Thứ bảy 27/07/2024 18:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện

21:50 | 05/06/2024

(Xây dựng) - Sáng 5/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba, thuộc lĩnh vực kiểm toán. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn chịu trách nhiệm trả lời chính.

Hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện
Phiên họp chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán sáng 5/6. (Ảnh: Quốc hội)

Đối tượng kiểm toán Nhà nước là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đối tượng kiểm toán là việc quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật. Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, với 12 nhóm đơn vị liên quan.

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động, cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, phục vụ tốt cho Quốc hội thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đồng thời phục vụ cho Quốc hội trong công tác điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công.

Về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định được tầm quan trọng thông qua việc kiểm toán, phát hiện kịp thời những sai phạm, từ đó có kiến nghị tăng thu giảm chi, góp phần giảm thất thoát tài chính công, tài sản công, đồng thời đưa ra những kiến nghị điều chỉnh kịp thời với chính sách, pháp luật, chống thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán không tránh khỏi những hạn chế, tồn tại…

Trả lời chất vấn của đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long về các sai phạm trong hoạt động đấu thầu, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định, đối với những sai sót trong đấu thầu thời gian qua, các đơn vị không có vốn Nhà nước, nên không phải là đơn vị được kiểm toán Nhà nước. Những đơn vị này chỉ liên quan đến tài chính công, tài sản công với tư cách nhà thầu, do vậy hoạt động của đơn vị kiểm toán chỉ kiểm toán ở đơn vị chủ đầu tư và Ban quản lý dự án.

Trong quá trình kiểm toán đều thực hiện cả 3 nội dung: Đánh giá, xác nhận tính đúng đắn trung thực; Đánh giá sự tuân thủ pháp luật trong đấu thầu, đầu tư xây dựng; Xác nhận tính hiệu quả tài chính công, tài sản công… Trong quá trình kiểm toán đã chỉ ra các sai sót và có kiến nghị xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện
Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán liên quan đến tài chính công, tài sản công. (Ảnh: Internet)

Ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của kiểm toán cao hơn

Trả lời chất vấn đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang về nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của kiểm toán trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết, hiện nay việc thực hiện kết luận của kiểm toán được các cơ quan quan tâm. Đặc biệt, sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành, tiết kiệm chống lãng phí, tiến độ và ý thức chấp hành trong thực hiện kết luận của kiểm toán cao hơn.

Tuy nhiên, theo thống kê vẫn còn hơn 67.000 tỷ đồng liên quan đến kết luận kiểm toán chưa được thực hiện, trong đó nguyên nhân từ đơn vị được kiểm toán chiếm 59,46%. Tổng Kiểm toán Nhà nước đã nêu các giải pháp kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận của kiểm toán…

Trả lời câu hỏi chất vấn về quy tình kiểm toán các dự án, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, thông thường để tiến hành kiểm toán các dự án đầu tư có sử dụng vốn tài chính công, Kiểm toán Nhà nước tuân thủ các luật pháp liên quan từ khâu chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức triển khai.

Ở khâu chuẩn bị dự án, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế dự án đúng quy hoạch, đúng chủ trương, đúng chiến lược hay không, tiêu chuẩn định mức có đúng, phù hợp không, bố trí vốn kế hoạch có đúng không? Lựa chọn nhà thầu, quy trình, thủ tục đấu thầu, ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu có đúng với hồ sơ thầu đã kêu gọi hay không? Có sai phạm gì, triển khai thực hiện, ứng vốn, thu hồi vốn, kiểm soát tiến độ, thanh quyết toán?…

Với mỗi dự án có sai phạm khác nhau, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra kiến nghị, có kiến nghị xử lý tài chính vì không có trong thanh toán, các khoản chi không phù hợp và đề nghị kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan…

Kiểm toán Nhà nước có những chuẩn mực về công vụ

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre về việc chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó có kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.

Cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc và nâng cao nâng chất lượng các báo cáo kiểm toán để cho những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.

Liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định: Kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức chuẩn mực. Trong Điều 8 của Luật Kiểm toán cũng đã ghi rất rõ những hành vi không được làm, bị nghiêm cấm đối với Kiểm toán Nhà nước, Kiểm toán viên Nhà nước.

Nhất mạnh “trong hoạt động của mình, kiểm toán có những chuẩn mực về công vụ”, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ. Đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.

Linh Đan – Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load