Thứ sáu 27/12/2024 07:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Kết luận Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam

21:29 | 20/09/2018

(Xây dựng) – Về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL), mới đây Thanh tra Chính phủ đã có thông báo Kết luận Thanh tra số 1589/TB-TTCP.


Hãng phim truyện Việt Nam. (Ảnh: Cafef)

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ VHTT&DL đã tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện Kế hoạch sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ trong giai đoạn 2014-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ đã có sự chỉ đạo thống nhất của Ban cán sự và thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành. Việc cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp để nhằm huy động vốn của các thành phần kinh tế tham gia vào tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sư thay đổi về phương thức quản lý, nâng cao năng lực tài chính để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong những ngành nghề cũ.

Tập thể Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ VHTT&DL đã tổ chức triển khai, phổ biến chủ trương trên đến các đơn vị thuộc Bộ, Lãnh đạo các Cty. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các cuộc họp để trao đổi bàn bạc về cách thức triển khai thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là công tác cổ phần hoá. Vì vậy, các doanh nghiệp thuộc Bộ VHTT&DL nhận thức rõ xu thế trên đã tiến hành phổ biến rộng rãi, công khai, minh bạch cho toàn thể cán bộ công nhân viên, người lao động và được sự hưởng ứng.

Vì vậy, thực hiện cổ phần hóa Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam là phù hợp với chủ trương của nhà nước và cần thiết để huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong tình trạng doanh nghiệp nhiều năm liền thua lỗ triền miên, dẫn đến gần bờ vực của phá sản.

Công tác cổ phần hóa Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Việc xây dựng, ban hành kế hoạch và tiến độ thực hiện cổ phần hóa Cty sau 01 năm và lựa chọn đơn vị tư vấn sau 06 tháng kể từ khi có Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo là chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch như Quyết định số 926/QĐ-BVHTTDL ngày 31/3/2014 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa không thực hiện việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa, để Cty lựa chọn là chưa thực hiện đúng thủ tục theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo Luật Đấu thầu 2013 về chỉ định thầu được hướng dẫn thực hiện tại Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.

Đối với Cty thực hiện việc ký kết hợp đồng với 02 đơn vị tư vấn thì việc định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa chưa tuân thủ theo mẫu họp đồng được quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-BKHĐT ngày 09/3/2010.

Đối với việc quản lý sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai

Hãng phim truyện Việt Nam ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Cty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty, tổ chức chuyên nghiệp quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền quy định tại Điều 107, Điều 111 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 170, Điều 175 Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể, trong quá trình quản lý sử dụng 04 cơ sở nhà, đất, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai. Đến thời điểm kiểm tra vào 30/10/2017, Hãng phim truyện Việt Nam chưa thực hiện các thủ tục để ký tiếp họp đồng thuê đất đối với 02 cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội và số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh (riêng phần diện tích nhà Thủy phi cơ đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý).

Không chỉ vậy, Hãng phim truyện chậm nộp tiền thuê đất đến thời điểm 30/9/2017 với tổng số tiền: 21.770.793.508 VNĐ. Vào ngày 10/10/2017, Hãng phim truyện Việt Nam đã nộp số tiền thuê đất tại 03 cơ sở nhà, đất số tiền là 14.682.028.575 VNĐ.

Theo Kết luận Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm kiểm tra (30/10/2017), Cty được Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội thống nhất để tiếp tục sử dụng đối với 02 cơ sở nhà, đất mà Cty đang sử dụng gồm: số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Riêng đối với 02 cơ sở số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, Cty chưa có phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và chưa xử lý dứt điểm quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất của doanh nghiệp trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011 đã được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì Cty lựa chọn hình thức giao đất, thuê đất trả tiền hàng năm không phải tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.

