Chủ nhật 05/05/2024 17:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hướng dẫn xử lý khẩn cấp sự cố đê điều

08:13 | 08/08/2023

(Xây dựng) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng đê điều và xử lý khẩn cấp sự cố đê điều.

Hướng dẫn xử lý khẩn cấp sự cố đê điều
Các sự cố đê điều cần phải xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn hệ thống đê là các sự cố phát sinh trước, trong và sau mùa lũ, bão hàng năm (ảnh: TL).

Nội dung xử lý khẩn cấp sự cố đê điều

Theo dự thảo, các sự cố đê điều cần phải xử lý khẩn cấp để đảm bảo an toàn hệ thống đê là các sự cố phát sinh trước, trong và sau mùa lũ, bão hàng năm gồm: Xử lý sạt trượt mái đê, mái kè; Xử lý nứt đê; Xử lý sập tổ mối trên đê; Xử lý sụt, lún đê; Xử lý đoạn bờ sông bị sạt trượt có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều; Xử lý rò rỉ, thấm, tổ mối và các khuyết tật khác của đê; Xử lý lỗ sủi, mạch sủi, bãi sủi, mạch đùn, bục đất, giếng phụt; Xử lý trường hợp nước lũ tràn qua đỉnh đê; Xử lý các sự cố hư hỏng cống qua đê; Hàn khẩu đê; Xử lý giếng giảm áp làm việc không bình thường: tắc giếng; nước từ trong giếng, khu vực cát thấm lọc có hiện tượng nước đục và kéo theo bùn cát thoát ra ngoài.

Xử lý khẩn cấp các sự cố đê điều từ nguồn ngân sách Trung ương

Dự thảo nêu rõ trình tự, thủ tục xử lý khẩn cấp sự cố đê điều gồm 5 bước như sau:

Bước 1: Ngay khi phát hiện sự cố đê điều, Hạt Quản lý đê kịp thời báo cáo về Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão, Chi cục Thủy lợi, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Chi cục) và tổ chức thường xuyên canh gác, theo dõi diễn biến sự cố.

Bước 2: Chi cục kiểm tra cụ thể vị trí xảy ra sự cố, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề xuất giải pháp xử lý.

Bước 3: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hồ sơ sự cố, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn khu vực sự cố và trình Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai kèm theo hồ sơ, gồm báo cáo tình hình sự cố, phương án xử lý (bản vẽ sơ bộ, khái toán).

Bước 4: Căn cứ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai kiểm tra thực địa và xem xét có ý kiến về chủ trương xử lý và nguồn kinh phí.

Bước 5: Sau khi có ý kiến của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về chủ trương xử lý và nguồn kinh phí xử lý đột xuất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục tổ chức lập bản vẽ và dự toán chi tiết trình Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thẩm định và phê duyệt phương án (thiết kế bản vẽ thi công, dự toán).

Dự thảo nêu rõ, việc xử lý khẩn cấp sự cố đê điều được tổ chức thực hiện theo quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Điều 13 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và các quy định liên quan của pháp luật về xây dựng và đấu thầu; được giao hoặc áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu.

Trường hợp phát hiện sự cố đê trong khi đang có bão, lũ phải sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn hệ thống đê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai các biện pháp ứng cứu kịp thời, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai xét duyệt. Hồ sơ thanh, quyết toán phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Ngọc Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load