Thứ sáu 08/11/2024 18:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng

14:33 | 10/05/2021

(Xây dựng) – Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng xác định tầm quan trọng, giải pháp xây dựng thành phố là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

hai phong day nhanh tien do cac du an giao thong trong diem ket noi vung
Các đơn vị đang triển khai thi công cầu Rào 1.

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Hải Phòng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, có 46 cây cầu được hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển, mở rộng không gian đô thị, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Hải Phòng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Các đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo và huy động các nguồn lực để thực hiện.

Trong năm 2021, dự kiến, thành phố Hải Phòng sẽ hoàn thành 5 cầu bao gồm: cầu Rào, cầu Dinh, cầu Quang Thanh, cầu Tràng Kênh (nằm trong dự án cải tạo đường thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), cầu qua sông Đa Độ (hoàn thành tháng 1/2021 trong dự án đường 403 (ĐT.363) giai đoạn 2, huyện Kiến Thụy); dự kiến khởi công 19 cầu (bao gồm cả một số cầu đã được động thổ trong năm 2020).

Dự án đầu tư xây dựng cầu Quang Thanh (nối huyện An Lão, TP. Thành phố Hải Phòng và huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) sẽ hoàn thiện tuyến đường bộ liên tỉnh kết nối giữa huyện An Lão, thành phố Hải Phòng và huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Cải thiện hệ thống giao thông, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; giảm tải, đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 10 và các tuyến đường khác trong khu vực. Huyện An Lão đang thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp... nên rất cần nguồn nhân lực và hàng hoá, nông thuỷ sản của huyện Thanh Hà và các địa phương lân cận.

Phà Quang Thanh nối đường tỉnh ĐT360 (Hải Phòng) với ĐT392 (Hải Dương) kết nối huyện Thanh Hà, Hải Dương và An Lão, Hải Phòng hiện không đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá, nhất là các doanh nghiệp vận tải bằng xe tải, xe container. Cầu Quang Thanh sẽ kết nối Quốc lộ 10, đường tỉnh ĐT360 với ĐT390, ĐT392, Quốc lộ 37 và các tuyến đường trong khu vực liên kết các vùng của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, tạo điều kiện, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Xây dựng mới cầu Quang Thanh vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt sông Văn Úc và đường dẫn hai đầu cầu với thông số kỹ thuật chủ yếu như sau: Xây dựng mới cầu Quang Thanh vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt sông Văn Úc, chiều dài Lc=536m; bề rộng cầu 12m. Tải trọng thiết kế HL93, kích thước khoang thông thuyền BxH = 50mx9,5m. Nhịp chính thiết kế dầm Extradosed với sơ đồ (70+110+70)m dầm liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực. Phần cầu dẫn gồm 7 nhịp dầm SuperT bêtông cốt thép dự ứng. Xây dựng đường dẫn hai đầu cầu theo theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với bề rộng nền đường Bn = 12m.

Đây là công trình giao thông cấp I với mức đầu tư 398.600 triệu đồng (Ngân sách Trung ương là 156.696 triệu đồng; Ngân sách thành phố Hải Phòng là 239.304 triệu đồng; Ngân sách tỉnh Hải Dương là 2.600 triệu đồng). (Tỉnh Hải Dương đầu tư một dự án tuyến đường kết nối từ đầu cầu Quang Thanh đến đường tỉnh 390 chiều dài 1,77 km theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với bề rộng nền đường Bn=2m với mức đầu tư 195.650 triệu đồng sẽ hoàn thành với cầu Quang Thanh), thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021.

