(Xây dựng) - Báo Xây dựng nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1961, trú tại xóm Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tố cáo về việc ông Phạm Đức Hướng, Chủ tịch UBND xã này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt và hợp thức hóa gần 500m2 đất trái phép, gây bức xúc trong dư luận.
Đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn Sơn gửi Báo Xây dựng.
Dấu đầu, hở đuôi
Đơn thư cho biết, trước đây, cạnh nhà ông Hướng (xóm Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc) có gia đình ông Nguyễn Minh Nam sinh sống nhưng sau đó đã xin chuyển đến vùng Gia Đấn (cùng thôn) để ở, đồng thời trả lại đất cho địa phương. Năm 2012, sau khi lên làm Chủ tịch UBND xã, ông Hướng đã xây tường bao, ôm trọn mặt tiền của khu đất này.
Năm 2012, sau khi lên làm Chủ tịch UBND xã, ông Hướng đã xây tường bao, lấn chiếm diện tích đất mà ông Nam để lại.
Đầu năm 2017, ông Hướng tiếp tục “mở rộng lãnh địa” của mình bằng cách dùng máy cắt cây, lấn chiếm đất của bà Bùi Thị Điu - cán bộ lão thành cách mạng (nối tiếp phần đất phía sau nhà ông Nam - PV). Hiện tại ,ông Hướng đã chôn cọc bê tông và dùng dây thép gai để rào lại toàn bộ diện tích đất lấn chiếm nói trên.
Trao đổi với PV, người nhà của bà Điu bức xúc: “Đất của bà nngoại giao cho mẹ tôi quản lý, có bìa đất đầy đủ, vậy mà ông Hướng nói rằng đất này không thuộc của ai cả. Ông Hướng tự tiện đưa máy, cưa mất hàng chục cây to, có những cây đường kính gần 60cm. Là người dân thấp cổ bé họng, sợ bị trù dập nên chúng tôi đành chấp nhận, chỉ xin giữ lại cây mít gần trăm tuổi của bà để làm kỷ niệm.
Cũng theo người cháu này, thái độ của vị Chủ tịch xã hết sức ngang ngược, hách dịch, cửa quyền, coi thường người dân, đạp lên luật pháp: “Tao không sợ gì ai cả, giấy trắng mực đen, tao có sổ sách đầy đủ”.
Nhiều lần tìm đến UBND xã Vĩnh Lộc để làm việc nhưng đều không gặp, cuối cùng chúng tôi phải gọi điện hẹn trước. Trao đổi với PV Báo Xây dựng, ông Phạm Đức Hướng không thừa nhận việc lấn chiếm đất công và cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G 226660, với tổng diện tích 5.796m2, trong đó có 200m2 đất ở, 850m2 đất vườn (đất sử dụng lâu dài), còn lại là đất lúa + màu. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này mang tên Phạm Đức An (cha đẻ ông Hướng - PV), do ông Trần Đình Hòa - Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cấp ngày 10/12/1995.
Tuy nhiên, theo điều tra của PV, sau khi đăng nhiệm Chủ tịch UBND xã năm 2012, với chức vụ và quyền hạn của mình, ông Hướng đã làm thủ tục để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang tên mình.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông An (cấp năm 1995) và của ông Hướng (cấp năm 2012) có sự chênh lệch gần 500m2.
Theo đó, giấy chứng nhận QSD đất mới có số BN 183440, cấp ngày 31/12/2012,
tại thửa đất số 76, tờ bản đồ 35 có diện tích 1.519,3m2 (Một nghìn năm trăm mười chín phẩy ba mét vuông), trong đó có 200,0m2 đất ở; 1.319,3m2 đất trồng cây lâu năm, mang tên ông Phạm Đức Hướng và bà Nguyễn Thị Hà.
