(Xây dựng) – Sáng 18/11, Bộ Giao thông Vận tải chính thức phát lệnh Khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sau 12 năm chờ vốn. Khi hoàn thành dự án, có tính lan tỏa kết nối Vùng Đông Nam bộ giúp giảm áp lực giao thông khu vực và phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Thứ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm phát lệnh Khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa sau 12 năm chờ vốn. |
Kết nối Vùng Đông Nam bộ
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ Trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết: Vùng Đông Nam Bộ có diện tích khoảng 31.370km2 (chiếm 9,4% cả nước), là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện nay, 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực Tây Nam Bộ đều thông qua cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và cảng biển Vùng Đông Nam Bộ.
“Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25% - 27% so với nhu cầu theo các Quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong Vùng.
Chính vì vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu chính là đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông toàn khu vực. Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà là một đoạn tuyến nằm trong quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây của đất nước (đường Hồ Chí Minh tiêu chuẩn cao tốc). Đây là dự án có ý nghĩa, vai trò quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển đô thị - công nghiệp - thương mại - du lịch - dịch vụ của khu vực Đông Nam Bộ. Khi hoàn thành, tuyến Chơn Thành - Đức Hoà sẽ kết nối giao thông thông suốt và rút ngắn thời gian từ các tỉnh Tây Nguyên qua vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông đường bộ kết nối liên vùng, giảm tải lưu lượng cho các tuyến đường bộ hiện hữu. Dự án này đã được chính quyền và người dân trong vùng mong chờ từ nhiều năm qua do Dự án bị tạm dừng thi công từ năm 2011 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ”, Thứ trưởng Lâm chia sẻ
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi lễ triển khai thi công đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. |
Ông Nguyễn Vũ Quý – Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư) cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa là một dự án thành phần của Dự án đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Dự án kết nối các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và an sinh xã hội khu vực có Dự án đi qua.
Dự án đã được triển khai thi công từ năm 2009 nhưng đến tháng 3/2011 Dự án tạm dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ, do khó về nguồn vốn đầu tư. Thời điểm đấy, dự án mới hoàn thành được khoảng 10km đầu tuyến, các đoạn còn lại thi công đến điểm dừng kỹ thuật.
Theo thiết kế, Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 72,75km (điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; điểm cuối giao với Quốc lộ N2- nay là đường Hồ Chí Minh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), với tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương đường cấp III đồng bằng, khi hoàn thành dự án có quy mô đường cao tốc 6 làn xe, sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Nghi thức triển khai thi công lại đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. |
Kiểm tra đánh giá chất lượng các công trình đã thi công 12 năm trước
Để Dự án được triển khai xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đầy đủ nhân lực, máy móc, thiết bị để tập trung triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn và vệ sinh môi trường. Tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật của Dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm. Hoàn thành Dự án đúng thời hạn Hợp đồng đã ký.
Bộ Giao thông Vận tải Đề nghị các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Dương tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các Khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; bố trí bãi đổ thải, ưu tiên cung cấp đủ nguồn nguyên vật liệu cho Dự án; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công trong suốt qua trình triển khai xây dựng công trình; tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực triển khai Dự án.
Lãnh đạo nhà thầu thi công - Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị chủ đầu tư đánh giá lại chất lượng các công trình đã thi công trước đó để có hướng thi công tiếp theo đảm bảo chất lượng công trình |
Ông Nguyễn Lộc Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cam kết tỉnh Bình Dương sẽ tạo mọi điều kiện để dự án triển khai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Bởi tuyến đường giúp hoàn thiện hệ thống đường phía Tây Bắc của tỉnh, mở ra hướng kết nối mới từ tỉnh Bình Dương đến các tỉnh xung quanh, đặc biệt là kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên và Tây Nam bộ; Đồng thời đẩy nhanh việc hình thành, phát triển các Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, Khu công nghiệp Cây Trường sớm trở thành Khu Công nghệ cao, vùng đổi mới sáng tạo theo định hướng quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.
Sơ đồ đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. |
Là nhà thầu thi công dự án, ông Khương Văn Cương - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cam kết sẽ quyết tâm tổ chức triển khai dự án này tốt hơn, và hoàn thành gói thầu XL01 đúng tiến độ, chất lượng như đã cam kết.
Để dự án triển khai thành công, ông Cương kiến nghị chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với tư vấn, nhà thầu tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá kiểm định chất lượng, khối lượng và thống nhất giải pháp thi công trước khi bàn giao cho nhà thầu thực hiện. Bởi dọc tuyến có 14 công trình cầu, trong đó 3 cầu xây dựng mới và 11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện nhưng do để nắng mưa suốt 12 năm làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình.
Tuyến Chơn Thành - Đức Hoà đoạn qua Bình Dương cỏ cây mọc um tùm sau 12 năm tạm dừng thi công vì thiếu vốn. |
Ông Cương kiến nghị chủ đầu tư, các địa phương nơi có dự án đi qua cùng nhà thầu khảo sát, tổ chức làm việc với các chủ mỏ vật liệu đánh giá lại nguồn cung vật liệu, xác định công bố chỉ số giá kịp thời làm cơ sở thanh quyết toán sau này. Vì qua khảo sát, các mỏ vật liệu tại địa phương không đáp ứng trữ lượng như thiết kế, giá thương mại chênh so với công bố giá của địa phương. Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh và nhà thầu cần thiết lập các biên bản làm việc làm cơ sở để xác định việc nào chủ động giải quyết trước, việc nào cần báo cáo kiến nghị và chốt rõ thời gian, cách giải quyết để không ảnh hưởng đến tiến độ dự án…
Cao Cường
Theo