(Xây dựng) - Chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như mở ra tư duy tầm nhìn mới cho du lịch Việt Nam!
Một đất nước có tiềm năng du lịch tuyệt vời đâu phải quốc gia nào mơ mà có được? Sông nước, núi non, biển trời với bao thắng cảnh, di tích đẹp như tranh ẩn chứa bao trầm tích phải là nơi thu hút du khách tứ phương để làm ra tiền bạc lớn.
Nhưng vì sao du lịch Việt phát triển chưa xứng tầm? Vì sao ngay người Việt cũng không mặn mà với du lịch trong nước? Bộ VHTT&DL và Tổng cục Du lịch nói gì khi mỗi năm người Việt đem một lượng ngoại tệ hàng tỷ USD đi du lịch các nước? Các DN làm du lịch, các điểm du lịch trong Nam ngoài Bắc nghĩ gì khi du lịch chặt chém, du lịch theo kiểu đeo bám, chụp giựt “ăn xổi” đây đó vẫn diễn ra làm cho du khách nản lòng?…
Chỉ có nói thẳng, chỉ thẳng những yếu kém, những non tầm trong tư duy làm du lịch từ vĩ mô mới có thể có đối sách thông minh tạo ra vị thế mới cho du lịch Việt. Rõ ràng bao nhiêu năm du lịch Việt vẫn chưa thoát được ra cách làm du lịch thời vụ với tầm nhìn thiếu dài xa.
Những đầu tư bạc tiền cho du lịch chưa xứng tầm, hay quy hoạch du lịch còn manh mún “cát cứ”, mỗi vùng mỗi kiểu, mỗi địa phương một cách làm du lịch thiếu sự liên kết cần thiết? Phải chỉ thẳng du lịch chưa có bài bản làm ăn lớn vẫn chỉ như quẩn quanh trước “ao làng, lũy tre”, mà chưa dõi mắt ra biển lớn mênh mông rộng dài hơn. Du lịch muốn thu hút du khách rất cần có sự khác biệt, cần những sản phẩm mới sáng tạo, người làm du lịch trong nước có tính, có nghĩ đến chưa? Người có tiền, làm ra tiền mới nghĩ đến đi du lịch, mới bỏ tiền chi cho những chuyến du lịch. Có hay, đây đó người làm du lịch hình như chưa hiểu thấu tâm trạng, tâm lý của du khách chăng mà cứ dồn cho du khách những “cục tức”, những bực mình hơn là niềm vui, nụ cười thoải mái trong những chuyến đi. Không ít người Việt vác “đô” đi du lịch Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và cả các nước nơi trời Âu, đất Mỹ đều có chung nhận xét: Thắng cảnh biển trời, hang động, sông núi nhiều nơi còn xa mới có được như xứ ta, nhưng cách làm du lịch của họ thì chuyên nghiệp, quá tuyệt vời khó có thể quên!
Nghe hàng trăm ngàn, hàng triệu người Việt đi du lịch nước ngoài, những năm qua, ai cũng chung nhận xét ấy, đủ nhìn rõ những non yếu của du lịch trong nước đang nằm ở đâu, đang còn ngắc ngứ chỗ nào. Vì sao nhiều người nước ngoài đến ta chỉ một lần không nghĩ đến quay trở lại? Phải chăng vì sản phẩm du lịch không tạo ra sự khác biệt, không có gì mới lạ? Phải chăng là những dịch vụ du lịch còn kinh doanh kiểu mượn “gió bẻ măng” đua nhau chặt chém ở các nhà hàng, hay là cách tùy tiện tăng giá phòng trong những ngày cuối tuần, những ngày nghỉ lễ do khách quá đông, phòng ốc quá tải?
Điều cần phải nói là thái độ của nhân viên ở các khách sạn, của hướng dẫn viên đi theo các tour du lịch xa gần đào tạo, chọn lựa chưa bài bản, chuẩn chỉ chăng? Thái độ phong cách của nhân viên làm du lịch phải nhanh chóng thay đổi đi. Ngành y tế còn thèm khát nụ cười của bác sĩ, nhân viên với người bệnh, không lý gì ngành du lịch lại lãng quên nụ cười thân thiện trong hành xử với du khách. Rõ ràng trước hết phòng ốc phải sạch sẽ, giá cả minh bạch. Các gói dịch vụ của khách sạn 3 sao, 4 sao, hay 5 sao phải chuẩn mực như quy định, phải sao cho xứng với những “sao” ấy. Không thể kinh doanh kiểu “treo đầu dê” trong hoạt động du lịch. Càng không thể cạnh tranh trong các DN, nhà hàng nơi có các địa chỉ du lịch trọng điểm. Không thể “cố thủ” mãi kiểu tranh giành du khách, đeo bám du khách đến giật mình xa lạ!
