(Xây dựng) - Trong nhiều năm gần đây, nhà ở xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp ở Hà Nội luôn là vấn đề cấp thiết. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở dành cho người lao động song trên thực tế, kết quả triển khai thực hiện vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu.
Một xưởng sản xuất tại khu công nghiệp Hà Nội. |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước chỉ có 214 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha, trong đó 116 dự án đã hoàn thành với diện tích đất hơn 250ha. Với diện tích kể trên, cả nước mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.
Riêng công nhân khu công nghiệp, diện tích nhà chỉ đủ bố trí cho hơn 330.000 người, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020. Trong khi đó, cả nước có 394 khu công nghiệp và hàng nghìn cụm công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động làm việc.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện Thành phố Hà Nội đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghiệp cao với tổng diện tích gần 3.500ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích 1.264ha, đang hoạt động ổn định với khoảng gần 162.000 lao động.
Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, hiện mới có 3 khu công nghiệp là Thạch Thất - Quốc Oai, Bắc Thăng Long (Đông Anh), Phú Nghĩa (Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân. Còn lại, các khu công nghiệp đều chưa có nhà ở cho công nhân. Do đó, hàng nghìn công nhân đã phải thuê nhà trọ tại các khu dân cư thiếu những điều kiện trong sinh hoạt.
Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy nhiều bất cập trong công tác quy hoạch, phát triển đô thị. Điển hình tại đô thị lớn, nơi tập trung và phát triển mạnh các khu công nghiệp nhưng không gian sản xuất công nghiệp lại đang bị chia cắt, thiếu những chốn định cư chất lượng cho công nhân dẫn đến nhiều hệ lụy.
Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều đơn vị sản xuất đã bị đứt gãy vì không đảm bảo được việc thực hiện 3 tại chỗ (ăn, ngủ, làm việc) tại khu công nghiệp. Cùng đó là các cuộc “rút chạy” khỏi nơi cư trú tạm bợ ở một số địa phương thời gian qua là những minh chứng.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Đặng Việt Dũng đánh giá, việc phát triển các khu công nghiệp thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là, chưa có sự gắn kết quá trình phát triển khu công nghiệp với quá trình hình thành và phát triển đô thị từ khâu quy hoạch, đầu tư cũng như công tác quản lý. Mô hình khu công nghiệp thời gian qua chủ yếu phát triển tập trung công nghiệp đơn thuần, tập trung cho không gian sản xuất, lao động, chưa chú trọng hoàn thiện không gian sống, không gian sinh hoạt cho người lao động. Do đó cần nghiên cứu xây dựng các chính sách pháp luật đảm bảo gắn đồng bộ quy hoạch khu công nghiệp với phát triển đô thị, dịch vụ trong một phương án tổng thể, thống nhất.
Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản đề nghị các địa phương khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu công nghiệp phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp đó.
Bên cạnh đó, các địa phương cần có cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; đặc biệt là nhà cho công nhân thuê tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã giao trong Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/1/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà xã hội. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng những thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao). Phấn đấu từ năm 2026 trở đi, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hai nhiệm vụ: Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách; chủ trì, phối hợp cơ quan, địa phương liên quan có giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Hạ Ly
Theo