Thứ năm 13/02/2025 01:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 của Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 100%

21:34 | 12/02/2025

(Xây dựng) - Ban Quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) vừa báo cáo UBND Thành phố Hồ Chí Minh về tiến độ xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Trong đó, tính đến hết tháng 1/2025, giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã đạt 99,83% (584/585 trường hợp).

Công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 của Thành phố Hồ Chí Minh đạt gần 100%
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đầu tư bằng vốn vay ODA của Nhật Bản.

Theo MAUR, đến nay tuyến metro số 2 có tổng 8 gói thầu đã thi công, trong đó gói thầu xây dựng tòa nhà văn phòng depot Tham Lương (gói thầu CP1) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cũng theo báo cáo của MAUR, tính từ đầu thời điểm triển khai dự án đến hết tháng 1/2025, tuyến metro số 2 đã giải ngân được 1.588,16/47.890,84 tỷ đồng, đạt 3,32% so với tổng mức đầu tư. Trong đó chưa bao gồm chi phí đã giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng dọc tuyến do các quận thực hiện.

Trong dự thảo, Chính phủ nhấn mạnh, thực tế chứng minh, các đô thị lớn toàn cầu đều ưu tiên phát triển loại hình giao thông này nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, đồng thời coi đây là giải pháp chiến lược để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế tai nạn giao thông.

Dự thảo nghị quyết đề xuất 6 nhóm chính sách đặc biệt để thúc đẩy tiến độ, bao gồm: Huy động nguồn vốn; Trình tự, thủ tục đầu tư; Phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development); Công nghiệp đường sắt và chuyển giao công nghệ; Chính sách vật liệu xây dựng, xử lý bãi đổ thải; Các quy định đặc thù dành riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, nhóm chính sách về huy động vốn tập trung vào việc linh hoạt trong bố trí vốn để đảm bảo tiến độ dự án. Các nguồn tài chính bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi, cùng các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nhóm chính sách này cũng cho phép thực hiện trước một số nhiệm vụ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Về trình tự, thủ tục đầu tư, các quy định đặc thù được đề xuất nhằm rút ngắn thời gian từ giai đoạn lập dự án đến triển khai thực hiện, Chính phủ sẽ áp dụng cơ chế phân cấp, phân quyền trong thẩm định, phê duyệt, xử lý vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng và đẩy nhanh tiến trình lựa chọn nhà thầu.

Đồng thời, cơ chế thanh toán vốn cũng sẽ được linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu rút ngắn đáng kể thời gian triển khai dự án, từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn thực hiện, qua đó thúc đẩy nhanh chóng mạng lưới metro tại hai đô thị lớn, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị cả nước.

Theo kế hoạch phát triển hệ thống metro, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư và hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km vào năm 2035. Cụ thể, tuyến số 1 đóng vai trò trục xuyên tâm, kết nối từ phía Tây qua khu vực trung tâm đến phía Đông, nối các khu vực trọng điểm như Vĩnh Lộc (phía Tây), khu công nghệ cao và làng đại học (phía Đông);

Tuyến số 2: Trục giao thông từ Tây Bắc đến Đông qua trung tâm, nối từ khu phát triển trọng điểm Thủ Thiêm (phía Đông) đến khu vực phát triển Tây Bắc;

Tuyến số 3: Chạy xuyên tâm từ phía Tây tới Đông Bắc, kết nối từ Tân Kiên (phía Tây) tới Linh Trung (phía Đông Bắc);

Tuyến số 4: Tuyến Bắc - Nam, liên kết các khu vực phát triển Phú Trung, Tân Thới Hiệp, Tân Nhị, Tân Thạnh Đông (phía Bắc) tới khu đô thị lấn biển Cần Giờ (phía Nam);

Tuyến số 5: Tuyến bán vành đai từ phía Nam sang phía Đông, kết nối Hưng Long (phía Nam) với Trường Thọ (phía Đông);

Tuyến số 6: Tuyến vành đai, tạo liên kết giữa các tuyến xuyên tâm và kết nối các khu phát triển trọng điểm của Thành phố;

Tuyến số 7: Tuyến xuyên tâm từ Tây Nam tới Đông, đi qua trung tâm mới tại Thủ Thiêm, Thanh Đa, kết nối Tân Kiên (phía Tây) với Trường Thọ (phía Đông).

Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn này ước tính khoảng 40,21 tỷ USD. Khi hoàn thành, mạng lưới metro dự kiến đáp ứng 40-50% nhu cầu vận tải hành khách công cộng của Thành phố Hồ Chí Minh. Lộ trình thực hiện như sau: Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào năm 2025 nhằm chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trong đó, giai đoạn giải phóng mặt bằng dự kiến diễn ra từ 2026 đến 2029 và các tuyến metro sẽ bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 2027 với mục tiêu hoàn thành trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, với sự quyết tâm từ các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cùng 6 nhóm cơ chế và chính sách hỗ trợ, việc hoàn thiện 355km đường metro vào năm 2035 được đánh giá là khả thi.

Tiếp đến, trong giai đoạn tiếp theo từ 2036 đến 2045, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xây dựng thêm 3 tuyến metro với tổng chiều dài khoảng 155km, hướng đến hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị theo quy hoạch tổng thể.

Bình An

Theo

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load