(Xây dựng) – Theo Báo cáo số 642-BC/TU Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ban hành, kinh tế năm 2024 của tỉnh Hậu Giang tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ với tất cả các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,76%, xếp vị trí thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 15 trên cả nước.
Một góc thành phố Vị Thanh. |
Báo cáo của Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Năm 2024, với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; cùng với đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh ra sức thi đua, lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, song cũng có không ít khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế khi phải đối mặt với những biến động lớn từ bên ngoài và những khó khăn nội tại trong tỉnh.
Bám sát chặt chẽ chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết, chương trình, đề án,… của Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện nhiệm vụ chính trị với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm, khát vọng”, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, đã nỗ lực, nắm bắt thời cơ, thuận lợi vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành và vượt toàn diện 18/18 chỉ tiêu Chương trình công tác 2024 đề ra.
Kinh tế năm 2024 của tỉnh tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực, tăng trưởng mạnh mẽ với tất cả các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,76%, xếp vị trí thứ 02 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thứ 15 trên cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 93,78 triệu đồng (kế hoạch là 88,84 triệu đồng) tăng 14,2% so với cùng kỳ, vượt 5,56% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng nhanh tỷ trọng giá trị của các ngành công nghiệp, dịch vụ, đồng thời giảm dần tương đối cơ cấu tỷ trọng các ngành Nông nghiệp. Khu vực I còn 21,41%, giảm 0,13%; khu vực II: 39,89%, tăng 1,87%; khu vực III: 32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 6,7%.
Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực đạt kết quả cao. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong và ngoài tỉnh; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 177.839ha, vượt 2,2% kế hoạch, năng suất đạt 6,67 tấn/ha, sản lượng 1.175.889 tấn, vượt 3,9% kế hoạch. Rau màu xuống giống được 29.280ha, vượt 8,4% kế hoạch, năng suất 12,5 tấn/ha, sản lượng 366.000 tấn. Mía niên vụ 2023 - 2024 xuống giống được 3.216ha phân bố ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, năng suất đạt 100 tấn/ha, sản lượng 321.600 tấn, vượt 2,1% kế hoạch… Diện tích cây ăn trái toàn tỉnh 46.367ha, tăng 750ha so với cùng kỳ, sản lượng đạt 558.300 tấn. Rau màu toàn tỉnh đã xuống giống được 29.280ha, đạt 108,4% so với kế hoạch, bằng cùng kỳ năm 2023, năng suất trung bình 12,5 tấn/ha, sản lượng đạt 366.000 tấn, bằng so với cùng kỳ…
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát huy hiệu quả, nâng cao năng suất lao động và giá trị trên cùng diện tích canh tác; giảm diện tích đất bỏ hoang không sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp; tỷ lệ che phủ rừng đạt 3,1%, đạt 103,3% kế hoạch. Công tác bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610m, diện tích mất đất 2.950m2, ước thiệt hại hơn 03 tỷ đồng; dông lốc làm sập 08 căn nhà, tốc mái 51 căn, ước tổng thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định; một số doanh nghiệp mở rộng quy mô, chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Trong năm, có 930 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng số vốn 4.826 tỷ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ. Đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế là 4.770 doanh nghiệp, tăng 9,4% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện được 43.903 tỷ đồng, tăng 14,68% so với cùng kỳ và vượt 3,35% kế hoạch. Hoạt động thương mại dịch vụ tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thực hiện năm 2024 đạt 62.052 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ, vượt 7,45% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được 1.298 triệu USD, tăng 5,58% so cùng kỳ và vượt 2,34% kế hoạch.
Diện mạo nông nghiệp Hậu Giang đã nhiều đổi thay, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập. |
Tăng cường triển khai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn là 43.210 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ; nợ xấu toàn địa bàn được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đề ra. Tổng vốn huy động trên địa bàn là 24.453 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Chỉ đạo đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công đảm theo tiến độ kế hoạch. Giải ngân đầu tư công đến cuối năm 2024 là 6.490 tỷ động, đạt 95% kế hoạch (kế hoạch tối thiểu từ 95%)… Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn là 25.800 tỷ đồng, tăng 13,66% so cùng kỳ và vượt 3,32% kế hoạch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.520 tỷ đồng, tăng 23,52% so cùng kỳ, đạt 100,27% dự toán Trung ương. Trong đó, thu nội địa là 7.017 tỷ đồng, tăng 27,14% so cùng kỳ, đạt 103,19 % dự toán Trung ương; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 503 tỷ đồng, bằng 88,4 so cùng kỳ, đạt 71,86% dự toán Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Đồng Văn Thanh thông tin cho biết: “Kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trường kinh tế (GRDP) đạt 8,76%, tiếp tục được xếp ở vị trí nhóm cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người tăng 14,2% so cùng kỳ, nằm trong nhóm đầu các tỉnh có tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người cao nhất nước. Sản xuất nông nghiệp duy trì là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, khu vực I tăng trưởng 3,38%; kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, vận tải có nhiều chuyển biến tích cực; xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đổi mới, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư lớn; thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ thực hiện các công trình, dự án được các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện, kết quả đạt tiến độ theo kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được chú trọng phát triển đồng bộ, toàn diện; hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao chào mừng sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh được tổ chức đa dạng, ý nghĩa, tiết kiệm; du lịch tiếp tục được đầu tư, khai phá, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ du lịch tăng cao; chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao, cải thiện tốt hơn đời sống của người dân toàn tỉnh; đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với nhu cầu xã hội, đạt nhiều kết quả…”.
Huỳnh Biển
Theo