Thứ tư 05/02/2025 11:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

"Hồi sinh" phố cổ Bao Vinh

10:57 | 29/12/2024

Các khu phố cổ ở vùng đất cố đô là yếu tố quan trọng kết nối các giai đoạn hình thành đô thị Huế. Một trong những khu phố cổ nổi tiếng ở thành phố Huế với sự sầm uất cùng những công trình kiến trúc cổ kính nằm ở hạ nguồn sông Hương là phố cổ Bao Vinh.

Phố cổ Bao Vinh hiện đang xuống cấp, cần được đầu tư đồng bộ về hạ tầng để phát huy giá trị di sản về một đô thị cổ.

Trải qua hàng trăm năm chịu tác động từ thời tiết, thiên tai, những ngôi nhà cổ cùng những công trình kiến trúc đô thị tại đây đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sự hỗ trợ để khôi phục, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa Huế.

Bao Vinh từng nổi tiếng với những ngôi nhà rường cổ, những công trình kiến trúc cùng nhiều ngành nghề thủ công truyền thống có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn liền với đô thị di sản văn hóa Huế.

Cùng với đề án hỗ trợ tu bổ, chống xuống cấp để trả lại nguyên bản các nhà rường cổ, thành phố Huế đang tiến hành khảo sát, lập kế hoạch bảo tồn phố cổ, góp phần chỉnh trang đô thị hướng tới phát triển du lịch-dịch vụ ở phố cổ Bao Vinh.

Bảo tồn phố cổ

Phố cổ Bao Vinh nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 km về phía đông bắc ngoài Kinh thành Huế, nơi gắn liền với khu cảng Thanh Hà, khu cảng sầm uất của xứ Ðàng trong kéo dài từ thế kỷ 17 đến 19. Có rất nhiều thương nhân từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ và kể cả các nước châu Âu về đây để trao đổi, buôn bán hàng hóa.

Ðây cũng là thương cảng của Kinh thành Phú Xuân vào giai đoạn đầu của triều đại nhà Nguyễn. Ðược xem là di tích văn hóa có giá trị của Huế, phố cổ Bao Vinh hiện còn 21 ngôi nhà cổ và 6 nhà lục giác.

Qua thời gian và không được trùng tu, nâng cấp, đa số các ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng cần được trùng tu tôn tạo. Ngoài ra, khu vực phía bờ sông Hương có 49 nhà.

Sau hơn 20 năm chờ đợi, đầu tháng 11/2024 ngôi nhà rường cổ đầu tiên trong số 21 nhà tại phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, thành phố Huế) được khởi công tu bổ, chống xuống cấp nhằm trả lại nguyên bản hệ thống nhà rường cổ ở Huế.

Chủ nhân của ngôi nhà rường này bà Phan Thị Diệu Liên (số 77B Bao Vinh) phấn khởi: "Từ nhiều năm qua vợ chồng tôi luôn chờ đợi Nhà nước hỗ trợ trùng tu nhà. Kinh phí để thực hiện sửa chữa ngôi nhà quá lớn, gia đình không thể tự đầu tư. Giờ giấc mơ đó đã thành sự thật, nên chúng tôi rất mừng".

Ðây là ngôi nhà rường đầu tiên tại phố cổ Bao Vinh nằm trong danh mục nhà rường cổ tham gia Ðề án "Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế", được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tu bổ, chống xuống cấp giai đoạn 2023-2026 và được phân loại nhà rường cổ loại 1.

Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc 2 tầng 2 gian thu hồi bít đốc, phía trước tầng 1 có hiên. Trải qua hơn 100 năm, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống khung gỗ, xương đà, mái ngói bị mối mục, hư hỏng nặng.

Thực hiện đề án hỗ trợ trùng tu và phát huy giá trị nhà vườn, nhà rường cổ, thành phố Huế đã quyết định hỗ trợ một tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp nhà rường cổ.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Huế, Phó Trưởng ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế, ông Nguyễn Ích Huấn cho biết, hệ thống nhà rường cổ Bao Vinh trong thời gian dài không được trùng tu, sửa chữa dẫn đến tình trạng xuống cấp trầm trọng, một số nhà có nguy cơ sụp đổ, cá biệt có trường hợp vì không có khả năng trùng tu cho nên đã chuyển nhượng, số thì phá dỡ hoàn toàn để xây mới theo lối hiện đại... Vì vậy, việc đầu tư, tu bổ chống xuống cấp nhà rường là việc làm cần thiết nhằm gìn giữ, bảo vệ những giá trị đặc trưng của nhà rường cổ Bao Vinh, phát huy hiệu quả khai thác kinh tế tại phố cổ Bao Vinh; đồng thời tạo sự đồng thuận, hình thành ý thức tự nguyện tham gia đề án của các chủ nhà rường, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế.

