(Xây dựng) – Tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch được kỳ vọng sẽ góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông xanh và thúc đẩy việc sử dụng vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, sau hơn một năm đưa vào khai thác, dù có nhiều ưu điểm, tuyến đường này vẫn chưa đủ hấp dẫn khi vẫn vắng vẻ và ít người sử dụng.
![]() |
Sau hơn một năm đưa vào khai thác, tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch vẫn đạt được kỳ vọng khuyến khích người dân Thủ đô sử dụng phương tiện xanh. |
Vắng bóng người, chưa phát huy hết tiềm năng
Ngày 01/02/2024, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điều chỉnh tổ chức giao thông tuyến đường ven sông Tô Lịch (đoạn cầu Mọc đến cầu Yên Hòa), chuyển từ đường dành cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ.
Con đường dành cho xe đạp được tổ chức giao thông hai chiều, dài 2,3km và rộng 3m, trong khi phần dành cho người đi bộ rộng 1m và được bố trí phía đường Láng.
![]() |
Tập đoàn Trí Nam đã bố trí hàng loạt trạm xe đạp công cộng dọc tuyến đường để phục vụ người dân. |
Thời điểm đó, Tập đoàn Trí Nam đã bố trí hàng loạt trạm xe đạp công cộng dọc tuyến đường để phục vụ người dân. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân tại Thủ đô sử dụng phương tiện xanh, bảo vệ môi trường…
Tuy vậy, từ khi đi vào khai thác, nhiều vấn đề đã được người dân phản ánh, như mùi hôi thối từ dòng sông Tô Lịch, rác thải, đoạn đường quá ngắn khiến nhu cầu sử dụng của người dân không cao.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, sau hơn 1 năm tuyến đường trên đi vào khai thác, hiếm thấy cảnh người dân đạp xe, thỉnh thoảng chỉ có vài người dân đi bộ tập thể dục. Trái ngược với tình trạng đông đúc của đường Láng vào các khung giờ cao điểm, đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch lại khá vắng vẻ, chỉ lác đác một vài người đi bộ hay đạp xe. Nhiều người dân vẫn lựa chọn đạp xe trên tuyến đường chính, cùng với ô tô và xe máy, thay vì sử dụng làn đường này.
Chị Phương Linh (quận Đống Đa) chia sẻ: "Tôi đi bộ quanh hồ mỗi ngày và rất ít khi thấy người sử dụng làn xe đạp. Thực tế, số người sử dụng xe đạp đi làm ở Hà Nội còn rất ít. Phần lớn mọi người chỉ dùng xe đạp để tập thể dục vào buổi sáng. Có thể vì thế mà làn đường này ít người sử dụng".
![]() |
Đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch khá vắng vẻ, chỉ lác đác một vài người đi bộ hay đạp xe. |
Cùng quan điểm, anh Ngọc Tiến (quận Cầu Giấy) cho rằng nếu tỷ lệ người dùng xe đạp đi làm tăng lên, tuyến đường sẽ trở nên đông đúc hơn. "Nếu ở đâu cũng có làn đường riêng cho xe đạp, tôi nghĩ sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện này".
Bất tiện từ cơ sở hạ tầng và môi trường
Ngoài vấn đề thiếu người sử dụng, nhiều người dân cũng phản ánh về các bất tiện trong cơ sở hạ tầng và môi trường xung quanh tuyến đường. Một trong những vấn đề lớn là các nút giao chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển.
Trao đổi với phóng viên, ông Đức Toàn (60 tuổi, quận Thanh Xuân) cho biết: "Mặc dù có đường riêng cho xe đạp rất tốt, nhưng các nút giao không hợp lý, nhiều khi phải nhấc xe qua các rào chắn. Điều này khiến tôi phải quay lại đi bộ, vì đối với người già như tôi, việc nhấc xe qua các rào chắn là rất khó khăn".
