Trên thế giới, hiện có 121 trung tâm tài chính và xu thế cạnh tranh để trở thành các trung tâm tài chính hàng đầu với những sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều quốc gia.
Một góc TP Hồ Chí Minh năng động, hiện đại. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN |
Nhu cầu về một trung tâm tài chính mới, khác biệt với những trung tâm tài chính hiện có để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các trung tâm tài chính quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ tài chính mới, tiếp cận các thị trường mới, xu thế phát triển mới... đang trở nên ngày càng cấp thiết; trong đó, khả năng cao là sẽ hình thành trung tâm tài chính mới ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới, đang ngày càng rõ nét.
Việt Nam là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế với sự ổn định về kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính có khả năng liên kết với các trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm đặc thù. Việt Nam có nhiều lợi thế tự nhiên để phát triển trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế như: nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và cũng là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á - nơi có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, theo báo cáo Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) số 36 được công bố vào tháng 9/2024, TP Hồ Chí Minh được xếp hạng thứ 105/121 trung tâm tài chính toàn cầu; tăng 3 bậc, từ vị trí thứ 108/121 vào năm 2022. Năm 2024, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) cũng đánh giá, Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia có mức thu nhập trung bình và là 1 trong 3 quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong đổi mới sáng tạo; đồng thời, giữ kỷ lục về thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp.
Từ đây, có thể thấy, việc xây dựng, vận hành và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Mặc dù việc xây dựng, củng cố và phát huy các lợi thế cạnh tranh để hình thành trung tâm tài chính khu vực, hướng đến trung tâm tài chính quốc tế đang đặt ra nhiều thành thức đối với Việt Nam; song nếu thành công, Việt Nam sẽ có thể kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài và tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam trở nên hiệu quả, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; đồng thời góp phần phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia qua việc nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, Thứ Trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo và lấy ý kiến đóng góp từ các cơ quan, ban, ngành và các đối tượng chịu tác động để hoàn thiện Nghị quyết trình Quốc hội về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Theo đó, dự thảo đề xuất quy định về số lượng, vị trí, chức năng nhiệm vụ của trung tâm tài chính; các cơ chế, chính sách khuyến khích như chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng, ngoại hối, cơ chế thử nghiệm (sandbox), thuế, xuất nhập cảnh và đi lại… Theo góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, văn bản khi được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn đến các tổ chức tín dụng; công ty tài chính; sàn giao dịch chứng khoán; quỹ đầu tư tài chính; quỹ đầu tư; công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp khác hoạt động tại trung tâm tài chính.
Là đại diện tiếng nói của số đông doanh nghiệp; đồng thời, sau khi tổng hợp ý kiến, quan điểm từ cộng đồng thành viên cùng các hiệp hội ngành nghề trực thuộc, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, đối tượng được đăng ký thành viên trung tâm tài chính là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm…
Đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính trong khi các khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính lớn như các tập đoàn, các công ty mẹ, công ty holding... lại chưa được đề cập tới. Điều này dẫn đến câu hỏi là các doanh nghiệp phi tài chính có được phép đăng ký thành viên của Trung tâm tài chính hay không?
Tham khảo kinh nghiệm một số trung tâm tài chính khác trên thế giới mà cũng có quy chế đăng ký thành viên thì đối tượng được phép tham gia được chia thành hai nhóm rõ ràng, các doanh nghiệp tài chính và các doanh nghiệp phi tài chính. Do đó, cơ quan soạn thảo cần xem xét vấn đề này, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và xu thế chung trên toàn cầu.
Dự thảo còn đề cập đến chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các đơn vị trung gian tài chính hay còn gọi là fintech; đang được thiết kế theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp quản lý tài sản mã hoá, tiền mã hoá, NFT, token tiện ích… Theo VCCI, quy định như vậy có thể dẫn đến việc Chính phủ gặp khó trong việc ban hành văn bản hướng dẫn do không thể quy phạm hoá các vấn đề quá mới và còn đang biến đổi rất nhanh.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận, cho phép doanh nghiệp đề xuất giải pháp để đáp ứng các mục tiêu quản lý của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước cần đặt ra các mục tiêu như bảo vệ quyền sở hữu, phòng chống lừa đảo, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, an ninh năng lượng và môi trường…
Các doanh nghiệp fintech khi xin phép sẽ trình bày mô hình kinh doanh của mình và thuyết minh các giải pháp để đạt được các mục tiêu trên. Cơ quan nhà nước tiến hành xem xét, đánh giá, thẩm định các giải pháp và cấp phép cho hoạt động fintech đó.
Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các giải pháp đã cam kết và phải báo cáo cũng như chịu sự kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan nhà nước. Sau một thời gian, khi giải pháp của doanh nghiệp được chứng minh là hiệu quả thì Nhà nước mới tiến hành xây dựng thành quy phạm quản lý.
Liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư cho đổi mới, sáng tạo, dự thảo chỉ mới tập trung vào việc miễn giảm loại thuế này. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang cản trở dòng vốn đổ vào thị trường này.
Đơn cử như trường hợp doanh nghiệp chuyên đầu tư mạo hiểm cho các startup góp vốn vào nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startups). Các startups này thường có tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công thì mang lại lợi nhuận lớn do giá trị phần vốn góp có thể tăng gấp nhiều lần.
Doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm bán phần vốn góp ở startup thành công thì sẽ có doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản chi phí đã đầu tư vào các startups thất bại không được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế do nguyên tắc chi phí phải tương ứng với doanh thu theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Xuất phát từ đây, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về cơ chế thuế phù hợp với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động đầu tư mạo hiểm tại trung tâm tài chính.
Theo Ngọc Quỳnh (TTXVN)