Tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định với Quốc hội là: Với ngành Giao thông hiện nay, không ai dám làm sai. Thậm chí, trong việc ký tá phải cân đong đo đếm để làm sao đúng quy định của pháp luật.
Nghe lời khẳng định ấy của Bộ trưởng, thoạt tiên, tôi nghĩ đó là điều đáng mừng. Bởi vì với một ngành đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng mà làm sai thì thiệt hại không chỉ là tiền thuế của người dân đóng góp, mà còn là cơ hội phát triển của xã hội bị cản trở, tương lai của đất nước bị tước đoạt. Nên không làm sai thì tốt. Nhưng, từ tâm thế một công dân, tôi muốn nói đến đòi hỏi cao hơn. Đó là "không thể làm sai" và "không ai muốn làm sai". Bởi như vậy có nghĩa là cơ chế kiểm tra, giám sát đã đủ chặt chẽ và hiệu quả để không thể làm sai. Và như vậy cũng có nghĩa là việc thực thi công vụ đủ tốt để quá trình ra quyết định được hình thành dựa trên các giá trị đạo đức và sự liêm chính.
Cao tốc La Sơn - Túy Loan, một trong những dự án được ngành Giao thông hoàn thành trong thời gian qua (Ảnh minh họa: Nam Anh) |
Việc xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần và không muốn làm sai, không dính vào tiêu cực, tham nhũng là một quá trình liên tục; là đòi hỏi đối với tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, không riêng gì ngành Giao thông.
Trong đó, không dám làm sai thực ra chỉ là yêu cầu tối thiểu đối với cán bộ, công chức. Ai đó làm việc chỉ cố để không sai, có thể do năng lực nhưng cũng có thể bởi nỗi sợ trả giá chứ không phải do quy trình kiểm tra giám sát hiệu quả, hoặc phẩm chất đạo đức lên tiếng. Và không loại trừ nỗi sợ làm sai bao trùm quá trình ra quyết định, trên cả sự cố gắng để làm tốt, làm nhanh, làm hiệu quả. Nếu như vậy thì đây không phải là một phẩm chất được trông đợi. Nhà nước và người dân cần nhiều hơn ở cán bộ, công chức. Cần họ không chỉ làm đúng, mà còn phải làm tốt, làm lợi cho Nhà nước và nhân dân chứ không phải chỉ cố để không sai.
Trong lĩnh vực giao thông, kết quả của toàn ngành thời gian qua đã được các ý kiến nêu trong phiên chất vấn của Quốc hội, đơn cử như đã hoàn thành 4 quy hoạch ngành; hoàn thành 1.239km đường bộ cao tốc, đang triển khai 883km và dự kiến khởi công 2.024km trong giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội nhiều dự án trọng điểm quốc gia; kết quả giải ngân vốn đầu xây dựng cơ bản cao… Kết quả đó phần nào cho thấy nỗ lực của toàn ngành. Nhưng vẫn còn đó những công trình chậm trễ, việc triển khai thu phí tự động không dừng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Thời gian tới, kỳ vọng vào ngành Giao thông là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hàng loạt công trình lớn của quốc gia, từ các dự án cao tốc Bắc Nam cho đến việc thông tuyến đường Hồ Chí Minh, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành…, đều đòi hỏi đáp ứng tiến độ, đảm bảo yêu cầu chất lượng, công năng sử dụng và đặc biệt là phát huy được nguồn lực xã hội khi ngân sách có hạn. Muốn vậy, chắc chắn rằng sự chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá vì lợi ích chung là phẩm chất không thể thiếu và được xã hội trông đợi.
Nhìn rộng ra, cùng một hành lang pháp lý và một loại công việc, nhưng tiến độ và chất lượng triển khai giữa các đơn vị khác nhau, cho thấy sự chủ động, sáng tạo với động cơ trong sáng và vì lợi ích chung là một trong những yếu tố quyết định. Đơn cử, cùng là lĩnh vực phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, song thời gian qua bên cạnh những đơn vị làm tốt thì còn nhiều địa chỉ chậm trễ. Chính phủ mới đây đã nghiêm khắc phê bình và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với 12 bộ, cơ quan trung ương, 16 địa phương đến ngày 31/5 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng giao; 5 cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%) theo như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đứng trước những giục giã từ cuộc sống, từ yêu cầu phát triển đất nước, cán bộ tất nhiên không được làm sai, nhưng nếu vậy thì rõ ràng là chưa đủ.
Theo Phạm Trung Tuyến/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/blog/khong-dam-lam-sai-20220616174749168.htm