Huyện "lúng túng" vì không xác định được nguồn gốc sử dụng đất
Ông Nguyễn Thắng Cảnh, sinh năm 1948, có gần 45 năm tuổi Đảng cho biết: “Vừa qua, trong cuộc họp tổng kết 10 năm công tác xây dựng chi bộ, tôi có phát biểu về vấn đề này. Một Đảng bộ muốn vững mạnh thì mỗi Đảng viên phải trong sạch, gương mẫu, liêm khiết, chí công vô tư. Ông Hướng là Đảng viên, lại là Chủ tịch xã mà như thế thì người dân biết nghe ai và tin vào đâu”.
Xác minh về vấn đề này, anh Phạm Đức Dũng, trưởng thôn Chiến Thắng chia sẻ: “Đúng là trước đây nhà ông Nam ở đó, nhưng đã chuyển đi. Chuyện đất của ông Hướng rộng hay hẹp, lấn chiếm hay không thì không rõ. Vừa rồi ông Hướng múc đất, rào thép gai thì người nhà bà Điu và ông Hướng có lời qua tiếng lại và hai bên chửi bới lẫn nhau”.
Đầu năm 2017, ông Hướng dùng máy cắt cây, lấn chiếm đất của bà Bùi Thị Điu - cán bộ lão thành cách mạng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lộc xác nhận: “Thời gian qua, tại địa phương xuất hiện nhiều đơn thư khiếu kiện liên quan đến Chủ tịch UBND xã như lấn chiếm đất đai, quản lý xây dựng thiếu chặt chẽ, cấp đất sai thẩm quyền, giải quyết tài chính thiếu minh bạch, khiến sự đồng thuận của nhân dân không cao, nhiều việc làm không được cấp dưới đồng tình. Vì vậy, Thường vụ Huyện ủy yêu cầu kiểm điểm BCH Đảng ủy”.
“Huyện ủy giao cho địa phương đến ngày 30/6 phải xử lý dứt điểm những tồn tại mà dư luận phản ánh, tuy nhiên sự biến chuyển không nhiều”, ông Hùng nói thêm.
Trao đổi với PV, ông Trần Viết Tân, Phó chánh thanh tra huyện Can Lộc cho biết: “Việc xác minh lịch sử về đất đai rất khó. Đất có giấy tờ hay không có giấy tờ? Đất không có giấy tờ thì liên quan đến mốc sử dụng. Quy định sử dụng trước 15/10/1993 mà ổn định, không có tranh chấp thì được cấp bìa (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV)”.
“Thực ra là không khẳng định được việc ông Nam chuyển đi trước hay sau 1993 và bố ông Hướng sử dụng trước hay sau thời gian này vì không xác định được nguồn gốc sử dụng đất nên không kết luận được”, ông Tân nói thêm.
Cũng theo ông Tân, trong một lần tổ chức đối thoại, ông Hướng cho biết đất này là do bố ông mua lại của ông Nam nhưng khi yêu cầu xuất trình hồ sơ mua bán, chuyển nhượng thì ông Hướng trả lời vòng vo rằng đã bị mất, không tìm thấy.
Dư luận không khỏi hoài nghi về sự khuất tất trong lời nói và việc làm của vị Chủ tịch xã này. Nếu bố ông Hướng mua lại đất của ông Nam là có thật thì tại sao lại không được thể hiện trong bìa đất cấp năm 1995. Nếu không có sự lấn chiếm đất công như người dân phản ánh thì tại sao ông Hướng lại không xuất trình bìa đất cấp năm 2012? Diện tích đất chênh lệch gần 500m2 giữa hai bìa đất là nguyên cớ gì?
Tại sao khi cấp đổi bìa đất mới lại không thu hồi bìa đất cũ? Việc ông Phạm Đức Hướng lấn chiếm đất của cán bộ lão thành cách mạng vào đầu năm 2017, phải chăng đã có ý đồ từ trước và được hợp thức hóa trong bìa đất cấp năm 2012 nên mới ngang nhiên tuyên bố: “Tao không sợ gì ai cả, giấy trắng mực đen, tao có sổ sách đầy đủ”. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc để điều tra, làm rõ để trả lại sự công bằng cho người dân!
Trần Hoàn - Phi Long
Theo