(Xây dựng) - Sáng 12/12/2023, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức tọa đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính trên thị trường bất động sản” và ra mắt đặc san “Khơi dòng tài chính bất động sản”.
Ông Hoàng Anh Minh - Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, phát biểu khai mạc sự kiện. |
Phát biểu mở đầu tọa đàm, ThS Hoàng Anh Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance cho biết ngày 15/10/1993, Luật Đất đai 1993 đã chính thức có hiệu lực, mở ra một giai đoạn mới về quản lý đất đai. Ba mươi năm qua, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Đất đai đã trở thành một trong những văn bản pháp luật quan trọng nhất của nền kinh tế.
Với việc xác lập 5 quyền cơ bản liên quan đến đất đai, Luật Đất đai 1993 cũng được xem là văn bản mở đường cho sự hình thành thị trường bất động sản Việt Nam. Từ bước sơ khai ban đầu, thị trường bất động sản đã thu hút một dòng chảy tài chính ngày càng lớn từ nhiều nguồn khác nhau, để có được diện mạo của ngày hôm nay.
Cũng theo Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính, trước yêu cầu của thực tiễn, Luật Đất đai đã có các lần sửa đổi lớn vào các năm 2003, 2013 và theo kế hoạch thì dự thảo Luật Đất đai đã có thể được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XV mới đây. Tuy nhiên, việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi đã được lùi lại, cho thấy trên thực tế còn nhiều vấn đề chưa thống nhất, và cơ quan lập pháp cũng rất cẩn trọng với dự luật này.
“Trong niềm tin rằng thị trường tài chính nói chung, tài chính bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục quỹ đạo phát triển đã và đang được tạo dựng lâu nay, Tạp chí Đầu tư Tài chính nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc góp thêm tiếng nói để thúc đẩy sự phát triển ấy”, ông Hoàng Anh Minh nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Biên tập Hoàng Anh Minh, việc xuất bản Đặc san Khơi dòng tài chính Bất động sản vào dịp kỷ niệm 30 năm Luật Đất đai 1993 là một trong những hoạt động nằm trong kế hoạch phát triển các nội dung chuyên sâu về tài chính. Ngoài việc tiếp cận từ góc độ báo chí, Tạp chí cũng đã và đang từng bước đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế tài chính của Việt Nam.
Cũng tại toạ đàm, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance cho biết nhân dịp này, VietnamFinance sẽ công bố chương trình VietnamFinance Research, với mong muốn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu nói chung về kinh tế tài chính của Việt Nam, bắt đầu với dự án nghiên cứu chuyên sâu về tài chính bất động sản, và trong tương lai là tài chính các ngành kinh tế khác.
Cần có cách tiếp cận mới về sử dụng đất đai
Chia sẻ tại tọa đàm, PGS.TS Trần Quốc Toản - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, sự ra đời của Luật Đất đai năm 1987 đã đánh dấu nền móng cho chế độ pháp luật về đất đai.
“Cho đến hôm nay, sự ra đời của các văn bản liên quan đến đất đai đã giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, tạo điều kiện để đưa đất đai thành động lực cho sự phát triển”, ông Trần Quốc Toản nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, PGS.TS Trần Quốc Toản cho biết quá trình thực thi luật đất đai vẫn còn những ý kiến trái chiều.
Về chế độ sở hữu đất đai, ông Trần Quốc Toản cho rằng việc phân chia đất đai theo nguyên tắc công bằng đã tạo ra sự phát triển ổn định cho đất đai, để đất đai tạo ra nguồn lực cho sự phát triển của kinh tế xã hội. Đất đai được phân chia công bằng cũng khiến người dân có được tư liệu sản xuất, tạo nên sự gắn bó về mặt cộng đồng.
“Sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã khiến những quy định về đất đai trước đây đã bộc lộ nhiều bất cập. Điều này buộc chúng ta phải sửa đổi cho phù hợp. Nhưng đất đai là vấn đề tác động tới toàn dân nên không thể sửa đổi trong một sớm một chiều được”, PGS.TS Trần Quốc Toản lý giải nguyên nhân vì sao Quốc hội lại hoãn thông qua Luật Đất đai trong nhiệm kỳ vừa qua.
PGS.TS Trần Quốc Toản phát biểu tại tọa đàm |
Trong bối cảnh mới, ông Trần Quốc Toản cho rằng, chúng ta cần có cách tiếp cận mới về sử dụng đất đai.
“Bây giờ, việc sở hữu đất đai đã không còn là vấn đề quá quan trọng nữa bởi tôi được biết nhiều người không hề sở hữu đất đai cũng vẫn có thể làm giàu từ đất, họ có thể đi thuê đất. Vậy cách tiếp cận về sử dụng đất đai cần được thay đổi theo hướng làm sao để tăng giá trị của đất đai chứ không đơn giản là sở hữu rồi mua đi bán lại như trước đây”, PGS.TS Trần Quốc Toản nêu quan điểm.
Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Quốc Toản nhận định đặc san "Khơi dòng tài chính bất động sản" của Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance có giá trị cao về mặt thông tin bởi đi vào các vấn đề thực tiễn.
Tọa đàm “Nhận diện dòng chảy tài chính trên thị trường Bất động sản”. |
Phát biểu tại tọa đàm, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu ra 3 vấn đề cần làm rõ để khơi thông dòng tài chính bất động sản hiện nay. Thứ nhất, ông Trương Thanh Đức cho rằng khơi thông dòng tài chính bất động sản đồng nghĩa với việc khơi thông thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện dòng chảy tài chính còn đang bế tắc cho nên ảnh hưởng đến bất động sản. “Chúng ta dường như đang loay hoay giữa bài toán con gà - quả trứng. Dù vậy, tôi cho rằng đừng đổ lỗi ách tắc cho phía ngân hàng, họ cũng đang là nạn nhân”, ông Trương Thanh Đức nói.
Vấn đề thứ hai, theo luật sư Trương Thanh Đức, là pháp lý. "Chúng ta cảm giác nền kinh tế vẫn đang phải đi xin công nhận là kinh tế thị trường. Một mặt, chúng ta cảm thấy thị trường rất cạnh tranh nhưng đáng tiếc cần phải nhìn lại cạnh tranh thế nào. Cạnh tranh trong điều kiện bị trói chặt thì càng cạnh tranh càng nghẹt thở và càng thoi thóp. Cạnh tranh nhưng rất nhiều năm mới xin được phép xây dựng dự án. Cạnh tranh dù rất muốn xây nhưng không xây được hoặc xây được rất ít. Cạnh tranh nhưng rất khó khăn về nguồn nhà ở, giá đắt và không mua nổi. Nếu không giải quyết được bài toán cung - cầu thì càng cạnh tranh càng teo tóp. Đây là sự cạnh tranh bất thường, đi ngược lại thị trường", luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance chính thức ra mắt đặc san "Khơi dòng tài chính bất động sản". |
Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng sắp tới, Luật Đất đai nếu vẫn như dự thảo gần nhất thì không mở ra được vấn đề, thị trường bất động sản vẫn sẽ như vậy. “Tôi cho rằng nhà nước muốn chốt vấn đề thì phải can thiệp thị trường nhưng không nên và không thể làm thay thị trường”, vị luật sư nhấn mạnh, đồng thời cho rằng muốn giải quyết được vấn đề thì phải xử lý được căn nguyên chứ không phải là hiện tượng.
Lê Trang
Theo