Thứ sáu 27/12/2024 07:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử

15:52 | 05/06/2024

(Xây dựng) – Sáng 5/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương. Kết thúc nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm…

Hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương. (Ảnh: Quốc hội)

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Công Thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Công Thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi và trách nhiệm cao.

Phiên chất vấn đã có 107 đại biểu đăng ký phát biểu và đã nhận được 40 lượt ý kiến phát biểu (trong đó có 34 ý kiến chất vấn, 06 ý kiến tranh luận). Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời cơ bản đầy đủ các vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu. Tham gia trả lời, giải trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, hoạt động của ngành Công Thương có nhiều đổi mới, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh; chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử; nhiều vụ việc nổi cộm về bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội đã được phát hiện, xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, việc khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao. Công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hoạt động thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp. Kim ngạch xuất khẩu chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định FTA chưa như kỳ vọng.

Tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí còn hạn chế.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các Bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm.

Hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử
Phiên họp Quốc hội ngày 5/6. (Ảnh: Quốc hội)

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng. Nghiên cứu bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử…

Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện hiệp định thương mại tự do FTA tại các địa phương…

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ôtô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày.

Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTA đã ký kết. Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước…

Đan Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load