Thứ bảy 27/04/2024 17:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Hóa đơn tiền điện tăng vọt và trách nhiệm giải trình

14:50 | 07/03/2024

Mấy hôm nay, báo chí và mạng xã hội ồn ào về hoá đơn tiền điện tháng 2 tăng vọt lên bất thường ở Hà Nội.

Ngay cả những người hàng xóm và bạn bè của tôi làm ở các bộ, ngành cũng nghi ngờ, vì sao tiền điện lại tăng vọt lên như thế, vì sao lại thay đổi kỳ ghi số, liệu có điều gì mờ ám phía sau hay không?

Là người theo dõi ngành lâu năm, tôi sẽ cố diễn giải những điểm nêu trên sau khi tìm hiểu khá cặn kẽ vấn đề này.

Có một số lý do chính làm hóa đơn tiền điện tăng cao. Thứ nhất, nhà đèn đã chuyển kỳ ghi số điện vào ngày cuối tháng để phù hợp với sổ sách kế toán của các doanh nghiệp là theo tháng. Thứ hai, thu tiền cùng lúc với hàng chục triệu hộ tiêu thụ vì tất cả đã là công tơ điện tử, tự động truyền dữ liệu thay vì chờ công nhân đi ghi số như thời còn công tơ cơ.

Lý do chính, quan trọng nhất, là kỳ tính tiền điện này kéo dài tới 57 ngày, tức là gần 2 tháng thông thường. Trong thời gian đó, thời tiết lạnh, mù, ẩm kể từ tháng 1/2 trở lại đây và kỳ nghỉ Tết dài cũng góp phần làm cho việc tiêu dùng điện tăng cao vì thông thường, người tiêu dùng dùng máy sấy, máy hút ẩm, điều hoà, bình nóng lạnh, máy sưởi, và ở nhà dài hơn so với khi đi làm. Tôi nghĩ là mọi người sẽ nhớ lại thời tiết rét căm căm những ngày trước Tết và cuối tháng 2 thế nào.

Cuối tháng 10 năm ngoái, EVN Hà Nội đã tổ chức họp báo, giải thích về việc thay đổi ngày ghi chỉ số công tơ sang cuối tháng, nhưng sau đấy họ lại tạm dừng vì e sẽ trùng với việc tăng giá điện vào tháng 11/2023.

Trong khi khu vực Hà Nội dừng việc thay đổi ghi hóa đơn, thì các khu vực khác như TP.HCM và 27 tỉnh phía Bắc đã làm xong từ trước đó. Tất nhiên, các tỉnh cũng gặp phàn nàn từ khách hàng, nhưng không quá ồn ào như ở Thủ đô.

Tôi cho rằng, EVN Hà Nội cần xem lại cách truyền thông, cách thông tin đối với người tiêu dùng. Lẽ ra, họ cần truyền thông, thông tin tốt hơn, chi tiết hơn về việc điều chỉnh thời gian ghi hóa đơn bởi cứ dính đến điện là dính đến ví của khách hàng, là tạo sự không hài lòng. Đằng này, đến sát ngày chốt số điện họ mới phát đi vài thông tin thì làm sao khách hàng tiếp cận được, huống hồ là thấu hiểu.

Tôi nhìn hóa đơn tăng cao mà cũng không hài lòng với cách truyền thông như thế!

Hơn nữa, ngôn ngữ trong thông cáo của EVN Hà Nội quá nặng về chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí quá cứng nhắc như “theo đúng quy định nhà nước” thì làm sao khách hàng, người dân chia sẻ được.

Lẽ ra, họ chỉ cần nêu thông điệp chính là điều chỉnh ngày ghi chỉ số, số ngày dùng điện tăng lên, số điện tăng lên nhưng đơn giá mà khách hàng phải trả không tăng và truyền thông tốt hơn nữa, thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ hiểu và chia sẻ với nhà đèn.

Nhìn bảng biểu của EVN Hà Nội như dưới đây thì thấy họ quá tắc trách vì dân làm sao hiểu được những cột, những số phức tạp, dài loằng ngoằng như thế.

Hóa đơn tiền điện tăng vọt và trách nhiệm giải trình
Người tiêu dùng sẽ rất khó hiểu khi đọc hàng loạt những số liệu phức tạp như thế này.

Cho nên, dư luận ồn ào, phản đối là có lý do, và không thể trách móc, đổ lỗi cho người dân, khách hàng được.

Nhìn rộng ra, không chỉ có EVN Hà Nội thiếu công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thực tế này diễn ra ở trong ngành điện. Là người theo dõi ngành điện nhiều năm, tôi rất hy vọng ngành điện minh bạch và công khai dữ liệu nhiều hơn nữa.

Trong thế giới phẳng và thông tin có thể tiếp cận nhanh chóng như hiện nay thì việc chủ động minh bạch và công khai thông tin sẽ mang lại nhiều ưu thế hơn là nước đến chân phải nhảy, hay thậm chí là dấu nhẹm thông tin.

Một ví dụ là chuyện hơn 30 doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo đã làm đơn kiến nghị, gửi đến EVN và nhiều nơi khác về chuyện EVN chậm mua điện của họ dù dự án đã hoàn thành từ lâu. Vậy mà EVN giải thích rất máy móc, như “chưa đủ hồ sơ pháp lý thì không dám mua, sau này thanh kiểm tra vào thì chết”.

Hệ quả là làn sóng chỉ trích EVN nổi lên ở nhiều nơi, mặc dù lỗi chính không phải là của EVN. Người ta thương xót các doanh nghiệp trên khổ quá, xót xa vốn đầu tư của họ quá, dự án đã làm xong mà không bán được điện trong khi thiếu điện, doanh nghiệp kêu trời, dân thì mất điện.

Tôi hiểu, các lãnh đạo ngành điện cũng có những nỗi niềm của mình sau những vụ việc thanh tra, kiểm tra gần đây, nhưng việc công khai, minh bạch và giải trình trước người dân, trước khách hàng là việc cực kỳ cần thiết để tạo ra sự tin tưởng, đồng thuận vì sự phát triển.

Truyền thông chính sách ngày nay đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng của nhiều cơ quan, đơn vị để tạo sự đồng thuận. Hy vọng ngành điện nói chung, EVN nói riêng làm tốt nhiệm vụ này trước khi có bất kỳ sự thay đổi nào, nhất là tăng giá điện tới đây, để người dân và khách hàng thấu hiểu.

Theo Thanh Hương/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load