Đối với việc xây dựng phương án sử dụng đất

Tại phương án cổ phần hóa và chuyển Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Cty CP Hãng phim truyện Việt Nam có xây dựng phương án sử dụng đất trong đó bao gồm toàn bộ diện tích 1.208m2 tại khu đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP Hồ Chí Minh và toàn bộ khu đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngày 30/12/2015, Bộ VHTT&DL ban hành Quyết định số 4654/QĐ- BVHTTDL phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Cty CP nhưng chưa phê duyệt phương án sử dụng đất. Phương án sử dụng đất được thực hiện sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, Bộ VHTT&DL đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành Cty CP trong khi chưa có Quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất. Đến thời điểm kiểm tra (30/10/2017), Hãng phim truyện Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý về sở hữu các cơ sở nhà, đất để làm căn cứ xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với việc quản lý tài sản, tiền vốn và hoạt động kinh doanh; việc xác định giá trị thương hiệu

Không chỉ vậy, việc quản lý, theo dõi, hạch toán công nợ phải thu, phải trả tại Cty còn chưa đúng quy định dẫn đến xảy ra một số vi phạm như: Quản lý và theo dõi khoản phải thu khác, đối tượng là Cục Điện Ảnh chưa đúng; theo dõi khoản trả trước cho Chi nhánh Cty CP Điện ảnh truyền hình (TP Hà Nội) chưa chính xác; việc hạch toán khoản vay nợ dài dạn của Cty CP Quảng cáo Sao thế giới là không đúng; số tiền lương trả thiếu cho người lao động và số tiền lương đã chi thanh toán cho người lao động không đi làm chưa được hạch toán; đơn vị không thực hiện việc thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý về phương pháp và thời gian trích khấu hao; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả, kết quả kinh doanh các năm đều lỗ liên tiếp. Đồng thời một số chi phí vượt so với chi phí được phê duyệt; hằng năm Cty chưa thường xuyên đối chiếu công nợ với khách hàng.

Việc xác định lại giá trị thương hiệu căn cứ vào giá trị lịch sử và bề dày truyền thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được Bộ VHTT&DL tổ chức thực hiện, tuy nhiên, chưa xác định được giá trị thương hiệu cụ thể của Hãng phim.

Việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược

Việc thực hiện thủ tục bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Cty cơ bản đã thực hiện theo quy định của Thông tư số196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011, tuy nhiên còn có hạn chế, sai sót như: Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về việc lựa chọn và phê duyệt tiêu chí nhà đầu tư chiến lược được quy định tại Khoản 1, Điều 13 Thông tư số 196/2011/TT-BTC.

Cty xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, không nêu cụ thể các điều kiện, làm hạn chế việc chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực liên quan đến việc sản xuất phim và văn hóa điện ảnh. Xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu càu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh.

Hơn thế, Cty CP Đầu tư và Phát triển phim truyện VN chưa thực hiện một số nội dung được đề ra trong Đại hội cổ đông lần thứ nhất. Nhà đầu tư chiến lược chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.

Việc lập danh sách, xây dựng phương án sử dụng lao động

Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim lập danh sách lao động của Cty còn đưa vào danh sách 06 trường hợp là lao động đã không thuộc danh sách đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc của Cty.

Ban Chỉ đạo đã trình và Bộ VHTT&DL phê duyệt Phương án cổ phần hóa, Phương án giải quyết lao động dôi dư cùng ngày với thời gian tổ chức Đại hội công nhân viên chức bất thường để lấy ý kiến đóng góp và thông qua phương án, chưa đủ 05 ngày theo quy định là vi phạm Khoản 10 Điều 3 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/10/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chỉ đạo:

Về công tác quản lý

Bộ VHTT&DL cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các qui trình, thủ tục theo qui định để cho nhà đầu tư chiến lược là Tổng Cty Vận tải Thủy – Cty CP xin rút vốn trước thời hạn.

Ngoài ra, Bộ VHTT&DL chủ trì làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định và các đơn vị có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục tiếp nhận và chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo đúng qui định của pháp luật.

Cần thành lập Hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam. Sau khi có kết quả, xác định lại giá trị doanh nghiệp và tỷ lệ cổ phần của mỗi cổ đông cho phù hợp, đảm bảo đúng luật định.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan, xử lý dứt điểm những vướng mắc về đất đai, hoàn thiện phương án sử dụng đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở phương án sử dụng đất được duyệt, xác định lại giá trị doanh nghiệp có tính đến yếu tố về lợi thế vị trí địa lý của các cơ sở nhà, đất theo đúng luật định.

Cần chú trọng chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất của các đơn vị thuộc Bộ. Chỉ đạo các đơn vị rà soát thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng nhà, đất. Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác cổ phần hóa tại Bộ giai đoạn 2013 -2017, chấn chỉnh những sai phạm nếu có.