Theo Ủy ban nhân dân phường Hương Vinh, dãy nhà ở phố Bao Vinh dọc bờ bắc sông Hương xây dựng từ hàng chục năm nay. Phần lớn nhà dân đều hướng mặt ra Tỉnh lộ 4, mặt tiền nhà mặc dù chưa được đầu tư nâng cấp, song được người dân chăm chút, chỉnh trang. Ðể tạo điểm nhấn cho phố cổ, thời gian qua, nhóm "Huế-Du lịch kết nối" (Hue Tourism Connect-HTC) đã đưa ra ý tưởng phủ một màu sơn mới cho mặt sau các căn nhà dọc theo bờ sông Hương vốn trước đây khá nhếch nhác và lộn xộn, tạo nên góc nhìn mới lạ khi đi thuyền trên sông Hương mang đến ấn tượng đẹp về phố cổ Bao Vinh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Hương Vinh Tạ Dương Anh Tuấn cho biết: "Ðể trùng tu bảo tồn phố cổ Bao Vinh, trước mắt cần di dời dãy nhà ở khu vực bờ sông với 48 hộ/49 nhà, sau đó lập quy chế quản lý khu vực bảo tồn trên diện tích 8 ha để định hướng đầu tư, phát triển các dịch vụ du lịch, đồng thời lập đề án bảo tồn trùng tu phố cổ chi tiết để định hướng cho quá trình trùng tu lâu dài".

Giữ gìn làng nghề truyền thống

Bao Vinh từng nổi tiếng với nhiều nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nghề đã thất truyền, một số nghề đang duy trì hoạt động sản xuất nhưng cũng chỉ cầm chừng.

Khảo sát cho thấy, trước những năm 1980, nghề khảm xà cừ, nghề làm tượng ông Táo có đến gần 20 hộ làm nghề này thì nay chỉ còn 5 hộ; nghề rèn có 40 hộ thì nay còn 28 hộ; nghề làm bài tới, có 40 hộ với 100 lao động thì nay chỉ còn 1 hộ duy nhất giữ nghề và nghệ nhân lành nghề duy nhất cũng đã bước sang tuổi 70.

Mới đây, ngày 26/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định công nhận nghề rèn Bao Vinh (phường Hương Vinh, thành phố Huế) là Nghề truyền thống của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghề rèn ở phố cổ Bao Vinh có nguồn gốc từ làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Ðiền, Thừa Thiên Huế) vốn nổi tiếng với nghề rèn, nghề sắt truyền thống. Khoảng 100 năm trước, người dân di cư vào phố cổ Bao Vinh hình thành nên xóm chuyên rèn sản xuất các vật dụng, dụng cụ phục vụ đời sống.

Tại đây, các cơ sở gia công và chế tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, bao gồm: Dụng cụ nông nghiệp (lưỡi cày, cuốc, xẻng, búa, liềm), dụng cụ bếp núc (dao, kéo, nồi, chảo), đồ vật trang trí và mỹ nghệ (cổng, cửa, hàng rào)...

Nghề rèn ở Bao Vinh hiện có 28 hộ làm rèn với 42 nhân khẩu giữ nghề. Ông Trương Tý (56 tuổi), một chủ cơ sở rèn tại phố cổ Bao Vinh cho biết, cơ sở rèn của ông sản xuất được rất nhiều sản phẩm, kể đến cũng mấy chục loại khác nhau. Hiện cơ sở có 7 công nhân, làm việc quanh năm, kể cả thời điểm mưa lũ cũng tranh thủ làm để phục vụ thị trường.

Thợ rèn làm việc để tạo ra sản phẩm thủ công. Trải qua trăm năm, nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn ngày càng giảm, một số người dân đã chuyển sang làm nghề khác. Ðể duy trì và phát triển nghề rèn Bao Vinh trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tập trung hỗ trợ, khôi phục và phát triển nghề rèn truyền thống tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ðồng thời, vận động các hộ dân làm nghề tiếp tục phát triển nghề rèn truyền thống vốn có tại địa phương; đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến nâng cao năng lực, quy mô sản xuất song vẫn duy trì cách thức làm truyền thống.

Một thực tế, việc tổ chức các lớp truyền nghề nhằm đào tạo đội ngũ kế cận hiện chủ yếu mang tính tự phát, tự thân của người lao động có nhu cầu theo nghề. Bà Ngô Thị Tuyết (ở xã Hương Vinh) đã ngoài 70 tuổi nhưng có đến gần 60 tuổi nghề làm bài tới.

Bà cho biết: "Làm bài tới là nghề gia truyền, từ đời ông nội tôi, nghề này đã thịnh hành. Ông nội truyền lại nghề cho cả tám đứa con, rồi các con lại truyền nghề cho cháu, nhưng giờ chỉ còn mình tôi theo nghề. Con cái của bà khi rảnh rỗi có thể giúp mẹ, nhưng không ai muốn nối nghiệp vì thu nhập thấp".

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Huế cho biết, định hướng bảo tồn và phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch là hướng đi đúng và cần thiết trong bối cảnh thúc đẩy phát triển du lịch ở phố cổ Bao Vinh. Việc hồi sinh nghề thủ công cần theo hướng bảo tồn thích ứng và bảo tồn phát triển để phù hợp với điều kiện mới.

