Thứ sáu 29/03/2024 02:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Hố thẳm” đất đai

15:27 | 22/09/2020

(Xây dựng) - Những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai đang thực sự nóng bỏng ở nhiều địa phương trên cả nước. Hàng loạt sai phạm về đất đai nối tiếp nhau diễn ra đang khiến nhiều cá nhân, tổ chức bị đề nghị kiểm điểm, kỷ luật, thậm chí là truy tố.

ho tham dat dai
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Gần 20 năm trước, Phú Quốc bắt đầu được biết đến như một điểm sáng về thu hút đầu tư du lịch. Khi năm 2003, Phú Quốc được Chính phủ quy hoạch xây dựng thành khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao. Cũng từ đây, nơi này được ví như thiên đường cho các dự án đầu tư BĐS. Luồng gió đầu tư mới phủ lên vùng đất này, khiến đất đai của đảo ngọc trở lên có giá.

Thế nhưng, do công tác quản lý yếu kém, do tư lợi, nên phát sinh nhiều hệ lụy trong quản lý, sử dụng đất. Gần 3 năm sau, năm 2005, liên quan vụ tiêu cực trong quản lý đất đai ở Phú Quốc, 12 ủy viên BCH Chi bộ, Đảng bộ xã, thị trấn cũng bị kỷ luật với các hình thức từ cảnh cáo đến cách chức và khai trừ khỏi Đảng; 23 cán bộ có sai phạm liên quan đã bị xử lý theo pháp luật. Ở thời điểm này, tổng diện tích đất sử dụng sai mục đích phải thu hồi gần 9,7 triệu m2.

Cứ ngỡ, sau “cú sốc” đau lòng đó, sẽ là bài học cảnh tỉnh cho lớp cán bộ tiếp sau trấn cương gìn giữ và phát triển đảo ngọc Phú Quốc ngày một phồn thịnh. Nhưng, tất cả đều không được như mong đợi!

Một thời gian dài sau đó, đảo Phú Quốc như một công trường lớn, khắp nơi xây dựng, đất đai được chia nhỏ, hàng loạt các cuộc bán - mua tạo ra một thị trường BĐS đầy sôi động. Và rồi, sau những cảnh tỉnh không được lắng nghe, miếng bánh đất đai béo bở đã khiến nhiều cán bộ của đảo ngọc, thậm chí cả của tỉnh Kiên Giang “lạc lối”.

Theo kết quả của Thanh tra Chính phủ mới đây, từ tháng 01/2016 đến tháng 6/2017, hơn 17 nghìn thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ (dưới 500 m2) được tách thửa trái phép trên địa bàn huyện Phú Quốc. Việc làm này dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.

Do buông lỏng quản lý, tình trạng lấn chiếm đất rừng cũng diễn ra trong một thời gian dài. Thậm chí, một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2011 - 2014, toàn bộ 145/145 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Kiên Giang không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, điều này là vi phạm Luật Đất đai 2003.

Việc chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên dẫn đến nhiều dự án chậm tiến độ suốt thời gian dài. Trên địa bàn huyện Phú Quốc, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét thu hồi chủ trương đầu tư, thu hồi đất đối với 43 dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm.

Thời điểm này, ở Kiên Giang, sau Thanh tra là câu chuyện xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm hoặc có liên quan trách nhiệm đến sai phạm. Nhưng đằng sau đó là câu hỏi về vai trò giám sát của các cơ quan, tổ chức, chính quyền cấp trên. Bởi lẽ, những cảnh báo về các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất ở khu vực này vốn đã được nhắc đến nhiều, nhưng dường như không có một động thái tích cực nào đáng kể từ các cấp quản lý để ngăn chặn, thậm chí, tình trạng còn diễn biến ngày càng xấu hơn.

Từ câu chuyện của Phú Quốc, bây giờ, nếu mổ xẻ hàng trăm dự án BĐS ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, và nhiều địa phương khác… chắc sẽ có nhiều phát hiện đau lòng!

Hàng trăm nghìn héc-ta đất đã và đang bị sử dụng, chuyển đổi sai mục đích ở Phú Quốc phải được trả về đúng với vị trí của nó.

Cũng vậy, ở các địa phương khác, trong các sai phạm về quản lý, sử dụng đất đai, không thể nêu trách nhiệm tập thể chung chung, mà cần chỉ rõ trách nhiệm cá nhân ở từng cấp chính quyền.

Thời điểm này, còn đó ở nhiều địa phương những sai phạm về quản lý sử dụng đất đai chưa được xử lý. Bằng chứng là người ta vẫn cứ rao bán đất của nông dân ầm ầm trên các phương tiện truyền thông. Cuối cùng, chỉ có bà con sở tại là thấp thỏm trên chính mảnh đất nguồn cội của mình.

Cứ xem kỹ, nghĩ hết sẽ thấy, rồi mọi việc vẫn theo một nếp cũ đầy nguy hại. Miếng bánh đất đai, đó cũng là nơi để những mưu toan, những áp đặt, những dối lừa... tiếp tục trong bóng tối! Đất đai, như một hố thẳm hút những lòng tham. Và theo đó, bánh xích xe ủi vẫn cứ lăn, bật tung mọi gốc rễ, xáo trộn cuộc sống của bao người trong vùng các dự án.

Hải Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load