Cty CP Đầu tư Phát triển phim truyện Việt Nam cần thực hiện rà soát, xử lý dứt điểm đối với 06 trường hợp là lao động phản ánh trong danh sách cổ phần hóa thuộc đối tượng nghỉ chế độ không hưởng lương và không tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc trong thời gian dài trước cổ phần hóa, hoàn thiện phương án sắp xếp lại lao động để cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Riêng đối với 02 cơ sở nhà đất là số 46 ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý và các nghĩa vụ tài chính để ký hợp đồng thuê đất, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

Cty Quản lý Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh thực hiện các thủ tục hành chính và nghĩa vụ về đất đai theo quy định của pháp luật đối với cơ sở nhà, đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Thực hiện xử lý dứt điểm các yêu cầu của Bộ Tài chính tại Văn bản số 2529/BTC-QLCS ngày 24/02/2016 và các yêu cầu của UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 2904/UBND-TNMT ngày 05/5/2015, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Cty cũng cần hoàn thiện phương án sử dụng đất (cụ thể các công trình đầu tư xây dựng trên đất) và có lộ trình thực hiện cụ thể việc đầu tư xây dựng đối với các cơ sở nhà, đất sau khi đã hoàn thành các thủ tục, hồ sơ pháp lý trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Đối với phương án hỗ trợ sản xuất kinh doanh, cần bổ sung thêm nội dung về mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, giải pháp sử dụng nguồn nhân lực nhất là đối với các nhà đạo diễn, quay phim, biên kịch... gạo cội trong làng điện ảnh.

Cty kiện toàn ngay bộ máy lãnh đạo của công ty; sắp xếp lại các phòng, ban, chi nhánh cho phù hợp; xây dựng các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế làm việc, quy chế sử dụng lao động... Thành lập hội đồng tư vấn nghệ thuật giúp Ban lãnh đạo trong quá trình hoạt động, quản lý điều hành đơn vị; sớm sắp xếp việc làm, ổn định đời sống CBCNV trong toàn Cty. Đặc biệt yêu cầu Ban chỉ đạo cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam khắc phục, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế nêu trên.

Xử lý về kinh tế

Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang Cty CP.

Bộ VHTT&DL yêu cầu lãnh đạo Cty kiểm tra, rà soát, xác định và thanh toán lương còn thiếu và thu hồi số tiền lương đã thanh toán cho những người lao động theo luật định.

Cty CP chuyển giao những tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng và tài sản chờ thanh lý cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Về xử lý hành chính

Bộ VHTT&DL tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân trước những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm như đã nêu.

Cụ thể là: Trưởng Ban và các thành viên có liên quan của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ VHTT&DL; Ban chỉ đạo và tổ giúp việc cổ phần hóa Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam theo từng thời kỳ; Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của Hãng phim truyện Việt Nam trong thời kỳ để xảy ra vi phạm; Công ty THHH MTV Hãng phim truyện VN; Những đơn vị tư vấn thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm.

Về cơ chế chính sách

UBND TP Hà Nội rà soát lại quy hoạch, kế hoạch về đất đai của thành phố, đối chiếu với phương án sử dụng đất của Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam để phê duyệt cho phù hợp; theo dõi, đôn đốc xử lý dứt điểm những vi phạm và căn cứ vào tính chất pháp lý của các hợp đồng thuê đất, lập hồ sơ xử lý thu hồi cơ sở nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội theo quy định của pháp luật.

Về phía UBND TP Hồ Chí Minh cần đối chiếu với quy hoạch, kế hoạch về đất đai của thành phố, căn cứ vào tính chất pháp lý của các hợp đồng thuê đất, theo dõi, đôn đốc xử lý dứt điểm những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai và lập hồ sơ xử lý thu hồi cơ sở nhà, đất tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh theo đúng luật định.

Ngoài ra UBND chỉ đạo Cty Quản lý Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh truy thu nộp ngân sách nhà nước số tiền thuê nhà đất tại số 6 đường Thái Văn Lung của các đơn vị: Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam và Cty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn theo Văn bản số 4301/QLKDN-KD ngày 04/8/2008 của Cty Quản lý kinh doanh nhà TP.

UBND TP Hà Nội và UBND TP Hồ Chí Minh đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý, kinh doanh nhà đất trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các đơn vị đang thuê nhà, đất hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý về đất đai theo quy định của pháp luật; thực hiện rà soát truy thu các khoản tiền thuê nhà, đất các đơn vị còn nợ đọng.

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load