Ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi thực hiện mô hình Thanh tra Xây dựng (TTXD) quận, huyện, tỉ lệ công trình xây dựng được cấp phép ở Hà Nội từ đầu năm 2009 đến nay tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2008. Nhiều quận, huyện tỉ lệ công trình được cấp phép đạt tới 96,1% như Thanh Trì, Long Biên đạt 95,5%, Ba Đình 94,5%... Trong số 1.957 trường hợp được cấp phép xây dựng từ đầu năm đến nay, Sở chỉ cấp phép 43 trường hợp, còn lại 1.914 trường hợp đều do UBND các quận, huyện cấp. Trong 319 công trình xây dựng không phép và sai phép, TP cùng quận, huyện phải xử lý tới 318 trường hợp. Số vụ xây dựng sai phép chưa xử lý còn tới 92 vụ.
Một công trình vi phạm vị cưỡng chế.
Về vụ sai phạm tại số 39 Cửa Nam, ông Lê Quang Phú - Chánh TTXD TP Hà Nội phân tích: Cũng là vụ vi phạm trật tự xây dựng, chúng tôi đã kiểm tra và rơi vào tình thế rất khó xử lý. Bảy gia đình chung sống tại đây không có nhà tắm, phải cơi nới gầm cầu thang thành nhà tắm. Rồi chỉ một lá đơn khiếu kiện, người đứng đơn lại không hề sinh sống ở đây. Q.Hoàn Kiếm cùng lực lượng chức năng đã tổ chức cưỡng chế tới ba lần (lần đầu phá cửa, lần hai tháo bình nóng lạnh tại nhà tắm này, lần ba tiếp tục cậy từng viên gạch ốp tường nhà tắm ra...). Nhưng cưỡng chế đến vậy thì cũng thấy hơi quá. Vì không có nhà tắm, gần 30 con người ở chung trong một số nhà phải quây bạt ra sân để sử dụng. Công trình sai phép nghiêm trọng tại 48 Hà Trung, quận cấp phép cho chủ đầu tư xây dựng ở phía ngoài được xây 3 tầng (mặt phố cổ Hà Nội), phía trong cho phép xây 4 tầng. Vậy mà chỉ sau hơn 2 tháng, công trình sai phép này đã và đang hoàn thiện đến cả 6 tầng mà P.Hàng Bông và Q.Hoàn Kiếm vẫn không xử lý.
Có 3 vấn đề được ông Lê Quang Phú nêu ra nhằm giải thích nguyên nhân nhiều vụ xây dựng sai phép không được cơ sở xử lý dứt điểm ngay khi mới phát sinh, để kéo dài gây khiếu kiện phức tạp, là d Có tiêu cực - người sai phạm cố tình chây ỳ - nhiều vụ bị can thiệp do tác động của các mối quan hệ khác nhau. Nhưng nhiều ý kiến của dư luận lại cho rằng: Nếu có tiêu cực thì ngay trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (được thể chế bằng Quyết định 89/ 2007/QĐ-TTg và Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành năm 2007) quy định: Chánh TTXD tỉnh, TP có quyền kiến nghị kỷ luật Chủ tịch UBND quận, huyện và Chủ tịch quận có quyền cách chức Chủ tịch UBND phường khi không thực hiện xử lý các sai phạm về trật tự xây dựng ở địa bàn phụ trách. Vậy tại sao nhiều vụ việc sai phạm, sai phép nghiêm trọng được dư luận và báo chí phản ánh mà UBND quận, phường ở một vài nơi vẫn không xử lý, chưa cách chức, kỷ luật một cán bộ cấp phường hay quận? Nhiều ý kiến đề xuất TP cần có quy chế ban hành, quy định rõ ràng xử lý nghiêm khắc đối với cả cán bộ có trách nhiệm xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng mà không thực hiện nhiệm vụ.
Sở Xây dựng thừa nhận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của TTXD huyện, quận, xã phường hiện cũng chưa đủ tầm để kiểm soát các hoạt động xây dựng. Thậm chí, lực lượng TTXD hiện cũng đang thiếu và yếu, còn tới 12/29 đơn vị hành chính huyện của Hà Nội chưa có lực lượng TTXD mà các huyện này lại đang có tốc độ đô thị hoá nhanh. Ngay trong đợt thi tuyển TTXD vừa qua, toàn TP chỉ tuyển được 529 người trong số 1.063 người tham gia thi tuyển. Trước thực tế này, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TP cho phép ký tiếp hợp đồng lao động với số cán bộ thi trượt nhưng lại công tác lâu năm trong ngành (để bố trí thi lại lần sau). Vì số TTXD thi đỗ trong kỳ thi vừa qua lại hầu hết là cán bộ mới, chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên chưa thể đáp ứng ngay được nhiệm vụ của TTXD.
Đức tâm
Theo baoxaydung.com.vn