu cầu cũng đã được NĐT đáp ứng.
Khi thời hạn 45 ngày kết thúc, NĐT mới được Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo rằng hồ sơ của NĐT có nguy cơ phải làm lại theo LDN và LĐT mới theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. NĐT yêu cầu làm rõ thì được phía cơ quan có thẩm quyền giải thích miệng rằng do khi LDN mới có hiệu lực, ủy ban nhân dân là cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư đã không đồng ý ký thêm bất kỳ một Giấy chứng nhận đầu tư nào nữa cho dù hồ sơ nộp đầy đủ trước 01/07 vì lý do… sợ trách nhiệm. Chính vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải “chữa cháy” bằng cách yêu cầu NĐT làm lại hồ sơ.
Hàng trăm doanh nghiệp mệt mỏi chờ đợi làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Phạm Huyền
Khi tìm đến luật sư, NĐT cho rằng đòi hỏi này là rất vô lý, vì một quốc gia chỉ có duy nhất một Hiến pháp và nếu các cơ quan có sự mắc mớ về thẩm quyền thì phải giải quyết với nhau chứ không thể đặt gánh nặng lên khu vực tư. Trước lập luận hợp lý này, một số Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phải linh động bằng cách thuyết phục UBND ký Giấy chứng nhận đầu tư lùi ngày vào 30/6 để hỗ trợ DN. Ở một số tỉnh, thành khác, NĐT lại không được may mắn như vậy…
Cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn dưới dạng công văn về trường hợp này theo hướng nếu NĐT thỏa mãn điều kiện theo luật cũ trước 01/07 thì sẽ tiến hành cấp giấy theo… LDN mới. Nếu không, NĐT sẽ phải làm lại hồ sơ từ đầu theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đến các DN trong nước
Những vấn đề trên không chỉ ảnh hưởng đến NĐT nước ngoài mà cả DN trong nước cũng vạ lây. Theo quy định của LDN mới, cơ quan đăng ký doanh nghiệp hiện nay cho cả NĐT nước ngoài và DN trong nước sẽ là Phòng đăng ký kinh doanh (PĐKKD). Trước đây, NĐT nước ngoài sẽ làm việc với phòng đầu tư, nay chỉ phụ trách việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Kể cả việc đăng ký con dấu cũng sẽ do PĐKKD giải quyết. Điều này dẫn đến hiện tượng quá tải cho PĐKKD trong khi phòng đầu tư thì lại vắng vẻ.
Tại một số tỉnh, thành, cán bộ PĐKKD đã phải làm việc đến tận 7h, 8h tối trong suốt 01 tháng qua để giải quyết hồ sơ lập mới, sửa đổi, lẫn đăng ký dấu cho cả NĐT nước ngoài lẫn DN trong nước. Việc nhiều nhưng nhân lực thì có hạn và chưa thành thạo luật mới, nên có những trường hợp DN đến PĐKKD từ 1h chiều nhưng đến tận 6h tối mới được nộp hồ sơ và chỉ nhận được cái lắc đầu từ phía cán bộ do hồ sơ không còn đúng quy định vì Bộ KHĐT vừa hướng dẫn khác.
Lẽ ra có thể tránh được
Tất cả những bất cập trên lẽ ra đã có thể tránh được nếu trong thời gian 07 tháng sau khi ban hành luật mới vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan chủ trì LDN và LĐT xây dựng trình Chính phủ một đề án chuyển tiếp rõ ràng và một nghị định hướng dẫn cụ thể. Ngay cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư có lẽ cũng không lường trước nhiều vấn đề phát sinh kể trên.
Chúng ta không thể phủ nhận sự tiến bộ trong nhiều lĩnh vực của LDN và LĐT, cũng như không nghi ngờ cái tâm của những người soạn thảo muốn đưa ra một đạo luật phù hợp với sự phát triển kinh tế. Thế nhưng, có lẽ đã đến lúc những nhà làm luật phải thừa nhận một sự thật rằng, pháp luật dù có tiến bộ đến đâu nhưng vấn đề nằm ở cách giải thích pháp luật và tư duy pháp lý của cán bộ giải quyết.
Như trường hợp con dấu, một cán bộ có trình độ sẽ cho phép NĐT tự do sử dụng con dấu theo bất kỳ mẫu nào và không đề nghị họ tách giấy vì thấu hiểu những khó khăn về kinh tế mà việc tách giấy sẽ đem lại cho NĐT. Thế nhưng trái lại, phần lớn nếu không muốn nói là tất cả PĐKKD đã chọn làm theo chủ trương của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho dù nó không chỉ vô lý mà còn trái với quy định của Điều 44 của LDN.
Lẽ ra sau khi LDN và LĐT ra đời, việc làm tiếp theo của các nhà làm luật phải là tổ chức tập huấn hoặc giải thích, bình luận về hai đạo luật này để chúng ta có được một tâm thế cởi mở chào đón NĐT như chính tinh thần của hai đạo luật này. Tiếc thay, có vẻ điều đó đã bị lãng quên.
Và điều này ảnh hưởng rất lớn, bởi lẽ LĐT và LDN là xương sống pháp lý của một nền kinh tế dựa nhiều vào đầu tư như Việt Nam. Nếu tình trạng này không sớm được giải quyết, chắc chắn Việt Nam sẽ chậm bước trong cuộc đua với các quốc gia lân cận mà cái giá sẽ là sự phát triển của đất nước.
Theo Vietnamnet.vn
Theo