Nhà thầu thi công là Liên danh CTCP Cầu 3 Thăng Long - CTCP Tập đoàn Đầu tư - Xây dựng HJC và Tổng Công ty Thăng Long - CTCP. Thời gian thi công theo hợp đồng là 15 tháng, khởi công ngày 16/5/2020. Nhà thầu đã hoàn thành 2 mố và 9 trụ; hoàn thành đúc dầm và lao lắp 35 phiến dầm Super-T của 7 nhịp; hoàn thành 12 khối dầm đúc hẫng cân bằng của 2 trụ tháp. Hợp long cầu ngày 15/4/2021, hiện đang thi công tường chắn, bờ bo lan can, thi công nền đường dẫn. Ước khối lượng thực hiện khoảng 290/314 tỷ đồng (92% hợp đồng). Dự án khởi công ngày 16/5/2020. UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo phấn đấu thông xe nhân dịp kỷ niệm 13/5/2021. Do một số nguyên nhân nên tiến độ mục tiêu bị chậm hơn dự kiến. Việc giải phóng mặt bằng bên phía bờ huyện An Lão gặp vướng mắc. Đến cuối tháng 2/2021 nhà thầu mới có mặt bằng để thi công tường chắn đầu cầu, đường gom 2 bên. Do ảnh hưởng của dịch Covid 19, nhà thầu phải dừng thi công phía bờ Hải Dương hơn 1 tháng (từ 28/1/2021 đến 2/3/2021). Hiện, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2021.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Dinh (nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) nẽ nâng cao năng lực phục vụ giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và hoạt động giao thông vận tải, đảm bảo mục tiêu Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu giữa hai huyện Thủy Nguyên, Kinh Môn và 2 địa phương Hải Phòng, Hải Dương. Tạo thuận lợi cho người dân Thị xã Kinh Môn, các huyện Kim Thành, Nam Sách (tỉnh Hải Dương), thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) và các vùng phụ cận tiếp cận các dịch vụ kinh tế và xã hội của đô thị, đặc biệt là với Khu trung tâm Chính trị hành chính mới của thành phố Hải Phòng tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, phát triển du lịch, dịch vụ và đảm bảo an ninh quốc phòng của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.

Từ năm 2007 đến 2015, thành phố Hải Phòng vận động, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và bố trí vốn ngân sách địa phương để đầu tư tuyến đường liên tỉnh từ huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đi Thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Tuy nhiên, hiện nay người dân hai địa phương Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Kinh Môn (Hải Dương) vẫn phải qua lại bằng phà Dinh do cầu chưa được đầu tư xây dựng. Việc đầu tư xây dựng mới cầu Dinh là cần thiết, kết nối QL37, ĐT389B, ĐT352, QL10 và các tuyến đường trong khu vực tạo sự liên kết vùng rộng lớn. Đáp ứng nhu cầu giao thông, góp phần thông thương, cải thiện đời sống của nhân dân trên địa bàn hai huyện Thuỷ Nguyên và Thị xã Kinh Môn và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương.

Xây dựng mới cầu Dinh vĩnh cửu bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực vượt sông Hàn - Cấm và đường dẫn hai đầu cầu với thông số kỹ thuật chủ yếu: Xây dựng mới cầu Dinh bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực vượt sông Hàn - Cấm, chiều dài Lc=369,8m; bề rộng cầu 12m. Tải trọng thiết kế HL93, kích thước khoang thông thuyền BxH = 50mx9,5m. Nhịp chính thiết kế dạng dầm hộp bêtông cốt thép dự ứng lực, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng với sơ đồ: (55+90+55)m; nhịp dẫn sử dụng dầm SuperT bêtông cốt thép dự ứng lực. Xây dựng đường dẫn hai đầu cầu theo theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với bề rộng nền đường Bn = 12m. Công trình giao thông, cấp II. Tổng mức đầu tư dự án 269.440 triệu đồng. Thời gian thực hiện năm 2019 – 2021.

Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng Cầu 75 - Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng số 18. Thời gian thi công theo hợp đồng là 12 tháng. Nhà thầu đã hoàn thành 2 mố, 5 trụ, 3 nhịp đúc hẫng, lao lắp xong 20/20 phiến dầm Super-T nhịp dẫn. Đang thi công gờ lan can, đường dẫn 2 đầu cầu. Ước khối lượng thực hiện khoảng 192/213 tỷ đồng (90% hợp đồng). Dự án khởi công ngày 16/5/2020. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 13/5/2021. Tuy nhiên vì một số nguyên nhân nên tiến độ mục tiêu bị chậm hơn dự kiến. Việc giải phóng mặt bằng bên phía bờ thị xã Kinh Môn gặp vướng mắc. Địa phương thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất nên đến cuối tháng 2/2021 nhà thầu mới có mặt bằng để thi công trụ cuối cùng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà thầu phải dừng thi công phía bờ Hải Dương hơn 01 tháng (từ 28/1/2021 đến 2/3/2021). Nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2021.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1: Trong những năm qua, cầu Rào kết nối trung tâm thành phố Hải Phòng theo trục đường Lạch Tray, đường tỉnh 353, đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành địa phương trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của thành phố Hải Phòng. Công trình được đưa vào khai thác từ năm 1980 và hoàn thành xây dựng lại năm 1989, hiện đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu khai thác vận tải và thường gây ùn tắc giao thông cục bộ trong khu vực.

