(Xây dựng) - Xây dựng đô thị thông minh, đô thị 4.0 không chỉ nói hay “phán” giỏi mà không hiểu đến tận “gan ruột” thế nào là đô thị thông minh, là công nghiệp 4.0, sẽ tác động thế nào đến đời sống kinh tế - xã hội? Đô thị thông minh có lẽ phải bắt đầu từ chuyện phát ngôn!
1. Lãnh đạo các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang… đi ra nước ngoài hàng năm để học hỏi kinh nghiệm, để tìm đối tác vẫy gọi đầu tư không hề ít. Bạc tiền ngân sách “ném ra” cho những chuyến “cưỡi máy bay” vi vút trên trời xanh để “học” lấy cái khôn, “sàng” lấy cái khôn từ thiên hạ cũng đâu có ít. Nhưng đi học về chỉ để so sánh cho những ý tưởng tăng giá cái này, tăng giá cái kia, vì giá của ta chưa bằng của họ. Thấy các nước làm nước sạch, cũng về nói to hô lớn người dân Thủ đô sẽ được uống nước sạch tại vòi! Nhưng nước sạch uống tại vòi chưa thấy đâu, thì đã ồn ã vụ Nhà máy nước Sông Đuống với việc Hà Nội phải bỏ ra gần 200 tỷ bù giá nước cho DN này. Dư luận người Hà Nội “sôi lên” với giá nước của Nhà máy nước sông Đuống chưa nghiệm thu đã tung ra cái giá bán trên trời. Sự việc xì ra, thì ông Chủ tịch Hà Nội lên tiếng như “đóng đinh” hùng hồn bác bỏ: Không có chuyện Hà Nội bỏ ra 200 tỷ như dư luận! Trớ trêu sau đó thì ông Phó chủ tịch Hà Nội lại lên tiếng: Không có cái chuyện “bác” ấy? Rồi trước HĐND TP Hà Nội vừa họp, ông Chủ tịch Hà Nội lại lên tiếng phê bình cả Giám đốc Sở Tài chính phát ngôn sai lầm về giá nước người dân phải è vai gánh tới 20% vì dự án nước Sông Đuống vay vốn ngân hàng lớn, phải trả lãi vay để dân hiểu lầm!
Từ lãnh đạo cao nhất cho đến lãnh đạo sở của Hà Nội cứ ông nói gà ông nói vịt thế này, thì người dân tin vào ai, nhìn vào ai?
Mới đây Hà Nội lại ồn ã dư luận về dự án thí nghiệm tẩy rửa sông Tô Lịch, của Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JEBO, JVE) được các chuyên gia Nhật thực hiện, theo ông Giám đốc Sở Xây dựng thông báo là: Hoàn toàn thất bại! Nhưng sau thông tin này tung ra, thì phía Nhật phản bác lại là, mọi mục tiêu đều đạt!
Chả biết thông tin của ông Giám đốc Sở Xây dựng hay của phía đối tác Nhật là đúng hay sai? Nhưng trong tiếp xúc cử tri, ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tỏ ra nghi ngờ kết quả làm sạch nước sông Tô Lịch và cho rằng đối tác Nhật không xin ý kiến UBND Thành phố, mà chỉ thông qua Công ty Thoát nước Hà Nội rồi tự ý làm như kiểu “làm chui” (!?). Phát ngôn này của Chủ tịch Hà Nội ngay lập tức đã bị phía đối tác Nhật phản hồi. Họ bảo họ buồn trước phát ngôn của Chủ tịch Hà Nội và “trưng ra” cả văn bản của UBND Thành phố với dấu đỏ “Thành phố đồng ý thực hiện…”. Mới thấy, khi đã là chính khách, khi đã là lãnh đạo, thì phát ngôn trước sau không thể bất nhất được. Càng thấy khi nói với dân, nói trước dư luận càng phải cần trung thực không thể vòng vo uốn éo, nói thế nào bắt dân phải nghe thế.