Vì sao du lịch ngay các nước quanh ta như Singapore, Thái, Lan, Nhật, Hàn… họ thu hút du khách rất tốt? Rõ ràng họ làm du lịch chuyên nghiệp hơn, tư duy làm du lịch của họ sáng láng, bài bản hơn hẳn chúng ta. Rõ ràng chúng ta phải học. Nhưng nói thế, không phải du lịch trong nước không có những DN kinh doanh du lịch rất bài bản, xứng tầm quốc tế. Nhiều du khách nước ngoài, nhiều Việt kiều về nước ca ngợi hết lời những Vinpearl Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc. Không chỉ phòng ốc sang trọng, sạch sẽ, mà còn ở thái độ tuyệt vời chu đáo thân tình của cán bộ nhân viên ở đây. Ông Đoàn Minh - một du khách Việt kiều từ Thụy Sĩ năm nào cũng đưa vợ về với quê “chôn rau cắt rốn nơi quê dừa Bến Tre sau kỳ nghỉ ở Vinpearl Phú Quốc cũng tấm tắc: Vợ chồng tôi đi du lịch nhiều nước châu Á, nhưng Vinpearl Phú Quốc vẫn cứ là nhất! Nhất cả phòng ốc, cảnh đẹp. Nhất cả thái độ ân tình, tử tế thân thiện của đội ngũ nhân viên.
Vậy thì ngành du lịch phải đi học hỏi đâu xa. Hãy học ngay cách làm du lịch của Vinpearl - một thương hiệu đang đầu tư rất mạnh vào các điểm du lịch trung tâm ở Việt Nam. Tất nhiên là những gói du lịch nghỉ dưỡng “đẳng cấp” dành cho những người giàu có dư dả bạc tiền mới có thể trang trải để đến với các Vinpearl. Không chỉ du khách nước ngoài nhận xét về Vinpearl Phú Quốc như thế, mà nhiều du khách Việt cũng ước ao du lịch trong nước phải sao cho chuyên nghiệp bài bản hơn.
Nhưng lãnh đạo ngành du lịch hãy nhìn kỹ lại xem, dù là khách sạn chưa có “sao” nào, xin hãy “sao” ngay về thái độ ân cần, tử tế, chu đáo của người làm du lịch thời hội nhập. Đó sẽ là những “điểm cộng” trong mắt du khách.
Cái “điểm cộng” này đâu có phải đầu tư bằng bạc tiền gì tốn kém, mà sao chỉ đạo, cách làm du lịch của chúng ta cứ mãi loay hoay để du khách “ta thán” hoài?
Du lịch muốn vươn tới là ngành kinh tế mũi nhọn phải tư duy khác đi, chiến lược cũng phải đổi mới lên đi. Cứ nói non tiền bạc để đầu tư cho quảng bá thương hiệu, nhưng có đâu hiệu quả hơn là thực tế những tiếng khen truyền miệng rỉ tai nhau của chính những du khách như vợ chồng ông Việt kiều Thụy Sĩ Đoàn Minh? Hình ảnh tuyệt vời về Hạ Long, Sa Pa, của hang động Sơn Đoòng, Phong Nha, Tam Cốc - Bích Động - Bái Đính, Vũng Tàu, Mũi Né, Nha Trang, Phú Quốc, của miệt vườn sông nước ĐBSCL… đó chính là tiềm năng du lịch đừng để các “nàng tiên” đẹp này ngủ lâu, ngủ mãi nữa. Với internet, công nghệ thông tin của thế giới phẳng hiện nay thế giới đâu có lạ lẫm mảnh đất hình chữ S này. Điều cần, rất cần vẫn là tư duy chiến lược cho du lịch thế nào.
Hướng tới mục tiêu thu hút du khách để có doanh thu lớn, để có con số 10 tỷ USD năm 2025 rõ ràng còn nhiều việc phải làm. Hãy đưa những bãi biển chạy dọc dài mảnh đất nước thành những “thiên đường du lịch biển” của thế giới. Hãy làm sao “đóng đinh” vào con mắt du khách cả trong nước và du khách nước ngoài Việt Nam là quốc gia của du lịch biết kết hợp hài hòa truyền thống của du lịch dân tộc và du lịch hiện đại. Đó là du lịch an toàn và thân thiện.
Mở rộng du lịch đẳng cấp, càng phải làm mạnh hơn với những du lịch bình dân để đáp ứng mọi nhu cầu du lịch của du khách.
Mở rộng cấp vi-sa thông thoáng để bạn bè đến nhiều với du lịch Việt. Cần tạo ra những liên kết du lịch vùng miền, sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới khác biệt. Trước mắt cần đào tạo đội ngũ người làm du lịch cho thật chuyên nghiệp, bài bản. Đầu tư cho du lịch phải biết “nhấn vào” những trọng điểm trọng tâm. Kiên quyết không đầu tư ngẫu hứng dàn trải để bạc tiền đầu tư vào đâu, du lịch sẽ ngời sắc lên đến đấy! Dẫu sao thì vẫn chưa phải chờ những chuyển động mới của ngành du lịch! Mũi nhọn kinh tế của du lịch nhìn đã rõ. Đất nước kỳ vọng sẽ giàu lên từ du lịch. Vấn đề là tư duy cách làm du lịch thế nào để bước kịp với thời đổi mới và hội nhập!v
Đỗ Quang Đán
Theo