Trước tình hình trên, UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào với quy mô xây dựng mới công trình cầu vĩnh cửu thay thế cầu cũ, hoàn chỉnh hạ tầng trên tuyến đường Lạch Tray nhằm đảm bảo an toàn giao thông, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch, nâng cao năng lực thông hành cho các phương tiện ra, vào trung tâm thành phố; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Rào là công trình điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan ở cửa ngõ phía Nam thành phố Hải Phòng, thay đổi diện mạo đô thị thành phố Hải Phòng theo hướng văn minh, hiện đại, cụ thể hoá Chương trình hành động của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 45/NQ-TW của Bộ Chính trị “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không”.

Xây dựng mới cầu Rào vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, gồm 3 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, dải phân cách, dải an toàn, vỉa hè hai bên. Các cầu nhánh bờ phía quận Hải An và quận Ngô Quyền gồm 2 nhánh rẽ lên xuống, kết cấu dầm bản bê tông cốt thép, dạng hoa thị đơn trộn dòng, bề rộng mặt cắt ngang Bcn=9m, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến kết hợp kênh hóa bằng các đảo giao thông ở tầng 1 để đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường 353 và đường Lạch Tray. Lắp đặt đồng bộ hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật, biển báo hiệu đường thủy, đường bộ. Xây dựng công viên cảnh quan hai đầu cầu. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường Lạch Tray, chiều rộng vỉa hè mỗi bên khoảng 5m. Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt với mức đầu tư: 2.265.197 triệu đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2019 – 2022.

Nhà thầu xây dựng cầu và nút giao: Liên danh CTCP - Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long, CTCP Tập đoàn Đầu tư-Xây dựng HJC, Tổng công ty Thăng Long-CTCP, CTCP Xây dựng 203 (MECO-HJC-TLG-XD203). Nhà thầu bắt đầu thi công từ ngày 3/12/2020. Thời gian xây dựng dự kiến 15 tháng. UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo phấn đấu hoàn thành trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Khối lượng thi công: Tổng số 28 trụ, mố: Hoàn thành 13 trụ; đang thi công 8 trụ, mố; Đang đúc dầm trên đà giáo; Đang gia công chế tạo dầm thép, vòm thép trong xưởng. Giá trị thực hiện dự án ước đạt 200 tỷ đồng (20%).

hai phong day nhanh tien do cac du an giao thong trong diem ket noi vung
Phối cảnh cầu Dinh.

Dự kiến, năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng sẽ trình Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng thông qua kế hoạch xây dựng 57 cầu: 3 cầu kết nối vùng: cầu Lại Xuân, cầu Nghìn 2, cầu Lô Đông nối xã Vĩnh Long, Vĩnh Bảo với Quỳnh Phụ, Thái Bình; 7 cầu kết nối giữa các quận, huyện và 41 cầu trong các quận, huyện; 5 nút giao khác mức; 1 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3. Trong giai đoạn 2022 - 2025, dự kiến đề xuất, thông qua Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng 29 cầu: 2 cầu kết nối vùng (cầu qua sông Hóa nối xã Vinh Phong, Vĩnh Bảo – xã Thụy Ninh, Thái Thụy; cầu qua sông Hóa nối xã Hiệp Hòa, Vĩnh Bảo – Khu di tích Đền A Sào, xã An Thái, Quỳnh Phụ); 6 cầu qua sông kết nối các quận, huyện; 8 cầu trong các quận, huyện; 7 nút giao khác mức; 6 cầu trên vành đai 2 và vành đai 3.

Hải Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load