Đằng này, đường đường một Chủ tịch thành phố lớn - thành phố ấy lại là Thủ đô một quốc gia cả trăm triệu dân có vị thế, có quan hệ với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ mà nắm vấn đề không chặt, mà phát ngôn với đối tác nước ngoài không chuẩn để họ phản ứng lại như thế, không thể coi là việc nhỏ! Liệu rằng sau vụ việc này “tóe loe” ra, thì rút kinh nghiệm, hay rút kinh nghiệm sâu sắc, hay cuối cùng cũng chỉ “xin nhận lỗi” rồi cũng cho qua?
Cần hiểu sông Tô Lịch ô nhiễm kinh khủng bao năm nay đều từ nước thải dân sinh tứ bề thi nhau xả xuống, nên dòng sông không còn giữ được cái trong trẻo nữa! Xử lý ô nhiễm nước thải đô thị cần một tầm nhìn xa dài, cách làm tổng thể và khoa học. Hàng loạt tiếng nói của người dân và các nhà khoa học đều có lý cả đó. Nhưng trên các diễn đàn, chính Hà Nội đã ca ngợi giải pháp này là ưu thế, là khoa học tuyệt vời. Mọi việc còn đang chờ kiểm nghiệm kết quả từ các cơ quan chức năng, các nhà khoa học. Nhưng lạ thay, sau đó chính Chủ tịch Hà Nội lại nghi ngờ và “tung ra” lời phản bác cho rằng đối tác không xin phép Thành phố, “qua mặt” thành phố! Từ phát ngôn này của người đứng đầu chính quyền Hà Nội càng làm cho vụ việc thêm nóng. Vậy nói đối tác không xin phép Thành phố có đúng không? Không xin phép, mà họ “trưng ra” công văn 142 ký ngày 09/5/2019 của UBND TP Hà Nội nói rõ Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đã đồng ý kia. Vậy thì đối tác đâu phải làm chui! Chả lẽ việc này ông Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng lại không báo cáo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung? Nhưng rành rành giấy trắng mực đen công văn bên dưới ghi rõ gửi cả Chủ tịch, chả lẽ ông Chủ tịch Hà Nội bận nhiều việc quá nên ông không ngó mắt đọc chăng?
Vậy việc xử lý của đối tác mà ông Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói thất bại, nhưng đối tác vẫn khẳng định thành công, thì câu trả lời đúng sai ở đâu? Rõ ràng chỉ một việc mà ảnh hưởng rất xấu đến dư luận rất cần phải mổ xẻ, và quy rõ trách nhiệm cá nhân cả trong chỉ đạo và phát ngôn!
2. Lắng nghe, nhưng phải biết nghe! Phát ngôn phải chuẩn chỉ trung thực, chứ không thể biện minh đổ lỗi. Càng không thể phát ngôn mà cứ như “đá ngược” lại những phát ngôn của chính mình. Đặc biệt trong quan hệ với các đối tác nước ngoài, càng phải có cái “văn hóa” hội nhập hài hòa và văn minh. Ta nói bạn nghe, bạn nói ta nghe, trên cơ sở vì tiếng nói chung, vì lợi ích chung, nhưng trên hết đều phải tuân thủ phong tục, pháp luật, kỷ cương riêng của mỗi quốc gia!
Phát ngôn! Đã đến lúc cần chấn chỉnh lại không thể cứ “uy quyền quyền uy” rồi phán thế nào cũng được. “Công bộc” giữ trọng trách càng cao càng phải nói năng phát ngôn chuẩn mực. Nói thẳng và làm ngay, đó chính là tự soi! Nói chuẩn làm đúng, làm đến cùng, làm đến nơi đến chốn với trách nhiệm cá nhân, đó chính là tự nêu gương!