Phát triển các sản phẩm mới dựa trên sản phẩm thủ công sẵn có, hướng đến các sản phẩm lưu niệm, các sản phẩm từ quá trình nghệ thuật hóa các sản phẩm dân dụng. Tuy nhiên, phải giữ được những thông điệp di sản có tính đại diện cho địa phương.

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, ngoài quy hoạch xây dựng, bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh cần hướng đến việc trùng tu, phục hồi những giá trị nhà rường cổ ở Bao Vinh và các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử ở khu phố này.

Bên cạnh bảo tồn các công trình kiến trúc phải gắn liền với bảo tồn, phát huy các nghề thủ công truyền thống đặc trưng của Bao Vinh. Về lâu dài, cần khởi động lại dự án quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh, trong đó, chú trọng việc bảo tồn kết hợp với du lịch, thu hút du khách cũng như khai thác những tuyến du lịch bằng đường sông, đường biển đến và đi từ Thanh Hà-Bao Vinh.

Theo Bài và ảnh: Nguyễn Công Hậu/Nhandan.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Lộng lẫy một vẻ đẹp Đông - Tây

    Tại Lễ hội Thiết sáng tạo Hà Nội năm 2024, một trong những không gian sáng tạo gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng là tòa nhà Đại học Tổng hợp tại 19 Lê Thánh Tông (nay là Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) với những sắp đặt độc đáo có ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc Đông Dương.

    10:29 | 03/02/2025
  • Nghệ An: Kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

    (Xây dựng) - Sáng 02/02 (ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

    21:56 | 02/02/2025
  • Thanh Hóa: Người dân nô nức đi đền Độc Cước cầu may đầu năm

    (Xây dựng) - Những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đến dâng hương, thưởng ngoạn tại đền Độc Cước thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa mong một năm mới mưa thuận gió hòa.

    18:08 | 02/02/2025
  • Tết quê miệt sông Hậu

    (Xây dựng) - Xa quê lâu rồi nhưng mỗi bận Xuân về, Tết đến, lại bâng khuâng nhớ Tết thời thơ ấu. Ngày đó, mong Tết đến để được mặc áo mới, quây quần cùng gia đình bên bữa cơm chiều Ba mươi và mùng 1 Tết, được đi xem múa lân, xem vô tuyến…

    11:18 | 02/02/2025
  • Giai điệu mùa Xuân

    (Xây dựng) - Mùa Xuân ôm trọn lấy thiên nhiên và đất trời. Vạn vật sau một giấc ngủ đông dài được đánh thức bởi những âm thanh của sự sống tươi non.

    11:00 | 02/02/2025
  • Đặc sắc chợ phiên San Thàng

    (Xây dựng) - “Về Lai Châu đi anh, về cùng em, ta đi chợ phiên”! Lời bài hát là lời mời chân tình du khách đến vùng đất phên dậu của Tổ quốc Lai Châu, nhất định phải đi chợ phiên. Lai Châu có nhiều chợ phiên nhưng San Thàng là chợ phiên đặc sắc, mang đậm văn hóa Tây Bắc.

    09:33 | 02/02/2025
  • Hưng Hà (Thái Bình): Trước ngày khai hội kỷ niệm 800 năm sáng lập Vương triều Trần

    (Xây dựng) - Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 10/2-14/2 (tức ngày 13-17 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đặc biệt năm nay kỷ niệm 800 năm Ngày sáng lập Vương triều Trần (1225-2025).

    21:41 | 01/02/2025
  • Vĩnh Phúc: Độc đáo Lễ hội trâu rơm bò rạ – nét đặc trưng của cư dân lúa nước

    (Xây dựng) – Lễ hội trâu rơm, bò rạ (hay còn gọi là Lễ hội Trình nghề) ở xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường được tổ chức vào sáng 1/2 (mùng 4 Tết). Đây là lễ hội độc đáo, mang đặc trưng văn hóa lúa nước của người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng.

    16:13 | 01/02/2025
  • Đại Từ - địa điểm thành lập cơ sở Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên

    (Xây dựng) – Tỉnh ủy Thái Nguyên vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/02/1930 – 3/02/2025) tại xóm Lau Sau, xã La Bằng, huyện Đại Từ. Đây là địa chỉ có ý nghĩa quan trọng, nơi thành lập cơ sở Đảng cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên cách đây 89 năm.

    21:28 | 31/01/2025
  • Tết khó quên trong ngôi nhà có 120 cây cột nổi tiếng ở Long An

    Nhà cổ trăm cột sở hữu nét đẹp kiến trúc hiếm gặp ở Long An được trang trí, chạm trổ suốt 3 năm từng là nơi đón Tết náo nhiệt, đông vui của gia đình giàu có bậc nhất làng Long Hựu xưa.

    08:25 | 31/01/2025
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load