![]() |
Tình trạng xe máy đỗ lấn chiếm làn đường xe đạp tại các nút giao. |
Bên cạnh đó, tình trạng xe máy đỗ lấn chiếm làn đường xe đạp tại các nút giao cũng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Chị Phương Anh (34 tuổi, quận Đống Đa) nói: "Tôi đi xe đạp qua đây thường xuyên và thấy rất bất tiện vì xe máy đỗ lấn chiếm cả làn xe đạp. Xe máy đỗ sai quy định làm thu hẹp lối đi, khiến việc di chuyển của tôi gặp khó khăn".
Ngoài ra, tình trạng rác thải dọc tuyến đường, đặc biệt là tại các dải phân cách, cũng là vấn đề đáng lo ngại. Mùi hôi từ sông Tô Lịch, nhất là ở các cửa cống xả, khiến việc sử dụng tuyến đường trở nên không dễ chịu. Ông Nguyễn Văn Cường (Đống Đa) cũng phản ánh: "Tôi thường xuyên sử dụng tuyến đường này để đạp xe và đi bộ, nhưng dọc tuyến đường vẫn có nhiều điểm tập kết rác thải. Thêm vào đó, mùi hôi từ sông Tô Lịch khiến việc sử dụng tuyến đường trở nên khó chịu. Một điểm bất tiện khác là nếu tôi muốn đi từ phần đường đối diện, tôi phải tìm cách qua các nút giao vì đường Láng khá đông đúc".
Kỳ vọng về các giải pháp cải thiện
Mặc dù gặp phải không ít khó khăn, nhiều người dân vẫn hy vọng rằng tuyến đường này sẽ trở thành một phần quan trọng trong mạng lưới giao thông xanh của Thủ đô trong tương lai. Các cơ quan chức năng cần có những giải pháp cải thiện cơ sở hạ tầng, như điều chỉnh lại các nút giao thông, xử lý tình trạng lấn chiếm làn xe đạp và gia tăng các trạm xe đạp công cộng.
![]() |
Nhiều người dân vẫn hy vọng rằng tuyến đường này sẽ trở thành một phần quan trọng trong mạng lưới giao thông xanh của Thủ đô trong tương lai. |
Sở Giao thông vận tải Hà Nội trước đây cũng từng có kế hoạch triển khai thêm một tuyến đường dành riêng cho xe đạp quanh công viên Hòa Bình và đường Hoàng Minh Thảo (quận Bắc Từ Liêm), nhưng đến nay dự án này vẫn chưa được triển khai.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam cho hay, khi thành phố có thêm tuyến đường dành riêng cho xe đạp, công ty sẽ tiếp tục triển khai các trạm xe đạp công cộng để phục vụ người dân. Tuy nhiên, sau hơn một năm thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam đã báo lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Đánh giá về vấn đề trên, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định: "Việc triển khai dịch vụ xe đạp công cộng ở Hà Nội vào thời điểm này là rất dũng cảm. Tuy nhiên, còn thiếu nhiều yếu tố để dịch vụ này phát triển, như cơ sở hạ tầng chưa đủ mạnh và sự liên kết giữa các phương tiện công cộng vẫn còn hạn chế. Tôi hy vọng thành phố sẽ có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp, giống như với xe buýt hay metro, để dịch vụ xe đạp công cộng có thể tồn tại và phát triển, mang lại lợi ích cho cộng đồng".
Với sự cải thiện cơ sở hạ tầng từ các cơ quan chức năng và sự thay đổi trong thói quen giao thông của người dân, tuyến đường dành riêng cho xe đạp ven sông Tô Lịch có thể trở thành một phần quan trọng trong mạng lưới giao thông xanh của Thủ đô. Nếu được đầu tư và khai thác đúng mức, dự án này không chỉ góp phần thúc đẩy thói quen đi xe đạp mà còn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm và ùn tắc giao thông, hướng tới một Thủ đô bền vững và thân thiện hơn với người dân.
Diệu Linh
Theo