Câu chuyện phát ngôn không chỉ nhìn ở Hà Nội mà dư luận còn thấy xao xác buồn lòng với cả một số tư lệnh bộ ngành cũng nói rất hay, nhưng làm chưa hay, thậm chí còn có cả nói xuôi nhưng làm thì ngược. Có hay giải ngân đầu tư công quá chậm, Thủ tướng Chính phủ phê bình đích danh Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nhưng ông bộ trưởng này vẫn cố giải thích do thể chế, đổ cho khách quan, đá quả bóng trách nhiệm sang các bộ ngành và các tỉnh thành chưa chung tay, năng động? Có hay bao nổi cộm về giải ngân chậm, thi công ỳ ạch, về chất lượng các công trình giao thông, về thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc xin lùi thời gian, mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vẫn như nói lấy được, toàn đổ cả lỗi cho khách quan, mà không dũng cảm nhìn ra những yếu kém trong điều hành. Có hay tư lệnh ngành Nông nghiệp bao việc lộ ra non tầm, như tàu 67 khen nức nở giờ “vỡ trận”, như ông Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vung tay hùng hồn tuyên bố quyết tâm chặn dịch lợn châu Phi thì dịch vẫn lan ra cả nước hơn 5 triệu con lợn tiêu hủy, nói không lo thiếu thịt lợn, thì giờ tóe loe thiếu tới vài trăm ngàn tấn(?). Rồi cả nói rất to về chuỗi sản xuất này, tích tụ đất đai thế kia, kịch bản này kế sách kia cho ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng cũng đã đâu vào đâu?
3. Dư luận người dân giờ không chỉ nhìn vào cách phát ngôn của các “công bộc” mà nhìn thẳng vào việc làm. Khi vụ xử lý cắt ngọn tòa nhà 8B Lê Trực “vắt” qua hai nhiệm kỳ còn chềnh ềnh ra kia, thì TP.HCM lại “lòi ra” vụ tới 110 biệt thự ”xây chui” ở quận 7 nghe quá giật mình! Giật mình hơn là phát ngôn nghe rất lạ tai của ông Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Thành phố phát hiện ra sai phạm. Nhưng 110 biệt thự này mới xây xong phần thô. Tiếp theo sẽ xử lý thế nào để không làm tổn hại của cải xã hội…
Lại phạt rồi cho tồn tại chăng? Nếu cứ đà này, cứ chỉ đạo nương nhẹ kiểu này, thì kỷ cương phép nước ở đâu? Càng thấy trật tự xây dựng ở TP.HCM đang rất loạn. Chia lô cắt thửa bán nền ở Hóc Môn, Bình Chánh rất nhốn nháo. Xây không phép, sai phép ồn ã ở Thủ Đức, dư luận chỉ thẳng: Quan chức sai, sao nói được dân? Có hay, hai bên sông Sài Gòn quy hoạch bị băm nát, Làng đại học Thủ Đức đủ chuyện lấn chiếm đất công, và hơn hết là chuyện khu đô thị Thủ Thiêm còn ngổn ngang kia… Bao nổi cộm ấy, người dân kêu loạn trời, chả lẽ ông Chủ tịch TP.HCM lại không hay? Cứ phát ngôn “nửa nạc nửa mỡ”, cứ chỉ đạo kiểu “du di” thế này, thì thành phố đông dân nhất nước này đi về đâu? Đô thị thông minh, đô thị 4.0 mà lãnh đạo lại tâm thế “à ơi” thiếu kiên quyết mạch lạc như chạy theo đuổi theo sự vụ thế, liệu có nên?
Phát ngôn chuẩn, hành động ngay, đó mới là việc Đảng cần, người dân mong. Còn cứ nói lấy được, phát ngôn chấn động, phát ngôn quá đà đến mức phải đứng lên nhận lỗi vì phát ngôn không chuẩn, không đúng, sao xứng là “công bộc”, xứng chính khách xứng tầm?
Đã đến lúc đừng cho việc tư lệnh bộ nọ người đứng đầu tỉnh thành kia phát ngôn không chuẩn, “tung ra” những lời hứa mà không làm là chuyện nhỏ!
Đỗ Quang Đán
Theo