(Xây dựng) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BTC ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về quy tắc đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá, phạm vi công việc thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, hồ sơ thẩm định giá.
Thông tư 30/2024/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024. (Ảnh minh họa) |
Thông tư quy định rõ chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về hồ sơ thẩm định giá. Theo đó, người thực hiện hoạt động thẩm định giá có trách nhiệm lập hồ sơ thẩm định giá để chứng minh quá trình thẩm định giá đã được thực hiện theo đúng các Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.
Hồ sơ thẩm định giá bao gồm toàn bộ những thông tin, tài liệu cần thiết, phục vụ cho quá trình thẩm định giá tài sản để hình thành kết quả thẩm định giá cuối cùng. Tài liệu trong hồ sơ thẩm định giá phải được phân loại, sắp xếp theo thứ tự và được thể hiện trên giấy, phim ảnh hay những vật mang tin khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Thành phần của từng hồ sơ thẩm định giá có thể khác biệt căn cứ vào mục đích thẩm định giá và loại tài sản cần thẩm định giá.
Hồ sơ thẩm định giá được khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về giá và pháp luật về lưu trữ. Việc khai thác Hồ sơ thẩm định giá phải đảm bảo tính bảo mật theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ thẩm định giá được đưa vào lưu trữ bằng giấy và/hoặc dữ liệu điện tử, thời hạn lưu trữ tối thiểu là 10 năm kể từ ngày phát hành Chứng thư thẩm định giá tại doanh nghiệp thẩm định giá hoặc chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành Chứng thư thẩm định giá.
Hồ sơ thẩm định giá đưa vào lưu trữ cần có:
a) Bản gốc Báo cáo thẩm định giá;
b) Bản gốc Chứng thư thẩm định giá;
c) Bản gốc hoặc sao y bản chính hợp đồng thẩm định giá và biên bản thanh lý hợp đồng thẩm định giá (nếu có), hoặc bản gốc văn bản đề nghị/yêu cầu thẩm định giá (nếu có);
d) Thông tin, tài liệu về tài sản thẩm định giá (hoặc doanh nghiệp cần thẩm định giá khi xác định giá trị doanh nghiệp), các tài sản so sánh (nếu có);
e) Báo cáo của chuyên gia được mời cung cấp ý kiến chuyên môn (nếu có);
g) Biên bản khảo sát, thông tin thu thập được để hình thành kết quả thẩm định giá: ảnh chụp, các tài liệu, thông tin cần thiết khác (nếu có);
h) Những tài liệu phân tích, đánh giá của thẩm định viên (nếu có).
Doanh nghiệp thẩm định giá phải có biện pháp để duy trì tính bảo mật, an toàn, toàn vẹn, có khả năng tiếp cận và phục hồi được của hồ sơ thẩm định giá trong thời hạn lưu trữ. Đối với hồ sơ thẩm định giá đã hết thời hạn lưu trữ, được tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Chứng thư thẩm định giá
Theo Thông tư, chứng thư thẩm định giá có thể được phát hành dưới dạng điện tử với chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trên cơ sở hợp đồng thẩm định giá hoặc yêu cầu thẩm định giá.
Mẫu chứng thư thẩm định giá được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về hồ sơ thẩm định giá.
Chứng thư thẩm định giá bao gồm các nội dung cơ bản sau: Số hợp đồng thẩm định giá và/hoặc văn bản yêu cầu/đề nghị thẩm định giá; Tên và địa chỉ của doanh nghiệp thẩm định giá, hoặc chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá; Thông tin về khách hàng thẩm định giá; Thông tin chính về tài sản thẩm định giá (tên và chủng loại tài sản, đặc điểm cơ bản về mặt pháp lý và kinh tế - kỹ thuật...); Mục đích thẩm định giá; Thời điểm thẩm định giá; Cơ sở giá trị thẩm định giá; Tên cách tiếp cận và tên phương pháp thẩm định giá; Giá trị tài sản thẩm định giá; Họ tên, số thẻ thẩm định viên về giá và chữ ký của thẩm định viên được giao chịu trách nhiệm thực hiện thẩm định giá đã ký Báo cáo thẩm định giá; Thời hạn có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá.
Thời gian có hiệu lực của chứng thư thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.
Lê Đức
Theo